|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc trưng cầu dân ý nhằm gia nhập Nga đạt ngưỡng quan trọng, Kiev tố Moscow ép buộc người dân

12:49 | 26/09/2022
Chia sẻ
Số người tham gia trưng cầu dân ý tại 3/4 vùng lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát đã vượt qua mốc 50%. Tuy nhiên, theo phía Kiev, có nhiều báo cáo cho thấy Moscow đang ép buộc người dân.

Theo Reuters, cuộc trưng cầu dân ý đang diễn ra tại 4 vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga kiểm soát. Kết quả cho thấy 3/4 khu vực đã có số người đi bầu vượt qua ngưỡng đa số. 4 tỉnh diễn ra trưng cầu là Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporozhye (Zapori), chiếm khoảng 15% diện tích Ukraine. 

Tính đến ngày 25/9, tỷ lệ đi bầu tại ba khu vực Donetsk, Luhansk và Zaporozhye đã đạt 50%, tức có hiệu lực pháp lý theo phía Nga. RT cho biết tại lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR), 76% số cử tri đã đi bầu cử, trong khi tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR), con số này là 77%.

Tại hai tỉnh Kherson và Zaporozhye đang do phía Nga kiểm soát, tỷ lệ đi bầu thấp hơn, lần lượt đạt 49% và 51,55%. Do vẫn còn hai ngày bỏ phiếu, nhiều khả năng cả 4 vùng lãnh thổ sẽ đều vượt qua ngưỡng đa số là 50%.

Nga đang kiểm soát gần như hoàn toàn diện tích của Luhansk (LPR), nhưng chỉ nắm khoảng 60% lãnh thổ Donetsk (DPR). 

Cuộc bỏ phiếu về việc liệu những vùng lãnh thổ trên có trở thành một phần của nước Nga hay không diễn ra sau khi Ukraine đã chiếm lại khu vực Kharkov (Kharkiv). Với việc Tổng thống Vladimir Putin công bố lệnh động viên một phần khoảng 300.000 binh sĩ để chiến đấu tại Ukraine, dường như Điện Kremlin đang cố gắng giành lại thế thượng phong trong xung đột.

Cuộc trưng cầu dân ý đã được thảo luận trong vòng nhiều tháng kể từ khi các chính quyền thân Nga được Moscow dựng lên. Tuy nhiên, chiến thắng gần đây của Ukraine đã làm thay đổi kế hoạch ban đầu.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đơn vị giám sát các cuộc trưng cầu dân ý, tuyên bố kết quả sẽ không mang giá trị pháp lý. Theo cơ quan này, động thái của Nga không tuân thủ luật pháp Ukraine và quy định quốc tế, đồng thời khu vực diễn ra không được đảm bảo an ninh.

Những dấu hiệu ép buộc

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết cuộc trưng cầu dân ý sẽ bị "cả thế giới lên án". Ông nói "[Những hành động của Nga] không chỉ vi phạm luật phát quốc tế và Ukraine, mà còn chống lại người dân và đất nước".

Ông Zelensky cũng kêu gọi người dân tại những vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát né tránh lệnh động viên: "Hãy né tránh lệnh động viên, yêu cầu nhập ngũ. Hãy cố gắng đến lãnh thổ Ukraine". Ông cũng kêu gọi những người đã nhập ngũ "phá hoại", "cản trở" và chuyển thông tin tình báo tới cho Kiev.

Người dân tị nạn Ukraine tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga tại tỉnh Rostov, Nga. (Ảnh: Sergei Pivovarov/Reuters).

Thống đốc vùng Luhansk phía Ukraine, ông Serhiy Gaidai cho biết tại thị trấn Bilovodsk hiện đang do Nga kiểm soát, một giám đốc công ty đã nói với nhân viên rằng bỏ phiếu là bắt buộc. Tất cả những người từ chối tham gia sẽ bị sa thải, đồng thời bị gửi thông tin tới lực lượng an ninh.

Ông cũng cho biết tại thị trấn Starobilsk, các nhà chức trách Ukraine đã cấm cư dân rời đi cho tới ngày 27/9. Đồng thời, các nhóm vũ trang cũng đang khám xét từng ngôi nhà và ép người dân tham gia trưng cầu dân ý.

“Người Nga đang hoảng loạn bởi họ chưa sẵn sàng tiến hành cuộc trưng cầu dân ý này. Không có đủ sự hỗ trợ, không đủ nhân lực”, ông Yuriy Soblevsky, Phó Chủ tịch Hội đồng Kherson của Ukraine viết trên Telegram. “Ngày hôm nay, người dân Kherson tốt hơn hết không nên mở cửa nhà”.

Tuy nhiên, phía Reuters không thể xác nhận một các độc lập các tuyên bố trên của Ukraine.

Người dân tị nạn Ukraine tham gia trưng cầu dân ý tại Bán đảo Crimea. (Ảnh: Konstantin Mikhalchevsky/Sputnik).

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Từ đầu chiến dịch … chúng tôi đã khẳng định rằng người dân tại các vùng lãnh thổ trên nên tự quyết định số phận của mình. Tình hình hiện tại xác nhận rằng họ muốn làm chủ số phận”.

Phía Ukraine lại cho rằng Moscow định sử dụng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý như một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của người dân, và làm cái cớ để sáp nhập lãnh thổ, tương tự như với Bán đảo Crimea năm 2014.

Cơ sở để tự vệ

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, ông Dmitry Medvedev cho biết Moscow coi bất cứ cuộc tấn công nào lên 4 vùng lãnh thổ trên là tấn công vào chính nước Nga. Động thái của Moscow là một lời cảnh báo tới Kiev và những đồng minh phương Tây. 

Vào hôm 21/9, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ “sử dụng tất cả công cụ trong tay” để bảo vệ bản thân, lời tuyên bố mà theo nhiều chuyên gia là rõ ràng ám chỉ tới vũ khí hạt nhân. Ông Putin nhấn mạnh: “Đây không phải là một lời nói đùa”.  

“Hành vi xâm phạm vào lãnh thổ Nga cho phép [Moscow] sử dụng tất cả lực lượng để tự vệ. Ông Medvedev tuyên bố hôm 22/9, đồng thời khẳng rằng bất cứ công cụ nào trong tay Nga, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến lược, cũng có thể được sử dụng.

Ông Medvedev cho rằng cuộc trưng cầu dân ý sẽ có kết quả hoàn toàn có lợi cho Nga, tương tự như tại Crimea năm 2014.

Phản ứng của quốc tế

Ukraine, các nhà lãnh đạo phương Tây và Liên Hợp Quốc (UN) đều lên án cuộc trưng cầu dân ý như một bước đệm để sáp nhập lãnh thổ bất hợp pháp. Không có các nhà quan sát độc lập nào, đồng thời đa số người dân đã chạy trốn khỏi các khu vực này.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau phản đối “cuộc trưng cầu dân ý giả tạo” và cho biết “Nga đang vi phạm hoàn toàn Hiến chương, các quy tắc, giá trị và tất cả những gì mà Liên Hợp quốc đại diện”.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự lớn nhất hành tinh sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine nhằm đáp lại cuộc trưng cầu dân ý.

Tên lửa NASAMS vừa được Mỹ viện trợ cho Ukraine. (Ảnh: Raytheon).

“Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận những cuộc trung cầu dân ý với mục đích nhằm sáp nhập lãnh thổ của Nga và sẽ không bao giờ công nhận hành vi sự thôn tính”, G7 tuyên bố.

Theo Moscow, các cuộc trưng cầu là cơ hội để người dân tại 4 vùng lãnh thổ trên bày tỏ quan điểm, nguyện vọng của mình. Ông Denis Pushilin, người đứng đầu của DPR, cho biết “những lời tuyên truyền của Kiev” chủ yếu hướng tới khán giả ở phương Tây.

Tuy nhiên, Moscow cũng nhận được một số sự ủng hộ từ phương Tây. Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi cho rằng Nga đã bị "ép" phải tấn công Ukraine và cố gắng "đưa những người tử tế" lên nắm quyền tại Kiev.

Minh Quang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.