Châu Âu dự kiến chi 500 tỷ EUR để đối phó khủng hoảng năng lượng
Bloomberg đưa tin, số tiền mà các quốc gia châu Âu phải bỏ ra để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đã lên đến 500 tỷ EUR (tương đương 496 tỷ USD).
Theo viện nghiên cứu Bruegel, các chính phủ tại châu lục già đang nỗ lực làm dịu ảnh hưởng của giá năng lượng tăng cao đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Liên minh châu Âu (EU) đã chi ra 314 tỷ EUR, trong khi chỉ riêng nước Anh đã bỏ ra tới 178 tỷ EUR, báo cáo của Bruegel cho biết. Áp lực tài chính ngày càng gia tăng khi mức chi tiêu để khắc phục khủng hoảng năng lượng của EU hiện đã chiếm 1,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn khối.
Các bộ trưởng của EU đang thảo luận giải pháp khẩn cấp về việc đánh thuế lợi nhuận ngoài dự kiến của các công ty năng lượng nhằm giúp đỡ hộ gia đình và doanh nghiệp.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ được thông qua vào hôm 30/9, đồng thời cũng bao gồm giới hạn giá trần năng lượng và mục tiêu giảm nhu cầu tiêu thụ điện khi Nga đang hạn chế nguồn khí đốt tới châu Âu.
Ông Simone Tagliapietra, nhà nghiên cứu tại Bruegel cho biết: “Mặc dù ban đầu được thiết kế như một phản ứng tạm thời cho những vấn đề tạm thời, nhưng [EU] đã khiến những giải pháp này phình to ra”.
“Các con số sẽ tiếp tục tăng khi giá năng lượng đi lên. Về góc độ tài chính công, [các giải pháp này] rõ ràng không hề bền vững”, ông nói.
Ước tính của Bruegel bao gồm các biện pháp như giảm thuế đối với điện, trợ cấp sưởi, giữ cho các công ty năng lượng tồn tại. Tuy nhiên, con số 500 tỷ EUR có thể vẫn chưa phản ánh đầy đủ quy mô hỗ trợ trên toàn châu Âu.
Tại Đức, chính phủ sẽ quốc hữu hóa công ty năng lượng Uniper SE thông qua việc bơm 8 tỷ EUR và mua lại phần lớn cổ phần do công ty điện Phần Lan Fortum Oyj nắm giữ.
Theo ông Tagliapietra, cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ làm gia tăng sự khác biệt kinh tế giữa các nước thành viên EU.
Ông nói: “Mức độ can thiệp [vào thị trường] như hiện nay cũng dẫn đến nguy cơ phân mảnh khắp châu Âu: các chính phủ với khả năng tài chính mạnh hơn chắc chắn sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng tốt hơn bằng cách cạnh tranh với những người láng giềng về nguồn cung năng lượng hạn chế trong mùa đông".
“Do đó, cần phải thiết kế các chính sách đảm bảo tính bền vững về tài khóa và đảm bảo sự phối hợp giữa các nước EU", ông lập luận.