|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phương Tây sẽ phản ứng ra sao nếu ông Putin dùng vũ khí hạt nhân tại Ukraine?

12:19 | 26/09/2022
Chia sẻ
Giới phân tích nhận định lời đe dọa của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine có thể liên quan đến kịch bản Nga triển khai “bom chiến thuật” để buộc Kiev đầu hàng. Câu hỏi được đặt ra là: phương Tây sẽ phản ứng trước nguy cơ này như thế nào?

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu từ Điện Kremlin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phát biểu ngày 21/9, ông Putin tuyên bố: “Những ai cố gắng đe dọa chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng gió cũng có thể chuyển hướng về phía họ.” Ông Putin nhấn mạnh: “Đây không phải là một trò đùa”.

Lời đe dọa của ông Putin đã làm dấy lên những cuộc thảo luận nghiêm túc tại các nước phương Tây. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Tổng thống Nga khó sẵn lòng trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào năm 1945.

Những kịch bản

Hãng tin AFP đã trao đổi với một số chuyên gia và quan chức về những kịch bản có thể xảy ra nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo các nhà phân tích, Moscow có thể sẽ triển khai một hoặc nhiều bom hạt nhân "chiến thuật" - tức là những quả bom nhỏ có sức công phá từ 0,3-100 kiloton, thấp hơn nhiều so với quả bom có sức công phá lên tới 58 megaton mà Nga thử nghiệm năm 1961.

Bom nguyên tử 1 kiloton có sức công phá tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT. Tương tự, 1 megaton tương đương với 1.000.000 tấn thuốc nổ TNT.

Bom chiến thuật được thiết kế để kiểm soát sức ảnh hưởng trên chiến trường, trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược đặt mục tiêu giành chiến thắng toàn diện. Tuy nhiên, bom nhỏ không đồng nghĩa với việc mức độ ảnh hưởng sẽ thấp. Các chuyên gia lưu ý quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945 chỉ có sức công phá 15 kiloton và đã gây ra những thiệt hại khủng khiếp.

Theo giới chuyên gia, mục tiêu của Nga khi sử dụng bom hạt nhân chiến thuật tại Ukraine là buộc nước này đầu hàng hoặc tạo ra ưu thế trong đàm phán và gây chia rẽ trong những nước phương Tây ủng hộ Ukraine.

Nga có nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới.

Ông Mark Cancian, chuyên gia quân sự của Chương trình An ninh Quốc tế CSIS tại Washington, cho rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường. Theo ông Cancian, để nắm quyền kiểm soát 32 km lãnh thổ, sẽ cần tới 20 quả bom hạt nhân nhỏ và những lợi ích đem lại thấp hơn nhiều so với những rủi ro rất lớn do sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thay vào đó, Moscow có thể gửi thông điệp mạnh mẽ và tránh thương vong đáng kể bằng cách cho nổ bom hạt nhân trên mặt nước hoặc trên không tại Ukraine để tạo ra xung điện từ có thể đánh sập thiết bị điện tử.

Theo một kịch bản khác, ông Putin có thể lựa chọn phương án gây thương vong lớn hơn khi tấn công một căn cứ quân sự của Ukraine hoặc một đô thị như Kiev. Hậu quả của kịch bản này là thương vong hàng loạt và các nhà lãnh đạo Ukraine có thể thiệt mạng.

Ông Jon Wolfsthal, cựu chuyên gia về chính sách hạt nhân của Nhà Trắng, đánh giá những kịch bản trên có thể gây chia rẽ các thành viên trong khối NATO và những nước đồng thuận chống lại ông Putin. Song, vẫn chưa rõ liệu kịch bản này có thành công hay không.

Phản ứng của phương Tây

NATO và Mỹ không muốn tỏ ra yếu thế trước mối đe dọa hạt nhân từ Nga, song các nước này cũng muốn tránh nguy cơ cuộc chiến tại Ukraine trở thành chiến tranh hạt nhân toàn cầu, với quy mô tàn phá lớn hơn nhiều.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga. (Ảnh: Getty Images).

Theo các chuyên gia, phương Tây sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả và NATO nên đưa ra phản ứng thay vì chỉ một mình nước Mỹ. Ông Wolfsthal nhấn mạnh bất kỳ phản ứng nào cũng phải đảm bảo rằng vị thế của Nga trên chiến trường nói chung và vai trò của ông Putin nói riêng đều phải yếu đi.

Mỹ đã bố trí khoảng 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật tại các nước NATO để đáp trả lại lực lượng Nga trong trường hợp cần thiết. Theo ông Matthew Kroenig của Hội đồng Đại Tây Dương, sự chuẩn bị này là lời nhắc nhở Moscow về mức độ nguy hiểm do hành động của họ.

Tuy nhiên, động thái của NATO cũng có thể dẫn tới đòn trả đũa bằng hạt nhân của Nga, làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân quy mô lớn và thảm họa nhân đạo. Một rủi ro khác là một số thành viên NATO có thể từ chối sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích ủng hộ phương án đáp trả mang tính ngoại giao hơn với việc cung cấp thêm khí tài cho Ukraine. Ngoài ra, ông Kroenig cho rằng nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, đây sẽ là cơ hội để thuyết phục các nước như Ấn Độ và thậm chí là Trung Quốc tham gia vào lệnh trừng phạt Moscow.

Trà My