|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phần Lan lo tai họa hạt nhân ở Ukraine, khuyến nghị dân đi mua thuốc chống phóng xạ

08:28 | 14/10/2022
Chia sẻ
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine đã mất điện vào sáng 12/10, khi cuộc tấn công từ phía Nga làm hỏng một trạm biến áp. Diễn biến này đang làm tăng nguy cơ về một sự cố phóng xạ trong tương lai gần.

Một quân nhân Nga đứng gác tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. (Ảnh: AP)

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết nguồn điện cho nhà máy Zaporizhzhia đã được khôi phục khoảng 8 tiếng sau sự cố mất điện ngày 12/10.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo sự cố mất điện lần thứ hai trong vòng 5 ngày đã cho thấy tình hình bấp bênh tại nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu và sự lặp lại tình trạng mất điện trong thời gian ngắn sẽ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Nguy cơ thảm họa

Kể từ khi quân đội Nga giành quyền kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia, nhiều người đã lo ngại về nguy cơ xảy ra một thảm họa hạt nhân. Các cuộc giao tranh liên tục giữa lực lượng Nga và Ukraine cũng như tình hình căng thẳng về nguồn cung tại nhà máy đã làm dấy lên bóng ma về một thảm họa.

Cách đây vài tuần, các nhà chức trách Ukraine đã quyết định đóng cửa lò phản ứng cuối cùng để giảm nguy cơ xảy ra thảm họa giống như tại Chernobyl năm 1986, khi một lò phản ứng phát nổ và phát tán chất phóng xạ có thể gây chết người ra trên khu vực rộng lớn.

Ngay cả sau khi tạm dừng hoạt động, lõi lò phản ứng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng vẫn cần được làm mát trong thời gian dài để ngăn chúng quá nóng và gây ra sự cố nguy hiểm như đã từng xảy ra tại nhà máy Fukushima ở Nhật Bản năm 2011.

Nhà máy Zaporizhzhia đã nhận được nguồn điện từ bên ngoài để đảm bảo nhiệm vụ quan trọng là làm mát lò phản ứng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, nhưng kết nối với lưới điện có nguy cơ gián đoạn do xung đột.

Trong bối cảnh các cuộc giao tranh đã làm hư hại hệ thống đường dây điện và trạm biến áp, cơ quan quản lý các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine (Energoatom) liên tục phải sử dụng nguồn điện từ hệ thống máy phát chạy dầu diesel.

Các máy phát điện này có đủ nhiên liệu để hoạt động trong ít nhất 10 ngày và được khởi động khi nguồn điện bên ngoài bị cắt. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc sử dụng liên tục những máy phát này trong một thời gian ngắn sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa.

Mareike Rueffer, người đứng đầu bộ phận an toàn hạt nhân tại Văn phòng Quản lý An toàn Chất thải Hạt nhân của Đức, cho biết việc đóng cửa lò phản ứng cuối cùng đã làm giảm đáng kể nguy cơ xảy ra thảm họa. Nhưng nếu sự cố mất điện khiến quá trình làm mát thất bại, thảm họa là điều khó tránh khỏi.

Nhiều hiệu thuốc tại Phần Lan đã "cháy" thuốc viên iodine  (Ảnh: Mikko Stig – Lehtikuva)

'Cháy hàng' iodine

Một số quốc gia châu Âu đang cố gắng chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và bắt đầu dự trữ thuốc viên iodine để bảo vệ người dân trước nguy cơ rò rỉ phóng xạ.

Ngày 12/10, nhiều hiệu thuốc ở Phần Lan đã hết thuốc viên iodine (i-ốt), một ngày sau khi Bộ Y tế nước này khuyến cáo các hộ gia đình nên mua một liều iodine phòng trường hợp khẩn cấp về bức xạ giữa những lo ngại ngày càng tăng về sự cố hạt nhân do xung đột Nga-Ukraine.

Bộ Y tế và Các vấn đề Xã hội Phần Lan cho biết một sự cố tại nhà máy điện hạt nhân có thể giải phóng iốt phóng xạ ra môi trường và chất này có thể tích tụ trong tuyến giáp và gây ung thư.

Các hiệu thuốc ở nhiều khu vực ở Phần Lan ngày 12/10 cho biết họ đã “chay” thuốc viên iodine do người dân đổ xô đi mua thuốc. Các đơn vị bán buôn cũng thông báo kho dự trữ của họ đã trống rỗng.

Bộ Y tế khuyến nghị chỉ nhóm tuổi 3-40 mới sử dụng thuốc viên iodine, do những nguy cơ nếu tiếp xúc với phóng xạ. Bộ này không đề cập đến xung đột Nga-Ukraine và cũng không tiết lộ nơi có thể xảy ra sự cố hạt nhân.

Bộ trên chỉ cho biết họ đã sửa đổi hướng dẫn về việc sử dụng thuốc viên iodine cho phù hợp với các khuyến nghị mới nhất do Tổ chức Y tế Thế giới.

Trả lời tờ Ilta-Sanomat, ông Petteri Tiippana, Tổng giám đốc Cơ quan An toàn Hạt nhân và Phóng xạ Phần Lan, nhận định có mối liên hệ giữa việc điều chỉnh hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình tại Ukraine. Ông nói: “Cuộc chiến ở Ukraine đã ảnh hưởng đến việc cập nhật các hướng dẫn về y tế.”

Bộ Y tế Phần Lan nhấn mạnh trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến rò rỉ phóng xạ, trú ẩn trong nhà là giải pháp chính để mọi người tự bảo vệ mình khỏi phóng xạ.

Sự phân tán của các đám mây phóng xạ từ ngày 27/4-6/5/1986 do sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. (Ảnh: The Federal Office for Radiation Protection)

Nguyên tố Iodine có nhiều đồng vị khác nhau, trong đó Iodine 127 (I-127) là đồng vị bền, thường gặp trong các sản phẩm như muối i-ốt; còn I-131 là đồng vị phóng xạ, có chu kỳ bán hủy hoảng 8 ngày.

I-131 là sản phẩm phân hạch chính của các bom hạt nhân sử dụng uranium và plutonium. Các lò phản ứng trong nhà máy điện hạt nhân cũng sử dụng nhiên liệu uranium nên khi xảy ra sự cố như Chernobyl năm 1986 hay Fukushima năm 2011, các nhà máy này cũng phát tán ra I-131.

Các viên thuốc Iodine có tác dụng ngăn tuyến giáp của con người hấp thụ Iodine phóng xạ, tránh một số bệnh lý khi xảy ra thảm họa hạt nhân.

Trà My