|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Báo Trung Quốc nói Mỹ hưởng lợi lớn khi đường ống Nord Stream bị phá hỏng

16:53 | 30/09/2022
Chia sẻ
Theo tờ Global Times, Mỹ sẽ gặt hái được nhiều lợi ích khi đường ống Nord Stream bị rò rỉ, chẳng hạn như tăng cường sự kiểm soát với châu Âu, hạn chế tầm ảnh hưởng của Nga và thế chân Nga tại  thị trường khí đốt của châu lục già.

Những sự trùng hợp

Theo Global Times - tờ báo của nhà nước Trung Quốc, vụ việc rò rỉ đường ống Nord Stream xảy ra vào một thời điểm hết sức nhạy cảm: ngày cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý nhằm quyết định xem 4 vùng lãnh thổ Ukraine có sáp nhập vào Nga hay không.

Và trùng hợp hơn, ngày mà vụ rò rỉ được phát hiện cũng đồng thời là ngày khánh thành đường ống dẫn khí đốt từ Na Uy qua Đan Mạch rồi tới Ba Lan với công suất 10 tỷ m3/năm (bcm), bằng khoảng 1/10 so với công suất của hai đường ống Nord Stream.

Đường ống của Na Uy (màu xanh) nằm gần hai đường ống Nord Stream 1.

Và trùng hợp hơn nữa, trong một đoạn video từ hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa sẽ khiến Nord Stream 2 ngừng hoạt động nếu Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine. “Nếu Nga xâm lược [Ukraine] một lần nữa, thì sẽ không còn Nord Stream 2. Chúng tôi sẽ kết thúc đường ống này”, ông Biden tuyên bố.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực điều tra về vụ rò rỉ, còn các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng vụ việc có thể mãi mãi là một bí ẩn do lợi ích của các bên liên quan.

Tuy nhiên, kết luận mà ai cũng có thể đưa ra là vụ việc đã làm quan hệ Nga-Liên minh châu Âu (EU) trở nên phức tạp, xung đột Ukraine leo thang, khủng hoảng năng lượng tại châu lục già ngày càng trầm trọng.

Các giả thiết

Ông Shen Yi, Giáo sư tại Đại học Phúc Đán cho rằng nếu Nga muốn ngừng nguồn cung khí đốt tới châu Âu, cách đơn giản nhất là đóng van, thay vì phải tự cho nổ đường ống của chính mình. Nord Stream còn hoạt động thì Moscow vẫn có một công cụ đàm phán.

“Về mặt kỹ thuật, việc Nga tự phá đường ống ở biển Baltic là không khả thi”, ông nói. Hoạt động dưới mặt nước tại vùng biển này đã được NATO kiểm soát kể từ thời Chiến tranh Lạnh, với các thiết bị quan trắc hướng về phía Liên Xô và giờ đây là Nga. Moscow làm sao có thể dễ dàng phá hủy được đường ống này, ông đặt câu hỏi.

Đảo Bornholm, gần nơi xảy ra vụ rò rỉ là của Đan Mạch - một thành viên NATO.

Vào hôm 28/9, tờ Der Spigel cho biết Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thông báo với phía Đức trước nhiều tuần về nguy cơ hai đường ống Nord Stream bị tấn công.

Cố vấn an ninh Mỹ Jake Sullivan đã nói chuyện với người đồng cấp Đan Mạch về "vụ phá hoại" đối với các đường ống, và khẳng định “Washington đang hỗ trợ nỗ lực điều tra và sẽ tiếp tục bảo vệ an ninh năng lượng của châu Âu”.

Mỹ hưởng lợi gì?

“Ai là kẻ muốn phá hoại sự hợp tác năng lượng giữa Nga và EU? Câu trả lời đã khá rõ ràng rồi”, ông Ming Jinwei, một cựu nhà báo và blogger nói với tờ Global Times.

Ông Ming cho biết, khi đường ống Nord Stream bị phá hủy, Mỹ sẽ đạt được ba lợi ích. Thứ nhất là ngành xuất khẩu năng lượng nói riêng, kinh tế và tài chính nói chung của Nga bị thiệt hại. 

Thứ hai là nguồn cung năng lượng của EU sẽ bị hạn chế, buộc châu Âu phải mua khí đốt và dầu thô của Mỹ với giá cao. Cuối cùng, Washington có thể nắm quyền kiểm soát trực tiếp đến mạch sống của châu Âu.

Vụ rò rỉ không ảnh hưởng ngay tới nguồn cung năng lượng của châu Âu, bởi Nord Stream 2 vẫn chưa được cấp phép còn Nord Stream 1 thì đã ngừng hoạt động từ cuối tháng 8. Tuy nhiên, vụ việc làm tăng sự căng thẳng cũng như những nỗi lo của châu Âu trong cuộc chiến năng lượng với Nga.

Tờ Global Times cho rằng nếu giả sử Mỹ thực sự là người đứng sau vụ phá hoại này, thì hành động ngang nhiên cắt đứt nguồn cung năng lượng của châu Âu có thể phá hoại quan hệ với các đồng minh thân thiết, chẳng hạn như Đức.

Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng có khả năng các cơ quan tình báo và văn phòng chỉ huy của Mỹ tại châu Âu đứng sau vụ phá hoại. Một số ý kiến còn cho rằng các lực lượng hoặc tổ chức chống Nga có thể cấu kết với Mỹ để khởi động một loạt hoạt động chống lại Moscow mới trên phạm vi toàn cầu, Global Times nhận định.

Đường ống Nord Stream 2 rò rỉ khí đốt được phía Đan Mạch chụp lại. (Ảnh: AFP).

Ông Wang Xiaoquan, một chuyên gia từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết hành động tấn công đường ống khí đốt dưới đáy biển không thể được thực hiện nếu không có cam kết hoặc sự thao túng từ các chính phủ hoặc cường quốc có liên quan. Những xu thế này rất nguy hiểm và khiến sự đối đầu giữa các cường quốc trở nên khó đoán.

“Vụ việc chắc chắn sẽ làm tình hình tại châu Âu phức tạp thêm. Khó có thể tìm được nguyên nhân thực sự trong ngắn hạn”, ông cho biết. “Dù sự thật là gì đi chăng nữa, tất cả các bên sẽ dùng vụ rò rỉ này để đạt được mục đích chính trị của mình”.

“Nhiều nước châu Âu đã cáo buộc Nga gây ra vụ việc, và lấy cớ này để áp đặt thêm cách lệnh trừng phạt mới”, ông Wang cho biết. Ông cũng cho rằng kể cả nếu cuộc điều tra của phía Nga đưa ra được những bằng chứng xác đáng, Moscow sẽ khó có thể phản bác lại phương Tây do thiếu tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế.

RT cho biết cả Nga lẫn Mỹ đều có đủ năng lực để phá hủy các đường ống dưới biển. Mỹ đã từng nghe lén đường dây cáp dưới biển của Liên Xô vào những năm 1970.

Washington cũng đã từng phá hoại các đường ống dẫn khí đốt của Liên Xô trước đây, mặc dù không phải trực tiến tấn công mà thông qua hoạt động gián điệp, theo ông Thomas C. Reed, cựu Bộ trưởng Không quân từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bị cáo buộc đã thông qua kế hoạch vào năm 1982 để CIA phá hoại các bộ phận của một đường ống do Liên Xô vận hành tại vùng Siberia.

Gieo rắc sự hỗn loạn

Theo thông tin từ Bloomberg, vào tháng 6, Châu Âu đã vượt qua châu Á để trở thành nhà nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất của Mỹ. Washington đã gửi đi gần 3/4 tổng lượng LNG sang châu Âu trong 4 tháng đầu năm, với số chuyến hàng tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021.

LNG của Mỹ có thể thế chân khí đốt qua đường ống của Nga tại thị trường châu Âu.

Theo ông Jin Lei, Giáo sư tại Đại học Dầu khí Trung Quốc, Mỹ có thể thu lợi lớn từ việc giá LNG cao khi bán sang châu Âu. Một số công ty Mỹ còn có thể đã mua khí đốt từ Nga và bán cho người mua ở châu Âu để kiếm lời. Ông Jin cũng cho biết việc châu Âu cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga ngay lập tức là rất khó khắn.

Với các chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến các nước vùng Vịnh gần đây, chính phủ Đức đã tìm kiếm các nhà cung cấp mới. Ở quê nhà, Berlin cũng đang nhanh chóng lắp đặt các thiết bị đầu cuối để tiếp nhận LNG.

Tuy nhiên, những nỗ lực trên sẽ gần như không thể mang lại kết quả cụ thể ngay trong mùa đông này, ông Jin nói.

 

Sau vụ rò rỉ, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 12%, đạt gần 1.950 USD/1.000 m3 trong phiên giao dịch hôm 27/9. Một số chuyên gia tin rằng vụ việc sẽ tiếp tục gây xáo trộn giá năng lượng toàn cầu, do những lo ngại về các cuộc tấn công có thể tiếp tục làm suy yếu nguồn cung năng lượng của Nga.

“[Những xáo trộn trên] sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế và sinh kế của các nước như Đức. Khi giá năng lượng tăng, một lượng lớn các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản và người dân phải chịu thiệt hại trong mùa đông lạnh giá”, ông Wang nói. Ông cũng cho rằng những sự kiện trên có thể gây ra rối loạn xã hội, và làm tăng khả năng can thiệp từ bên ngoài.

Minh Quang