|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ tiếp tục thử nghiệm thất bại, thua cả Triều Tiên trong cuộc chạy đua tên lửa siêu vượt âm

22:04 | 30/06/2022
Chia sẻ
Mặc dù là một trong những người đi đầu về công nghệ siêu vượt âm, Mỹ lại tiếp tục tên lửa thất bại. Khoảng cách trong công nghệ này giữa Washington với Nga, Trung Quốc và thậm chí cả Triều Tiên ngày một xa.

Thất bại nối tiếp thất bại

Bloomberg dẫn lời Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, chuyến bay thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm tại Hawaii lại một lần nữa thất bại. Vấn đề xảy ra với tên lửa sau khi phóng.

Bộ này không đưa ra thông tin chi tiết về những gì xảy ra vào buổi thử nghiệm hôm 29/6, tuy nhiên tuyên bố rằng “Bộ Quốc phòng tự tin đang đi đúng hướng để triển khai năng lực tấn công và phòng thủ siêu vượt âm kịp thời vào đầu thập niên 2020”.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tá Tim Gorman cho biết: “Một sự cố bất thường đã xảy ra sau khi tên lửa khai hỏa”. “Quan chức của chương trình đã bắt đầu xem xét để xác định nguyên nhân nhằm chuẩn bị cho các cuộc thử nghiệm trong tương lai.” ông nói.

“Mặc dù Bộ không thể thu thập toàn bộ dữ liệu về chuyến bay theo kế hoạch, nhưng thông tin thu thập được từ sự kiện này sẽ cung cấp những hiểu biết quan trọng”.

Cuộc thử nghiệm đánh dấu chuyến bay không thành công thứ hai của nguyên mẫu vũ khí siêu vượt âm có tên gọi Conventional Prompt Strike. Trong lần thử nghiệm đầu tiên vào tháng 10, hệ thống đẩy xảy ra lỗi, khiến tên lửa không thể rời bệ phóng.

Tên lửa siêu vượt âm Conventional Prompt Strike sẽ được lắp đặt trên các tàu khu trục Zumwalt và tàu ngầm lớp Virginia. Lục quân Mỹ cũng đang phát triển phiên bản trên bộ, Lockheed Martin và Northrop Grumman là những nhà thầu hàng đầu.

Áp lực từ đối thủ

Lầu Năm Góc đang cảm thấy áp lực trong việc triển khai các hệ thống vũ khí siêu vượt âm khi bị các đối thủ bao gồm Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đã vượt mặt.

Những quốc gia này đang sở hữu các hệ thống tên lửa hiện đại được thiết kế để tránh bị đánh chặn bằng cách bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, trên một quỹ đạo không thể đoán trước và mang theo đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa DF-17 của Trung Quốc mang theo thiết bị lượn DF-ZF. (Ảnh: Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc).

Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào vũ khí siêu vượt âm. Vào tháng 7 năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa một tên lửa lên quỹ đạo, bay được 40.000 km trong hơn 100 phút. Vào tháng 1, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ phóng các hệ thống tên lửa siêu vượt âm có hành trình bay vài trăm km.

Nga đã thử lửa tên lửa không đối đất siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzal phóng từ máy bay MiG-31. Kh-47M2 Kinzal đã được Nga đem ra sử dụng trên chiến trường Ukraine. Ngoài ra, Moscow còn sở hữu tên lửa chống hạm siêu vượt âm 3M22 Zircon và thiết bị lượn Avangard bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh.

Tên lửa 3M22 Zircon được thử nghiệm thành công. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Chương trình vũ khí siêu vượt âm chậm trễ đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phải ra điều trần trước Ủy ban Lực lượng Vũ trang Hạ Viện.

“Gần đây, Lầu Năm Góc đã kêu gọi cộng đồng công nghiệp quốc phòng tham gia vào quá trình phát triển vũ khí siêu vượt âm nhằm đẩy nhanh tiến độ,” Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Turner cho biết. "Chúng ta đang chậm chân so với đối thủ".

Không phủ nhận điều đó, nhưng ông Austin nói "chúng ta phải cẩn thận" bởi vì "siêu vượt âm là một năng lực, nhưng không phải là năng lực duy nhất". Ông nói thêm: "Tôi kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng" nhằm hướng tới mục tiêu việc phát triển vũ khí siêu vượt âm.

Đi đầu nhưng lại chậm chân

Máy bay B-52 mang theo tên lửa siêu vượt âm thử nghiệm AARW AGM-183. (Ảnh: Reuters).

Tại sao Lầu Năm Góc lại tụt hậu xa so với Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực phát triển tên lửa siêu vượt âm, trong khi đã từng dẫn đầu trong công nghệ này?

Theo The Washington Post, Tướng Không quân John E. Hyten đã cố gắng giải thích nghịch lý này với một nhóm các nhà báo về quốc phòng vào tháng 10/2021, khi ông chuẩn bị nghỉ hưu với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. 

Ông cho rằng vấn đề cơ bản là quân đội Mỹ ghét thất bại. Các cuộc thử nghiệm ban đầu về tên lửa hành trình có thể bay với tốc độ Mach 20 đã không thành công. Kết quả là, công nghệ này bị xa lánh.

Siêu vượt âm là “mối đe dọa của tương lai” ông Hyten nói. Đó không chỉ vì chúng có thể bay quá nhanh mà còn vì quỹ đạo rất khó đoán. 

Khi theo dõi tên lửa đạn đạo, các hệ thống giám sát của Mỹ có thể dự đoán được quỹ đạo và đánh chặn. Nhưng một tên lửa siêu vượt âm, bay thấp có thể chạy ngoằn ngoèo, tránh bị phát hiện có lẽ không thể bị đánh chặn.

Lầu Năm Góc đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ siêu vượt âm từ đầu những năm 1960. Năm 2003, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA) bắt đầu chương trình thiết kế nền tảng vũ khí siêu vượt âm.

DARPA đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm nhưng tên lửa đều mất liên lạc với bộ điều khiển ngay sau khi phóng.

Ông Hyten giải thích: “Mỹ đang phát triển siêu vượt âm đi trước mọi người trên thế giới và thử nghiệm không thành công”.

“Chúng tôi đã hủy bỏ chương trình, và dừng lại. Sau đó, những người khác bắt đầu nghiên cứu tên lửa siêu vượt âm… Và khi họ đã vượt qua, Mỹ mới bắt đầu lại các chương trình ”.

Ông Hyten tính toán rằng trong 5 năm qua, Mỹ đã thực hiện 9 cuộc thử nghiệm. Trong thời gian đó, ông cho biết, người Trung Quốc đã tiến hành hàng trăm lần. 

Tướng David D. Thompson, Phó Giám đốc các hoạt động không gian, cảnh báo rằng quân đội Mỹ “không tiến bộ như Trung Quốc hoặc Nga về các chương trình siêu vượt âm”.

Ông Michael White, Giám đốc chính của Lầu Năm Góc về chương trình siêu vượt âm cho biết sau những thất bại ban đầu, các nhà nghiên cứu sẽ bị quan chức cấp cao chỉ trích và yêu cầu “quay trở lại phòng thí nghiệm”. Và kết quả là Mỹ tiếp tục chậm chân.

Minh Quang