Những tình tiết khó lường trong vụ phá hoại đường ống khí đốt của Nga
Cả Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều cho rằng sự cố với đường ống Nord Stream 1 và 2 cuối tháng 9 vừa qua là hành động phá hoại có chủ đích. Mỹ và đồng minh châu Âu không cáo buộc cụ thể ai đứng sau vụ phá hoại, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định phương Tây phải chịu trách nhiệm.
Nga đã triệu tập một phiên họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bàn về sự cố với Nord Stream. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Vassily Nebenzia, cho rằng Mỹ được hưởng lợi lớn khi đường ống dẫn khí tự nhiên từ Nga đến châu Âu bị phá hỏng. “Các nhà cung cấp khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ nên ăn mừng vì lượng LNG đến châu Âu tăng gấp nhiều lần”.
Theo phân tích của tổ chức Carnegie Endowment, sự cố với Nord Stream giống như nội dung một cuốn tiểu thuyết tội phạm của Agatha Christie, tức là gần như tất cả mọi người liên quan đều có động cơ phạm tội hoặc được hưởng lợi từ vụ việc.
Vì vậy, việc nhìn lại những điều mà chúng ta đã biết và chưa biết là rất quan trọng để hiểu chuyện gì đã xảy ra và ai sẽ là người trục lợi.
4 đường ống 1.200 km
Đường ống Nord Stream 1 cung cấp khí đốt cho châu Âu kể từ năm 2011 nhưng đã bị Nga ngừng hoạt động vào cuối tháng 8/2022 khi căng thẳng với phương Tây lên cao.
Moscow lấy lý do là các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến cho Nga không thể bảo trì được hệ thống máy móc cần thiết để vận hành Nord Stream 1. Phương Tây cáo buộc Nga ngừng cấp khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt, đồng thời gây chia rẽ nội bộ EU.
Đường ống Nord Stream 2 chạy song song với Nord Stream 1 và được hoàn thành vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, Nord Stream 2 chưa bao giờ hoạt động chính thức vì phía Đức không đồng ý cấp phép khi Nga liên tục tập trung quân gần biên giới Ukraine. Sau khi quân đội Nga tràn vào Ukraine, tương lai của Nord Stream 2 càng trở nên mịt mù.
Nord Stream 1 và 2 cùng dài khoảng 1.200 km, đều được đặt dưới đáy biển Baltic, và mỗi hệ thống đều có hai đường ống ký hiệu là A và B. Như vậy, có tổng cộng 4 ống dẫn khí trong hệ thống Nord Stream từ Nga đến Đức.
3/4 đường ống bị hỏng
Ba trong số 4 đường ống kể trên đã bị phá hỏng, bao gồm cả hai ống thuộc Nord Stream 1 và một ống thuộc Nord Stream 2. Các vị trí xảy ra sự cố cách nhau khoảng vài chục km, ở gần vùng biển Đan Mạch và Thụy Điển và cách xa Nga. Tất cả đường ống đều không vận chuyển khí đốt nhưng đều đang chứa đầy khí đốt ở trong và có áp suất lớn.
Nhà vận hành ghi nhận tình trạng mất áp suất ở các đường ống vào ngày 26/9. Các nhà địa chấn học ở Đan Mạch ghi nhận nhiều vụ nổ với sức mạnh tương đương 100 kg thuốc nổ TNT ở khu vực xảy ra sự cố với Nord Stream.
Tác hại môi trường, khí hậu
Khác với các vụ tràn dầu, việc rò rỉ khí tự nhiên thường không gây tác động lớn với sinh vật khu vực xung quanh do khí methane (mê-tan, CH4) không độc, không tan trong nước và phát tán nhanh vào không khí. Tuy nhiên CH4 lại có khả năng gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 80 lần so với CO2 trong 20 năm đầu được giải phóng.
Dựa vào hình ảnh vệ tinh, các nhà khoa học đã nhận thấy một đám mây khí methane khổng lồ trên Biển Baltic. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) hôm 30/9 cho biết việc các đường ống Nord Stream bị vỡ là sự kiện giải phóng nhiều khí methane nhất từng được ghi nhận.
Theo các ước tính ban đầu, khoảng 500 triệu mét khối khí tự nhiên đã thoát ra từ Nord Stream 1 và 2, tương đương với khoảng 8 triệu tấn CO2 hay 1/5.000 lượng CO2 phát thải toàn cầu mỗi năm. Vì vậy, sự cố Nord Stream sẽ làm gia tăng tình trạng nóng lên toàn cầu trong những năm tới.
Thời gian sửa chữa
Trong điều kiện chính trị và kinh tế bình thường, cả ba vị trí rò rỉ của Nord Stream có thể được sửa chữa trong vòng một năm bằng một đội tàu, Carnegie Endowment nhận định. Trong bối cảnh xung đột địa chính trị phức tạp như hiện nay, quá trình khắc phục có thể lâu hơn rất nhiều.
Nói cách khác, cho dù xung đột Ukraine kết thúc, các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ và quan hệ Nga – phương Tây nồng ấm trở lại, khí đốt cũng sẽ không thể ngay lập tức chạy qua ba đường ống của Nord Stream.
Chi phí và kỹ thuật
Vấn đề lớn nhất có thể không phải là hoạt động nối lại đường ống dưới nước mà là việc phải bơm hết nước biển ra khỏi ba đường ống dài 1.200 km. Đất đá ở trong đường ống cũng sẽ phải được làm sạch, nếu không sẽ gây hỏng phía trong của ống khi vận hành trở lại.
Một điểm đáng lo ngại khác là tình trạng lớp tráng polymer ở trong lòng ống. Lớp tráng này được thiết kế và chế tạo để vận chuyển khí đốt, không phải để ngâm trong nước biển thời gian dài. Tổng chi phí sửa chữa có thể lên tới hàng trăm triệu hay thậm chí hàng tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chỉ là một phần nhỏ trong ngân sách hàng năm của Gazprom.
Thiết bị chuyên biệt
Quá trình sửa chữa sẽ đòi hỏi các thiết bị chuyên biệt, và hoàn cảnh của Nord Stream 1 và 2 là rất khác nhau.
Nоrd Stream AG – đơn vị vận hành Nord Stream 1 – chính thức là một doanh nghiệp Thụy Sỹ, không phải chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào và đang là một thành viên của Nhóm Can thiệp Sửa chữa Đường ống Dưới biển (PSRI) do tập đoàn Equinor của Na Uy dẫn đầu. PSRI chuyên cung cấp các thiết bị đặc chủng và chuyên gia vận hành cho các thành viên có nhu cầu lắp đặt, sửa chữa.
Trong khi đó, Nord Stream 2 đã bị Mỹ áp lệnh cấm vận và quá trình lắp đường ống được thực hiện hoàn toàn bởi các tàu của Nga.
Nord Stream 2 được hoàn thành vào năm ngoái nhưng không được Đức cấp phép vận hành. Hai ngày trước khi Nga tấn công quân sự Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đình chỉ quá trình chứng nhận Nord Stream 2.
Đợi Đan Mạch cấp phép
Quá trình sửa chữa sẽ diễn ra ở lãnh hải Đan Mạch và do vậy cần được chính phủ nước này cấp phép. Trong bối cảnh chính trị phức tạp hiện nay, việc xin cấp phép sẽ không hề dễ dàng. Các lệnh trừng phạt hiện nay có điều khoản miễn trừ để thực hiện các hoạt động sửa chữa nhằm ngăn tác hại tới môi trường hoặc vì lý do an toàn hàng hải. Nord Stream 2 có thể đề nghị được miễn trừ theo các quy định trên, nhưng chưa chắc đã được cho phép.
Theo Carnegie Endowment, quá trình sửa chữa sẽ chỉ có thể bắt đầu sau khi xung đột Ukraine đã kết thúc, thậm chí phải đợi lâu hơn.
Chắc chắn là phá hoại?
Do các chuyên gia đã phát hiện nhiều vụ nổ trong khu vực hỏng đường ống và rất khó có chuyện cả ba đường ống cùng vô tình hỏng trong một ngày nên gần như chắc chắn vụ việc này là hành động cố ý phá hoại.
Thuốc nổ có thể được đưa xuống bằng nhiều cách. Cách thứ nhất là một tàu trên mặt nước hay thậm chí là máy bay thả thùng nổ sâu (depth charges) xuống vị trí đường ống. Thùng nổ sâu là một loại bom được cài đặt để phát nổ ở một mức áp suất nước nhất định.
Cách thứ hai là thợ lặn hoặc tàu ngầm cài thuốc nổ hẹn giờ vào đường ống. Cách thứ ba là cài thuốc nổ ở bên trong đường ống, tương tự như việc dùng các loại máy móc để kiểm tra lòng ống trong những đợt bảo dưỡng định kỳ.
Quy mô của hoạt động phá hoại lần này - thể hiện qua việc nhiều vị trí cùng bị tấn công và lượng thuốc nổ cần thiết – cho thấy phải có một chính phủ hậu thuẫn. Theo Carnegie Endowment, các suy đoán ban đầu cho rằng vụ tấn công có thể do các thế lực phi chính phủ thực hiện nhưng khả năng này rất khó xảy ra.
Chính phủ các nước sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các dữ liệu theo dõi hàng không và hàng hải của cả các tổ chức chuyên nghiệp lẫn không chuyên để tìm ra nghi phạm. Biển Baltic là một vùng nước tấp nập thuyền bè qua lại nhưng nhiều khả năng các chính phủ, quân đội và doanh nghiệp đã bắt đầu thu thập những thông tin cần thiết.
Những cáo buộc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố các cuộc tấn công vào đường ống khí đốt xảy ra ở “những nước hoàn toàn chịu sự kiểm soát của tình báo Mỹ”, ám chỉ Đan Mạch và Thụy Điển.
Ông Tucker Carlson, người dẫn chương trình truyền hình của đài Fox News (Mỹ) ám chỉ phương Tây có thể có liên quan: “Ông Putin không thể ngu tới mức tự phá hủy đường ống năng lượng của mình. Đó là điều mà ông ấy không bao giờ làm”.
Ông Fatih Birol, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói bóng gió rằng “Ai là người đứng sau đã quá rõ ràng” nhưng không nêu tên cụ thể tổ chức hay quốc gia nào.
Ông Oliver Alexander, một nhà phân tích tình báo, chia sẻ với Reuters: “Một cái gì đó rất lớn đã gây ra các vụ nổ, tức là Nga có thể gây ra vụ này. Về lý thuyết, Mỹ cũng có thể là người đứng sau, nhưng tôi không thấy có động cơ nào ở đây”.
Mỹ từ lâu đã kêu gọi châu Âu chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng của Nga nhưng hiện nay Washington không có nhiều lý do để hành động vì Nord Stream đã dừng cấp khí đốt từ trước khi các vụ nổ xảy ra.
“Mỹ đã thành công trong việc chặn đứng Nord Stream 2. Dự án đó đã chết cứng, không chạy đi đâu được”, ông Alexander nói. Châu Âu không trông chờ vào việc đường ống sớm hoạt động trở lại trong tương lai gần. Còn trong tương lai xa hơn, châu Âu sẽ chỉ mua khí đốt từ những nước không phải Nga. Vì vậy, ý nghĩa kinh tế của Nord Stream 2 trước vụ tấn công là không lớn.
Toan tính của phía Nga
Giả sử Nga là nước thực hiện vụ tấn công vào đường ống dẫn khí của chính mình, phương Tây chắc chắn sẽ biết ngay lập tức và hành động này có thể gửi đi một thông điệp đáng ngại cho Mỹ và châu Âu: Nga là mối đe dọa đối với các hạ tầng năng lượng trên biển khác.
Từ năm 2021, ông Putin đã tuyên bố trước các nhà lãnh đạo quân đội: “Nếu phương Tây tiếp tục các hành vi rõ ràng có ý thù địch, chúng ta sẽ có những biện pháp trả đũa thích đáng về quân sự và kỹ thuật, đồng thời phản ứng quyết liệt với những nước đi không thân thiện”.
Hiện có 7 đường ống dẫn khí đốt từ Na Uy tới Anh và lục địa châu Âu. Phải chăng Nga đang muốn nói rằng 7 đường ống này sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo? Vụ tấn công vào Nord Stream xảy ra đúng vào dịp lễ khánh thành đường ống Baltic Pipe đưa khí tốt từ Na Uy tới Phần Lan, đây có thể không phải là trùng hợp ngẫu nhiên.
Một điều trớ trêu là Gazprom có thể được hưởng lợi khi Nord Stream bị phá hỏng: Tập đoàn nhà nước của Nga này sẽ không cần phải bịa ra lý do để dừng cấp khí đốt cho châu Âu qua Nord Stream 1. Gazprom có thể tuyên bố điều khoản bất khả kháng và do vậy giảm thiểu nguy cơ phải bồi thường vì không giao hàng theo hợp đồng.
Tuy nhiên, lối suy luận này không thể áp dụng cho việc phá hoại Nord Stream 2 vì đường ống mới này chưa từng đi vào hoạt động và không có nghĩa vụ hợp đồng nào.
Mặt khác, nhóm doanh nghiệp Nord Stream và thậm chí là Gazprom có thể hy vọng nhận được một khoản tiền bảo hiểm từ việc đường ống bị hỏng. Những đường ống này đang là các tài sản vô dụng vì không vận chuyển khí đốt đi bán, vì vậy việc kiếm tiền từ công ty bảo hiểm cũng không phải là lựa chọn quá tệ đối với Gazprom.