Mỹ và châu Âu có nguy cơ tự gây họa cho mình về năng lượng khi dồn Nga vào đường cùng
Đòn trừng phạt thứ 6 từ châu Âu
Mỹ là nước đi đầu trong các nỗ lực gia tăng trừng phạt lên Nga vì cuộc tấn công quân sự ở Ukraine. Giữa năm nay khi các chính phủ châu Âu chuẩn bị gói cấm vận thứ 6 đối với Moscow, Washington đã thể hiện một phản ứng khác lạ, đó là tỏ vẻ lo ngại về những hệ lụy tiềm tàng của việc áp trần với dầu thô của Nga.
Trong suốt nhiều tháng qua, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã chạy đôn chạy đáo để tìm một phương án khác.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden không ngại việc gây tổn hại quá lớn tới túi tiền của Điện Kremlin mà đang lo đòn trừng phạt lần này của châu Âu có thể gây ra tác dụng ngược với những hậu quả khủng khiếp đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác đang phải chật vật vì giá năng lượng cao.
Có vẻ như Bộ Tài chính Mỹ đã chế ra một giải pháp thông minh, nhưng cũng có nguy cơ dẫn tới một cuộc đối đầu nguy hiểm với Moscow.
Hồi tháng 6, Liên minh châu Âu (EU) không chỉ đồng ý cấm nhập khẩu gần như toàn bộ dầu thô của Nga bằng đường biển mà còn yêu cầu các công ty dịch vụ hàng hải dừng làm ăn với các tàu đang chở dầu của Nga đến bất cứ đâu trên thế giới. Biện pháp hà khắc này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12.
Anh và Thụy Sỹ - hai nước không nằm trong EU – đều đã thông báo sẽ tuân thủ lệnh cấm vận của EU.
Hệ lụy kinh tế, chính trị
Do các doanh nghiệp châu Âu và Anh chi phối ngành bảo hiểm và tài chính liên quan tới tàu chở dầu nên Bộ Tài chính Mỹ ước tính lệnh cấm của EU sẽ khiến cho đa số dầu thô đi đường biển của Nga không thể gia nhập thị trường.
Giá dầu thô tiêu chuẩn quốc tế có thể leo lên mức 140 USD/thùng do thiếu nguồn cung từ Nga. Chi phí năng lượng nhảy vọt sẽ gây ra nhiều hệ lụy kinh tế cũng như chính trị đối với nhiều quốc gia đang phải chống chịu lạm phát cao.
- TIN LIÊN QUAN
-
Giá xăng lên cao kỷ lục: Mỹ đổ lỗi cho ông Putin, nhưng lý do chính lại là ông Biden 17/03/2022 - 16:15
Khi giá xăng bình quân tại Mỹ vượt mốc 5 USD/gallon hồi tháng 6 năm nay, cả tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Joe Biden và xác suất chiến thắng của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 năm nay đều cắm đầu giảm. Khi đó, giá dầu thô mới chỉ 120 USD/thùng. Nếu giá lên tới 140 USD/thùng như dự báo, tác động có thể sẽ lớn hơn nhiều.
Bloomberg dẫn lời bà Helima Croft, Giám đốc Chiến lược Hàng hóa Toàn cầu và khu vực Trung Đông & Bắc Phi tại RBC Capital Markets, nhận định: “Nếu gói trừng phạt thứ 6 của EU có hiệu lực, tác động sẽ cực kỳ sâu rộng”.
Sáng kiến của Mỹ
Giải pháp thay thế của Bộ Tài chính Mỹ là như sau: Một liên minh các nước tiếp tục tẩy chay dầu thô của Nga nhưng sẽ ủng hộ việc EU chấp thuận ngoại lệ đối với những bên mua với giá thấp hơn giá trần.
Mức giá trần sẽ được xác định ở trên chi phí sản xuất dầu thô của Nga, vừa đủ cao để cho Moscow có động lực tiếp tục xuất khẩu dầu.
Chiêu thức này của Mỹ có thể sẽ giúp tránh được cú sốc giá mà nhiều người lo sợ, đồng thời làm cho doanh thu của Nga sụt giảm mạnh và cản trở Điện Kremlin kích thích nền kinh tế và tài trợ cho cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, sự thành công hay thất bại của chiến lược này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Kế hoạch áp giá trần lên dầu của Nga được công bố lần đầu vào tháng 5 sau khi các bộ trưởng tài chính G7 thảo luận ý tưởng này tại một cuộc họp ở thành phố Bonn, Đức.
Trong nhiều tuần, những người ủng hộ sáng kiến này không đạt được mấy tiến bộ dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các cấp dưới của bà nỗ lực vận động hành lang vòng quanh thế giưới.
Bước đột phá đến vào cuộc họp bộ trưởng tài chính G7 tiếp theo, tổ chức trực tuyến vào ngày 2/9 khi các nước thành viên chính thức ủng hộ kế hoạch áp giá trần kết hợp với dừng cung cấp dịch vụ hàng hải.
Mặc dù vậy, vô vàn thách thức – cũng như sự ngờ vực – vẫn còn tồn tại. Tất cả quốc gia EU phải đồng ý thêm ngoại lệ về giá trần vào lệnh cấm vận thì chính sách trừng phạt mới có hiệu lực, và một số chính phủ thành viên – đáng chú ý nhất là Hungary – có vẻ không mặn mà với ý tưởng này.
Ngoài ra, nhiều nhà phân tích, nhà giao dịch và lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng dự báo kế hoạch chắc chắn sẽ thất bại.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hồi tháng 7, ông Gal Luft, đồng Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu tại Washington, đã gọi đây là “một ý tưởng nực cười”.
Các doanh nghiệp phương Tây đã bị cấm bảo hiểm và tài trợ cho các chuyến tàu chở dầu của Iran từ năm 2012, nhưng dòng chảy nhiên liệu vẫn đến được với những người mua Trung Quốc. Vì vậy, phe chỉ trích cho rằng nếu Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước nhập nhiều dầu thô Nga nhất, không đồng ý áp giá trần thì kế hoạch của Mỹ và EU chắc chắn sẽ sụp đổ.
- TIN LIÊN QUAN
-
Phương Tây rủ thêm nhiều nước cùng áp giá trần lên dầu Nga, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn lặng thinh 10/09/2022 - 16:23
Tuy nhiên trong thực tế, Bộ Tài chính Mỹ lại muốn dầu thô của Nga đến được tay người mua, cho dù có phải đi vòng để tránh lệnh cấm dịch vụ hàng hải và giá trần. “Mục đích chính là để ngăn thị trường bị đứt gãy đột ngột”, bà Helima Croft tại RBC Capital Markets nhận xét. “Thước đo hiệu quả là liệu các thùng dầu của Nga có tiếp tục đi về phía châu Á không”.
Có thể doanh thu của Điện Kremlin sẽ không sụt giảm nhiều như Washington mong muốn, nhưng giá dầu thế giới sẽ không tăng sốc. Bên cạnh đó, khi EU và đa phần quốc gia G7 hầu như không mua dầu thô của Nga bằng đường biển, nhu cầu lớn chỉ có thể đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây không phải là tình thế lý tưởng cho Tổng thống Nga Putin.
Ông Julian Lee, chiến lược gia dầu mỏ của Bloomberg, nhận định: “Nếu chỉ còn lại ba người mua lớn sẵn sàng nhập dầu của Nga thì những người mua này sẽ có quyền lực mặc cả khổng lồ. Các nước này sẽ không dễ gì bỏ qua lợi thế đó”.
Hiện đã có những dấu hiệu cho thấy Nga đang giảm giá bán dầu tới các người mua ở châu Á. Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ coi kịch bản này là điều đáng hoan nghênh. Việc Trung Quốc, Ấn Độ công khai ủng hộ giá trần hay lợi dụng vị thế của mình để mặc cả là không quan trọng, kết quả vẫn là nguồn thu từ dầu của Nga bị giảm sút.
Kịch bản nguy hiểm
Một số nhà phân tích kỳ cựu về giới lãnh đạo Nga cho rằng một kịch bản khác, nguy hiểm hơn rất nhiều có thể sẽ xảy ra.
Ông Craig Kennedy, chuyên gia tại Trung tâm Davis về Nghiên cứu Nga và Á – Âu của Đại học Harvard, ước tính rằng trong tổng xuất khẩu dầu thô khoảng 7,5 triệu thùng/ngày của Nga, ít nhất một nửa sẽ bị mắc kẹt vì các lệnh trừng phạt của châu Âu vì những nước không đồng ý áp giá trần cũng sẽ không thể tìm được nhà cung cấp dịch vụ hàng hải từ các nguồn bên ngoài Anh và châu Âu.
Các quan chức Nga sẽ không thể thuyết phục hàng chục doanh nghiệp vận tải, bảo hiểm và chính phủ châu Á chuyển hàng trăm tỷ USD nghĩa vụ bảo đảm tài chính sang cho một câu lạc bộ bảo hiểm quốc tế do Nga dẫn đầu để người mua có thể trả cho Nga mức giá dầu cao hơn như Điện Kremlin mong đợi, ông Craig Kennedy, cựu Phó Chủ tịch Bank of America Merrill Lynch tại London, nói.
Nếu nhận định của ông Kennedy là đúng thì Nga sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Một là bán dầu theo cơ chế giá trần của phương Tây, Tổng thống Putin đã thẳng thừng bác bỏ khả năng này. Hai là cắt giảm sản lượng và đẩy giá dầu lên tận mây xanh.
Sự lựa chọn của ông Putin là không hề dễ dàng. Nếu giảm sản xuất dầu, Nga sẽ không chỉ mất doanh thu mà còn gây tổn hại to lớn và lâu dài tới các giếng dầu của Nga.
Ông Kennedy cho rằng Tổng thống Putin có thể sẽ đe dọa cắt giảm xuất khẩu dầu và khí đốt trước tháng 12 khi lệnh áp giá trần bắt đầu có hiệu lực, mục đích là làm suy yếu quyết tâm của phương Tây. “Cách tốt nhất [để chia rẽ phương Tây] là gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng”.
Theo ông Kennedy, Tổng thống Nga muốn gửi đi thông điệp rằng “những lệnh cấm vận này sẽ gây tổn hại cho phương Tây nhiều hơn là cho Nga. Nga có ý chí kiên định hơn và Nga sẽ thắng”.
Khi đó sẽ đến lượt châu Âu và Mỹ phải đưa ra lựa chọn khó khăn: Một là lùi bước khỏi kế hoạch áp giá trần và cấm dịch vụ hàng hải, chịu mất mặt với Nga và thế giới. Hai là chấp nhận rủi ro xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng mà Mỹ ngay từ đầu đã muốn tránh.