Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu lại trở thành tâm điểm của giao tranh Nga - Ukraine
Zaporozhye, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu và đảm nhận 20% nhu cầu điện năng của Ukraine, đã bị Nga kiểm soát từ những ngày đầu xung đột.
Thời gian gần đây, cả Nga và Ukraine đều tố cáo lẫn nhau việc tấn công nhà máy hạt nhân, có nguy cơ gây ra thảm họa còn tồi tệ hơn nhiều lần so với Chernobyl năm 1986.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nhà máy Zaporozhye đang có tới 60 tấn uranium và plutonium được làm giàu trong các lõi lò phản ứng và kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng.
Ukraine sẽ không để yên cho lính Nga trong nhà máy hạt nhân
Theo The Guardian, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết lực lượng Ukraine sẽ đặc biệt nhắm tới những người lính Nga tấn công vào hoặc tấn công từ nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Ông Zelensky cho biết bất cứ ai ra lệnh cho các cuộc tấn công vào nhà máy hạt nhân hoặc những thị trấn và thành phố gần khu vực này phải bị đưa ra tòa án quốc tế.
“Bất cứ người lính Nga nào tấn công vào nhà máy, hoặc sử dụng Zaporozhye như nơi ẩn náu và để tấn công, phải hiểu rằng mình sẽ trở thành mục tiêu đặc biệt của tình báo, lực lượng đặc nhiệm và quân đội Ukraine”, ông Zelensky tuyên bố hôm 13/8.
Ông kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới chống lại Moscow nhằm "chặn đứng ngành công nghiệp hạt nhân của Nga" và lập luận rằng "tất cả quan chức của nhà nước khủng bố, cũng như những người liên quan trong việc tống tiền với nhà máy điện hạt nhân, phải bị xét xử bởi tòa án quốc tế”.
Hai trong số 6 lò phản ứng của nhà máy hiện đang hoạt động và Ukraine cho biết Nga đang cố gắng kết nối lại nhà máy điện với Crimea, đồng thời cắt điện tới các khu vực mà Kiev đang kiểm soát.
Phía Ukraine tố cáo Moscow đang chuẩn bị pháo kích vào chính nhà máy Zaporozhye và đổ lỗi cho Kiev. Ông Dmytro Orlov, thị trưởng của thành phố Enerhodar nơi đặt lò phả ứng hạt nhân, cho biết người dân đã nhìn thấy Nga đặt một khẩu pháo tự hành có treo cờ Ukraine trong thành phố.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đang tìm cách kiểm tra nhà máy, và đã đưa ra cảnh báo về một thảm họa hạt nhân có thể xảy ra nếu như chiến sự không dừng lại.
Các chuyên gia hạt nhân lo ngại giao tranh có thể làm hỏng các kho chứa nhiên liệu đã sử dụng của nhà máy hoặc lò phản ứng, dù các bức tường bê tông tại những khu vực quan trọng được thiết kế để chống chịu tác động đáng kể.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sẽ được xử lý ra sao? 05/06/2022 - 18:47
Hôm 14/4, 42 quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, và Liên minh châu Âu, đã kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Zaporozhye và Ukraine để bảo vệ nhà máy này.
“Sự hiện diện của quân đội Nga tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ngăn cản nhà điều hành và chính quyền Ukraine thực hiện nghĩa vụ về an toàn bức xạ và hạt nhân”, tuyên bố có đoạn.
Thảm họa hạt nhân tồi tệ hơn Chernobyl
Khác với những tuyên bố của Ukraine và phương Tây, Nga lại tố cáo chính quyền Kiev pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.
RT dẫn lời ông Ivan Nechaev, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Trong những ngày gần đây, lực lượng Ukraine đã liên tục pháo kích nhà máy Zaporozhye. Hành động này là khủng bố hạt nhân”.
“Những hành động của chính quyền Kiev có thể gây ra một thảm họa với quy mô lớn gấp nhiều lần Chernobyl”, ông nói.
Nhà ngoại giao này cho biết, nếu một thảm họa hạt nhân xảy ra, phóng xạ sẽ không chỉ ảnh hưởng tới Nga, Ukraine và hai nước Cộng hòa ly khai tại Donbass mà còn tới toàn bộ châu Âu, đặt hàng triệu sinh mạng vào vòng nguy hiểm.
“[Quân đội Ukraine] đang cố gắng bắn phá thị trấn và nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye bằng tên lửa phóng loạt, trọng pháo và máy bay không người lái”, ông Vladimir Rogov, một thành viên của hội đồng chính quyền quân sự-dân sự vùng Zaporozhye cho biết.
Đầu tuần tước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cáo buộc Kiev giữ toàn bộ châu Âu làm con tin.