Ông Putin dọa đòn đánh ‘ác nghiệt’ vào Ukraine, ra lệnh trả đũa vụ đánh bom cầu Crimea
Hôm 8/10, một vụ nổ lớn trên cây cầu Crimea dài 19 km đã khiến cho hai nhịp cầu đổ sập và giao thông đường bộ tê liệt theo chiều từ Nga đến bán đảo Crimea. Một tàu chở nhiên liệu chạy song song ở tuyến đường sắt phía trên cầu đường bộ cũng bốc cháy dữ dội.
Sau một ngày im lặng, vào sáng 10/10, Tổng thống Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia Nga và có nhiều tuyên bố đanh thép. Dưới đây là phát biểu mở đầu cuộc họp của ông Putin:
“Sáng nay, theo đề xuất của Bộ Quốc phòng và theo kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu Nga, một cuộc tấn công cường tập đã được thực hiện bằng vũ khí tầm xa với độ chính xác cao từ trên không, trên biển và trên bộ nhằm vào các cơ sở năng lượng, chỉ huy quân sự và giao thông liên lạc của Ukraine
“Nếu các nỗ lực thực hiện những vụ tấn công khủng bố trên lãnh thổ của chúng ta vẫn tiếp diễn, đòn đáp trả của Nga sẽ cực kỳ ác nghiệt và có quy mô tương xứng với những mối đe dọa mà Liên bang Nga đang đối mặt. Đừng ai nghi ngờ gì về điều này.
“Các dữ liệu pháp y cũng như nhiều nguồn thông tin khác cho thấy vụ nổ ngày 8/10 là một hành động khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu của Nga. Rõ ràng là lực lượng mật vụ của Ukraine đã ra lệnh, tổ chức và thực hiện hành động khủng bố hòng phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga.
“Một số cuộc tấn công khủng bố và các nỗ lực tương tự đã được thực hiện đối với các hạ tầng điện năng và vận chuyển khí tự tự nhiên của nước Nga, bao gồm âm mưu phá hoại một đoạn đường ống dẫn khí TurkStream. Tất cả những cáo buộc này đều được chứng minh bằng các dữ liệu khách quan, bao gồm lời khai của những thủ phạm bị bắt sau khi thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.
“Đại diện của nước Nga không được phép tham gia vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ nổ đã phá hỏng đường ống dẫn khí đốt chạy dưới Biển Baltic. Nhưng chúng ta đều biết kẻ hưởng lợi cuối cùng từ hành động phạm pháp này.
“Vì vậy, chính quyền Kiev, thông qua hành động của mình, đã tự đưa mình đến ngang hàng với các nhóm khủng bố quốc tế đáng khinh nhất. Nga không thể làm ngơ với những hành vi phạm pháp kiểu này được”.
EU cáo buộc tội ác chiến tranh
Liên minh châu Âu (EU) cho rằng việc Nga phóng hàng loạt tên lửa vào thủ đô Kiev và nhiều thành phố khác của Ukraine là tội ác chiến tranh.
“Tấn công dân thường bừa bãi bằng những trận mưa tên lửa chết chóc và hèn nhát là một hành động leo thang nghiêm trọng”, ông Peter Stano, người phát ngôn của Cao ủy EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell, cho biết.
“EU lên án một cách mạnh mẽ nhất có thể các cuộc tấn công tàn ác nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự. Đây là hành động đi ngược lại luật nhân đạo quốc tế và việc tấn công dân thường bừa bãi cấu thành tội ác chiến tranh”, ông Stano nói thêm.
Nhiều nhà lãnh đạo thành viên EU đã công kích Nga vì các cuộc tấn công tên lửa “man rợ” làm nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương, đồng thời coi đây là hành động “không thể chấp nhận được” và “thể hiện sự yếu kém” của ông Putin.
Ba Lan kêu gọi tăng cường trừng phạt đối với Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.
Tấn công vào hạ tầng của Nga
Hai tuần trước khi cầu Crimea bị đánh gãy, ba trong tổng số 4 đường ống thuộc hệ thống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 của Nga cũng bị hư hỏng nặng. Khoảng 500 triệu m3 khí methane đã thoát ra từ các đường ống này.
Các nhà địa chấn học ngày 26/9 đã phát hiện nhiều vụ nổ ở quanh khu vực đường ống Nord Stream gặp sự cố, quy mô của các vụ nổ tương đương khoảng 100 kg TNT. Vị trí đường ống bị hư hỏng nằm ở vùng biển quốc tế nhưng vẫn ở trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Đan Mạch và Thụy Điển.
- TIN LIÊN QUAN
-
Những tình tiết khó lường trong vụ phá hoại đường ống khí đốt của Nga 03/10/2022 - 07:24
Cả Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều coi vụ việc này là hành động phá hoại có chủ đích. Mỹ và EU không cáo buộc cụ thể ai là người đứng sau, Tổng thống Nga Putin khẳng định rõ phương Tây là kẻ chủ mưu phá hoại đường ống dẫn khí trị giá 10 tỷ USD và của Nga.
Nhiều chuyên gia khẳng định vụ tấn công vào đường ống Nord Stream đòi hỏi quá trình chuẩn bị tỉ mỉ và rất khó thực hiện. Vì vậy, nhiều khả năng phải có một chính phủ nào đó làm chủ mưu, các tổ chức thông thường và cá nhân đơn lẻ không thể triển khai thành công được.
Các điều tra viên của Thụy Điển đã phát hiện thêm các bằng chứng ở khu vực đường ống bị phá hỏng. Những bằng chứng này càng củng cố giả thiết rằng vụ tấn công là do một quốc gia chủ mưu.