|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc giải thích việc xây thêm hơn 100 hầm chứa tên lửa hạt nhân

07:12 | 13/06/2022
Chia sẻ
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khẳng định đất nước tỷ dân đã đạt được những “tiến bộ ấn tượng” trong phát triển vũ khí hạt nhân mới nhưng sẽ chỉ dùng để tự vệ.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Đối thoại Shangri-la, diễn đàn thường niên về an ninh và quốc phòng khu vực châu Á, ngày 12/6/2022. (Ảnh: AP).

Tại sự kiện Đối thoại Shangri-La ngày 12/6, khi được hỏi về việc xây dựng thêm hơn 100 hầm chứa tên lửa hạt nhân (silo) ở phía đông Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa cho biết nước này “trước sau luôn theo đuổi con đường phát triển năng lực hạt nhân để bảo vệ đất nước”.

Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa cho biết những loại vũ khí từng được phô diễn trong lễ duyệt binh năm 2019 tại Bắc Kinh – bao gồm hệ thống phóng nâng cấp dành cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 – đã đủ điều kiện vận hành và được triển khai vào vị trí.

“Trung Quốc đã phát triển các năng lực của mình trong hơn 5 thập kỷ. Không quá khi nói rằng chúng tôi đã đạt được những bước tiến ấn tượng”, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói. “Chính sách của Trung Quốc luôn nhất quán. Chúng tôi dùng vũ khí hạt nhân để tự vệ. Chúng tôi sẽ không dùng vũ khí hạt nhân trước”.

Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa cho biết mục tiêu tối thượng của kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc là để ngăn chiến tranh hạt nhân xảy ra.

“Chúng tôi phát triển năng lực vũ khí hạt nhân để giữ gìn những thành quả lao động vất vả của nhân dân Trung Quốc và bảo vệ người dân khỏi những thảm họa của chiến tranh hạt nhân”, vị Thượng tướng này phát biểu.

Trung Quốc có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới và đang phát triển thêm.

Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ tỏ thái độ quan ngại với việc Trung Quốc xây dựng thêm kho vũ khí hạt nhân, đồng thời cho rằng Bắc Kinh đang đi lệch khỏi chiến lược răn đe hạt nhân tối thiểu áp dụng trong nhiều thập kỷ qua.

Washington cũng kêu gọi Trung Quốc đối thoại với Mỹ “về những biện pháp thực tế để giảm thiểu rủi ro xảy ra những cuộc chạy đua vũ trang gây mất ổn định”.

Kho vũ khí hạt nhân toàn cầu sắp tăng trở lại

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố Báo cáo về Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt năm 2022 với nhận định: Kho vũ khí hạt nhân toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Rủi ro về việc vũ khí hạt nhân được đem ra sử dụng cũng đang ở mức độ nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Theo SIPRI, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng giữa 9 quốc gia sở hữu đầu đạn hạt nhân gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Pakistan, Ấn Độ, Triều Tiên, Israel và Trung Quốc.

Trong giai đoạn 1/2021 – 1/2022, số đầu đạn hạt nhân toàn cầu đã giảm nhẹ, nhưng SIPRI cho rằng nếu các cường quốc hạt nhân không hành động ngay lập tức, kho vũ khí hạt nhân toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Vũ khí hạt nhân dưới lòng đất của Mỹ. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

Ông Wilfred Wan, Giám đốc Chương trình về Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt của SIPRI, nhận định: “Tất cả quốc gia có đầu đạn hạt nhân đều đang tăng cường hoặc nâng cấp kho vũ khí, hầu hết đang sử dụng ngôn từ gay gắt hơn khi nói về vũ khí hạt nhân và vai trò của vũ khí hạt nhân trong các chiến lược quân sự”.

Hôm 27/2, tức ba ngày sau khi quân đội Nga tấn công Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Sau đó, Nga đã nhiều lần tổ chức diễn tập hạt nhân và thực hiện một số cuộc thử nghiệm tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Ông Putin còn cảnh báo những thế lực nào dám chống lại Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả “thảm khốc chưa từng thấy trong lịch sử”.

Hiện nay, Nga và Mỹ chiếm hơn 90% lượng đầu đạn hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, SIPRI cho biết Trung Quốc cũng đang nhanh chóng mở rộng với mục tiêu tăng thêm khoảng 300 hầm chứa (silo) mới.

Song Ngọc