|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ukraine đẩy mạnh phản công sau khi chiếm lại thành phố chiến lược, đồng minh của ông Putin muốn dùng bom hạt nhân

12:01 | 03/10/2022
Chia sẻ
Sau khi chiếm lại thành phố Lyman quan trọng, quân đội Ukraine đã tiếp tục tiến về phía đông và áp sát Luhansk. Nga đang rơi vào thế khó và không loại trừ khả năng sẽ dùng tới vũ khí hạt nhân hòng xoay chuyển tình thế.

Binh sĩ Ukraine làm sạch nòng pháo D-30 tại Siversk, khu vực Donetsk, ngày 1/10/2022. (Ảnh: AP).

Quân đội Nga chiếm được Lyman ở phía đông Ukraine vào ngày 27/5 và sau đó dùng thành phố này làm trung tâm hậu cần và vận tải cho hoạt động quân sự. Ngày 2/10, quân đội Ukraine đã chiếm lại Lyman trong đợt phản công của mình.

Theo AP, việc để mất Lyman là một đòn đau với Điện Kremlin khi Nga đang muốn leo thang xung đột thông qua sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine và liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Sau những động thái của Nga, Ukraine đã chính thức đề nghị được nhanh chóng kết nạp vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để được hưởng sự phòng vệ tập thể. Ít nhất 9 quốc gia thành viên NATO đã lên tiếng ủng hộ Ukraine, bao gồm Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Lithuania, North Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia.

Đây đều là những quốc gia ở Trung và Đông Âu đang lo sợ mình sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga nếu tham vọng của ông Putin không bị chặn lại ở Ukraine.

Lãnh đạo của 9 thành viên NATO này ra tuyên bố chung: “Chúng tôi ủng hộ Ukraine tự vệ chống lại cuộc xâm lược của Nga, đồng thời yêu cầu Nga ngay lập tức rút lui khỏi tất cả khu vực chiếm đóng và khuyến khích các nước đồng minh tăng mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine”.

Tuy nhiên, việc kết nạp phải được tất cả 30 thành viên NATO đồng ý và do Ukraine đang trong tình trạng chiến tranh nên việc gia nhập càng trở nên khó khăn. Quốc gia có tiếng nói quan trọng nhất là Mỹ chưa muốn Ukraine vào NATO ngay lúc này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố hôm Chủ nhật 2/10: “Tính đến 12h30 chiều (tức 9h30 theo giờ GMT), Lyman đã được giải phóng hoàn toàn. Xin cảm ơn quân đội và các chiến binh Ukraine”.

Quân đội Nga ngày 1/10 thông báo đang rút lui lực lượng từ Lyman đến các vị trí thuận lợi hơn, sau đó không đưa ra bình luận nào vào ngày 2/10.

Quân đội Anh gọi việc Ukraine chiếm lại Lyman là “một thất bại chính trị to lớn” cho Moscow, và Ukraine nhiều khả năng sẽ nhanh chóng tận dụng đà thắng lợi của mình.

Đến ngày 2/10/2022, Ukraine đã chiếm lại các vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía đông, bao gồm thành phố Lyman quan trọng.

Thắng lợi của Ukraine

Chỉ vài giờ sau tuyên bố của Tổng thống Zelenskyy về việc chiếm lại Lyman, truyền thông Ukraine đã chia sẻ hình ảnh binh sĩ mang quốc kỳ mà vàng-xanh đứng trước một bức tượng ở làng Torske, cách thành phố Lyman 15 km về phía đông và ngay sát khu vực Luhansk mà Nga đang kiểm soát.

Không lâu sau đó, một video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một binh sĩ Ukraine khẳng định lực lượng của Kiev đã bắt đầu tấn công thành phố Kreminna ở bên kia biên giới với Luhansk. Tiếng đạn pháo bắn đi vang lên trong video. Phóng viên quân đội Nga cũng thừa nhận phía Ukraine đang đánh vào Kreminna.

Trong một bức ảnh khác trên mạng xã hội, một binh sỹ Ukraine đứng trước một bức tượng hình dưa hấu khổng lồ ở phía nam ngôi làng Novovorontsovka gần sông Dnieper chạy dọc theo tỉnh Kherson mà Nga đang kiểm soát. Nhiều quả mìn chống tăng nằm dưới chân bức tượng dưa hấu.

Các lực lượng Ukraine chưa tuyên bố đã đạt được đột phá trên chiến trường, nhưng các nhà báo thân cận với quân đội Nga đã bắt đầu nói về một cuộc tấn công mới của Ukraine ở khu vực Kherson.

Ở phía nam Ukraine, thống đốc tỉnh Dnipropetrovsk cho biết thành phố Krivyi Rih – quê nhà của Tổng thống Zelenskyy – đã bị quân Nga tấn công bởi một máy bay tự sát không người lái, phá hủy hai tầng nhà của một ngôi trường vào sáng Chủ nhật (2/10).

Không quân Ukraine ngày 2/10 tuyên bố đã bắn hạ 5 máy bay không người lái do Iran sản xuất, hai chiếc khác đã lọt qua mạng lưới phòng không.

Trong đợt phản công những tuần gần đây, lực lượng Ukraine đã chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, đặc biệt là khu vực đông bắc Kharkov. Những thất bại của quân Nga trên chiến trường đã khiến giới chức Điện Kremlin mất mặt và làm dấy lên làn sóng chỉ trích Tổng thống Putin – điều ít khi xảy ra trước đây.

Lyman nằm ở vùng Donetsk và gần với biên giới Luhansk, phía đông của Ukraine. Đây là hai vùng mà Nga đã tuyên bố sáp nhập vào ngày 30/9 cùng với Kherson và Zaporizhzhia sau một cuộc trưng cầu dân ý. Ukraine và phương Tây cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý không có giá trị pháp lý khi người dân bị ép đi bỏ phiếu.

Tổng thống Zelenskyy tuyên bố trên truyền hình quốc gia: “Trong một tuần vừa qua, ngày càng có nhiều quốc kỳ Ukraine tung bay trên vùng Donbas. Trong một tuần nữa, sẽ còn có nhiều lá cờ hơn xuất hiện”.

Binh sĩ Ukraine trong xe tăng ở gần khu vực Lyman, đông Ukraine. (Ảnh: Reuters). 

Nga rơi vào thế khó

Việc để mất Lyman là một đòn đau đối với lực lượng Nga do không còn một thành phố quan trọng làm trung tâm hậu cần và vận tải đường sắt ở vùng Donetsk. Các khí tài quân sự, binh sĩ và các nhu yếu phẩm khác đều cần đi qua Lyman trước khi ra chiến trường.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhận xét rằng khi không có các tuyến đường từ Lyman, việc vận tải của Nga sẽ khó khăn hơn trước và do vậy quân Nga đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Nga đã chính thức sáp nhập 4 vùng của Ukraine gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia vào Liên bang Nga. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo của Điện Kremlin tự cho mình quyền tự vệ bằng vũ khí hạt nhân khi 4 khu vực trên bị Ukraine tấn công.

Tổng thống Vladimir Putin và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Dmitry Medvedev đều tuyên bố sẵn sàng dùng tới vũ khí hạt nhân nếu cần thiết.

Ông Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo khu vực nam Chechnya của Nga và là đồng minh của ông Putin cũng ủng hộ dùng vũ khí hạt nhân sau khi Lyman thất thủ: “Theo quan điểm của cá nhân tôi, các biện pháp quyết liệt hơn cần phải được thực hiện, bao gồm tuyên bố thiết quân luật ở khu vực biên giới và sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật”.

Cộng đồng quốc tế cũng đang lo ngại nguy cơ khủng hoảng hạt nhân ở Nga, không chỉ từ việc cố ý sử dụng vũ khí mà còn từ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở vùng Zaporizhzhia.

Ukraine cáo buộc lực lượng Nga đã bắt giữ giám đốc nhà máy điện này để tra hỏi. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 2/10 thông báo Tổng Giám đốc của cơ quan này là ông Rafael Grossi sẽ tới thăm Kiev và Moscow trong vài ngày tới để thảo luận về vấn đề tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Ông Grossi đang tiếp tục thúc đẩy việc thiết lập “một khu vực an ninh và an toàn hạt nhân” quanh nhà máy.

Giáo hoàng Francis ngày 2/10 đã lên tiếng phản đối những lời đe dọa hạt nhân của phía Nga và đề nghị Tổng thống Putin chấm dứt “vòng xoáy bạo lực và chết chóc”.

Đức Quyền - Song Ngọc