|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Triều Tiên dọa sử dụng vũ khí hạt nhân khi Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị tập trận

17:41 | 28/07/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Kim Jong Un dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu xảy ra xung đột với Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phương Tây, lời đe dọa của Bình Nhưỡng nhằm hướng sự chú ý ra bên ngoài khi trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

Theo AP, Chủ tịch Kim Jong Un đã đưa ra lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong lễ kỷ niệm 69 năm kết thúc chiến tranh Triều Tiên hôm 27/7: “Quân đội của chúng ta sẵn sàng đối phó với mọi khủng hoảng. Lực lượng răn đe hạt nhân của chúng ta sẵn sàng cơ động với sức mạnh tuyệt đối, nghiêm túc, chính xác và nhanh chóng, phù hợp với nhiệm vụ được giao”.

Ông Kim Jong Un tuyên bố trong lễ kỉ niệm 69 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên ngày 27/7. 

Ông Kim tố cáo Washington “bêu xấu” Bình Nhưỡng như một cái cớ cho chính sách thù địch của mình. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho rằng cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc thể hiện “tiêu chuẩn kép” và “hành xử côn đồ”.

Về phần mình, Washington luôn coi các vụ thử tên lửa thường xuyên của Bình Nhưỡng như hành vi khiêu khích.

Ông Kim cũng cáo buộc chính phủ mới của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol được lãnh đạo bởi “những kẻ điên thích đối đầu” và “đám côn đồ” đã đi xa hơn chính phủ bảo thủ trước đây.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 5, chính phủ của ông Yoon đã tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ và củng cố năng lực vô hiệu hóa nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên, bao gồm cả khả năng đánh phủ đầu.

“Việc Hàn Quốc nói về hành động quân sự chống lại Triều Tiên, quốc gia sở hữu vũ khí tối thượng, là hành động rất phi lý và tự sát”, ông Kim nói. “Nỗ lực như vậy sẽ ngay lập tức bị trừng trị, chính phủ và của ông Yoon Suk Yeol sẽ bị hủy diệt”.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2018, Triều Tiên có khoảng 15 đầu đạn hạt nhân.

Ông Moon Hong-sik, Phó Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã nhấn mạnh quan điểm rằng Seoul sẽ tăng cường năng lực quân sự và thế trận phòng thủ chung với Mỹ nhằm chống lại nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên. Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết quân đội luôn duy trì trạng thái sẵn sàng.

Vào tháng 4, Chủ tịch Kim cho biết Triều Tiên có thể tấn công hạt nhân phủ đầu nếu bị đe dọa, và tuyên bố “không bao giờ chỉ răn đe một mục tiêu”.

Quân đội Triều Tiên cũng phóng thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn tới cả Mỹ và Hàn Quốc. Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc liên tục tuyên bố rằng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên trong vòng 5 năm.

Hướng dư luận ra bên ngoài

Nền kinh tế Triều Tiên đang bị ảnh hưởng bởi các đợt đóng cửa biên giới do dịch COVID, và lệnh trừng phạt của phương Tây. Vào tháng 5, Bình Nhưỡng xác nhận đợt bùng phát COVID đầu tiên, tuy nhiên khó có thể xác định được quy mô và tầm ảnh hưởng.

Ông Leif-Eric Easley, một giáo sư đại Đại học Ewha cho biết: “Chủ tịch Kim đã thổi phồng những mối nguy từ bên ngoài để biện minh cho nền kinh tế đang gặp khó khăn”.

“Chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng Chủ tịch Kim lại cố gắng miêu tả hành động này như một sự tự vệ”, ông nói thêm.

Các chuyên gia cho biết Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tiếp tục đe dọa Mỹ và Hàn Quốc khi hai nước chuẩn bị tăng cường các hoạt động tập trận chung trong mùa hè.

Trong những năm gần đây, Seoul và Washington đã hủy hoặc hạn chế các cuộc tập trận chung do lo ngại về COVID và nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại lợi ích kinh tế và chính trị.

Trong bài phát biểu hôm 27/7, ông Kim cho biết chính phủ gần đây đã đặt ra mục tiêu tăng cường năng lực của quân đội nhằm phản ứng lại với áp lực từ kẻ thù. Tuyên bố này như gợi ý rằng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân mới.

Tuy nhiên, ông Cheong Seong-Chang thuộc Viện Sejong cho rằng Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ không thử hạt nhân trước khi Trung Quốc tiến hành Đại hội Đảng vào mùa thu.

Ông cho biết Bắc Kinh lo lắng rằng một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có thể là cái cớ để Mỹ tăng cường quan hệ an ninh với các đồng minh và kìm hãm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Chủ tịch Kim và các cựu chiến binh đều không mang khẩu trang, ngày 27/7/2022. (Ảnh: KCNA).

Mặc dù tuyên bố đang dần kiểm soát dịch bệnh COVID, các chuyên gia không rõ liệu Triều Tiên có nới lỏng các hạn chế hay không do lo sợ nguy cơ tái bùng phát vào cuối năm.

Trong sự kiện hôm 27/7, Chủ tịch Kim, các cựu chiến binh và người tham dự đều không đeo khẩu trang. Vào ngày 28/7, Triều Tiên chỉ có 11 ca nhiễm, giảm hẳn so với mức đỉnh 400.000 ca vào tháng 5.

Triều Tiên đã từ chối đề nghị của Mỹ và Hàn Quốc về các mặt hàng cứu trợ y tế. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẽ không đàm phán trừ khi Washington từ bỏ các chính sách thù địch như các lệnh trừng phạt và cuộc tập trận chung.

Minh Quang