|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giải pháp hòa bình của Elon Musk: Ukraine nổi giận, Nga vui vẻ hưởng ứng

09:08 | 04/10/2022
Chia sẻ
Đề xuất về hòa bình của tỷ phú Elon Musk hôm 3/10 đã nhận về nhiều ý kiến phản đối từ phía Ukraine, tuy nhiên lại được cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tán dương.

Đề xuất hòa bình

Theo hãng tin RT, tỷ phú Elon Musk, CEO của SpaceX và Tesla, đã đề xuất một kế hoạch nhằm kết thúc cuộc xung đột tại Ukraine. Theo ông Musk, 4 vùng lãnh thổ vừa đồng ý gia nhập Nga nên tổ chức lại trưng cầu dân ý, đồng thời Ukraine cam kết trung lập và từ bỏ yêu sách đối với Crimea.

Ông Musk đã đăng một bản kế hoạch lên Twitter vào hôm 3/10, gợi ý rằng Nga “nên tổ chức lại một các cuộc trưng cầu dân ý dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc (UN), và rút lui hoặc ở lại theo nguyện vọng của người dân".

Bán đảo Crimea sẽ được coi là “một phần chính thức của Nga, như đã từng từ năm 1783”, cho đến khi Tổng Bí thư Nikita Khrushchev tặng lãnh thổ này cho Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Ukraine năm 1954.

CEO Musk, người từng tiết lộ mình là độc giả của RT (hay Russia Today, trang tin tức của Nga), cho rằng quyết định của Tổng Bí thư Khrushchev là một “sai lầm”.

Vị tỷ phú sau đó gợi ý rằng Ukraine nên cam kết trung lập, theo như yêu cầu của Nga từ rất lâu trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự hồi tháng 2. Đồng thời, ông Musk cho rằng Kiev nên đảm bảo nguồn nước tới Bán đảo Crimea.

Sau cuộc trưng cầu dân ý để Crimea gia nhập Nga vào năm 2014, Ukraine đã chặn nguồn nước tới bán đảo này. Không lâu sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự, nguồn nước từ Kherson tới Crimea đã được khôi phục.

“Nhiều khả năng đây sẽ là kết quả của cuộc xung đột. Câu hỏi chỉ còn là bao nhiêu người sẽ chết cho tới khi [hòa bình được lập lại]”, ông Musk bình luận.

Phía dưới đề xuất của mình, tỷ phú của Tesla tạo một cuộc thăm dò ý kiến. Ban đầu, 60% những người trả lời trên Twitter đồng ý với ý tưởng của ông Musk. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện đã chỉ còn 38%.

Đề xuất hòa bình của tỷ phú Musk. (Ảnh: Twitter. Việt hóa: Minh Quang).

Trong một bài đăng sau đó, CEO Musk cho biết “bot (tài khoản ảo) đang tấn công mạnh vào cuộc thăm dò ý kiến này”. Trước đó, ông Musk từng rút khỏi thỏa thuận mua lại Twitter với lý do nền tảng này không cung cấp thông tin về số lượng tài khoản ảo.

Phản ứng trái chiều

Theo Reuters, sau bài đăng của ông Musk, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đáp trả bằng một cuộc thăm dò ý kiến khác. 

Ông đưa ra câu hỏi “Bạn thích Elon Musk nào hơn?”, và hai lựa chọn: “Người ủng hộ Ukraine” và “Người ủng hộ Nga”. Tới 83% người trả lời thích lựa chọn tỷ phú Elon Musk “ủng hộ Ukraine”.

Tổng thống Litva (Lithuania) Gitanas Nausėda bình luận: “Elon Musk thân mến, nếu ai đó trộm bánh xe Tesla của bạn, thì hắn vẫn sẽ không phải chủ của chiếc xe hay bánh xe. Ngay cả khi tên trộm tuyên bố cả chiếc xe và bánh xe đều đồng thuận”.

Sau những phản ứng trên, CEO Musk tiếp tục đăng một cuộc thăm dò ý khiến khác với câu hỏi: “Hãy thử cách [tiếp cận] này xem sao: những người sống tại Donbass và Crimea nên quyết định việc họ là một phần của Nga hay Ukraine”. Đến 8h sáng ngày 4/10 theo giờ Việt Nam, đa số (56,9%) đồng ý với ý tưởng trên.

CEO Musk tuyên bố không quan tâm nếu những đề xuất của ông không được ủng hộ, đồng thời lập luận rằng “hàng triệu người sẽ chết một cách vô ích cho một kết quả, về cơ bản là không khác biệt”.

“Dân số Nga gấp hơn ba lần Ukraine nên chiến thắng thuộc về Kiev khó xảy ra trong một cuộc chiến toàn lực”, ông nói. “Nếu bạn thực sự quan tâm đến người dân Ukraine, hãy tìm kiếm giải pháp hòa bình”.

Vào tháng 2, khi Internet của Ukraine bị gián đoạn sau cuộc tấn công của Nga, ông Musk cho biết dịch vụ internet băng thông rộng qua vệ tinh Starlink của SpaceX đã được triển khai tại Ukraine và sẽ gửi thêm nhiều thiết bị đầu cuối tới quốc gia này. 

“SpaceX đã bỏ ra 80 triệu USD để hỗ trợ cho Ukraine. Chúng tôi bỏ ra 0 USD để hỗ trợ cho Nga. Rõ ràng, chúng tôi ủng hộ cho Ukraine”, ông Musk đăng trên Twitter.

Thiết bị đầu cuối tiếp nhận tín hiệu từ vệ tinh Starlink được SpaceX viện trợ cho Ukraine. (Ảnh: Alex Konon/Alamy).

Đại sứ sắp mãn nhiệm của Ukraine tại Đức, ông Andriy Melnyk, đã có phản ứng quyết liệt với kế hoạch hòa bình của CEO Musk. 

Bản thân ông Melnyk đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vào tháng 7 vì đã bảo vệ nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Stepan Bandera, người gây nhiều tranh cãi do hợp tác với Phát xít Đức trong Thế chiến II.

"'Biến đi' là câu trả lời rất ngoại giao của tôi dành cho bạn, Elon Musk", ông Melnyk đã viết. Ông cũng bình luận thêm: "Kết quả duy nhất sẽ là việc người dân Ukraine không mua thêm bất cứ chiếc Tesla nào nữa".

Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba cũng lên Twitter và tuyên bố: “Những kẻ gợi ý rằng Ukraine nên từ bỏ con người và đất đai phải ngừng sử dụng từ ‘hòa bình’ như một cách nói thay cho ‘để người Nga giết hại thêm người dân thường Ukraine vô tội, và chiếm thêm lãnh thổ’.

Tuy nhiên, ở phía bên kia chiến tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ông Dmitry Medvedev đã đùa rằng nhà sáng lập của Tesla và SpaceX là "đặc vụ bóng tối" của Điện Kremlin. 

"Hoan hô [Elon Musk]! Tuy nhiên, vỏ bọc đặc vụ bóng tối đã bị mất. [Ông Musk] xứng đáng được thăng cấp nhanh chóng", cựu Tổng thống Nga Medvedev đã viết trên Twitter bằng tiếng Anh. 

Ông Medvedev cũng dự đoán: "Tweet tiếp theo của ông Musk sẽ có nội dung như: Ukraine là một quốc gia nhân tạo". Trên Telegram, ông Medvedev đã gọi tỷ phú Musk là "Eustace", bí danh của nhân vật chính trong loạt phim điệp viên "17 khoảnh khắc mùa xuân" thời Liên Xô.

RT cho rằng cả hai tuyên bố có một chút châm biếm, nhắm đến sự phản ứng của chính phủ Ukraine và những người có ảnh hưởng đối với đề xuất hòa bình tha thiết của vị tỷ phú Mỹ.

Minh Quang