|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nếu kim loại Nga bị cấm, thị trường toàn cầu có thể chao đảo

12:43 | 10/10/2022
Chia sẻ
Nếu Sàn giao dịch kim loại London cấm kim loại từ Nga, hỗn loạn có thể bùng phát theo nhiều cách khác nhau, từ nguồn cung, tới giá cả và cấu trúc thị trường.

Theo Bloomberg, nguy cơ kim loại của Nga bị cấm trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) có thể loại một số doanh nghiệp lớn nhất thế giới khỏi thị trường, gây rung chấn lớn trên toàn thế giới.

Vào hôm 6/10, LME đã khởi động quá trình thảo luận dài ba tuần về việc cấm kim loại của Nga, có khả năng đi vào hiệu lực sớm nhất trong tháng tới.

Lệnh cấm có nghĩa là 9% sản lượng nickel, 5% nhôm, 4% đồng của thế giới đến từ Nga sẽ không thể được chuyển tới các nhà kho trong mạng lưới của LME.

LME là một công ty tư nhân được sở hữu bởi Sàn giao dịch và Kết toán Hong Kong (HKEX). Những quyết định của sàn giao dịch này có hệ quả sâu rộng với giá cả và cách thức giao dịch kim loại trên toàn cầu.

Trên thực tế, đa số kim loại toàn cầu được bán trực tiếp từ người sản xuất tới nhà giao dịch và khách hàng mà không cần đi qua nhà kho của LME. Các nhà sản xuất lớn, bao gồm các doanh nghiệp của Nga như Rusal, Norilsk Nickel gần như không bao giờ bán kim loại trên sàn LME.

Nhưng sàn giao dịch này đóng một số vai trò quan trọng với ngành kim loại thế giới khi thực hiện nhiệm vụ cân bằng thị trường: nguồn dự trữ từ mạng lưới nhà kho của LME có thể được bán ra trong lúc thị trường thiếu hụt kim loại và bổ sung vào kho khi thừa sản lượng.

Trong những tháng gần đây, các nhà giao dịch đang chuẩn bị cho nguy cơ thừa sản lượng, nhất là với nhôm, giữa những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu.

Khi một vài người mua từ chối kim loại từ Nga, các nhà giao dịch kỳ vọng rằng nhôm của Rusal sẽ được chuyển đến nhà kho của LME với khối lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn. Rusal đã phủ nhận kế hoạch chuyển “lượng lớn” kim loại tới sàn giao dịch.

Nhôm từ nhà máy Khakas của Rusal. (Ảnh: Andrey Rudakov/Bloomberg).

Việc LME cấm nhập thêm nhôm của Nga có thể khiến nguồn cung không còn dư thừa nữa. Khi Bloomberg lần đầu tiên đưa tin về kế hoạch thảo luận của LME vào tuần trước, giá nhôm đã nhảy vọt 8,5%, mức tăng cao nhất trong ngày từng được ghi nhận. Các nhà giao dịch từng kỳ vọng nguồn cung kim loại dồi dào từ Nga sẽ khiến giá sụt giảm đã phải nhanh chóng từ bỏ vị thế bán khống.

Tính đến hôm 7/10, giá nhôm đã vọt lên thêm 10% kể từ mức thấp nhất trong 19 tháng ngay một tuần trước đó.

LME đang xem xét động thái quyết liệt bởi lo ngại về những sự rối loạn tương tự nếu không có hành động: kim loại Nga bị nhiều người mua ruồng bỏ có thể tràn vào nhà kho của LME, khiến giá cả trên sàn giao dịch này không còn có ý nghĩa như một tiêu chuẩn trên thị trường toàn cầu. 

Trên thực tế, một trong những lý do khiến LME đang xem xét đẩy nhanh quá trình triển khai bất kỳ lệnh cấm nào là bởi nguy cơ những người nắm giữ kim loại của Nga có thể sẽ vội vã chuyển số hàng này tới nhà kho của sàn giao dịch trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

 

Bán được trên LME

Bất cứ động thái nào của LME cũng sẽ gây ra ảnh hưởng vượt xa cả dòng chảy hàng hóa. Ví dụ, một số hợp đồng giữa nhà sản xuất, nhà giao dịch và người mua quy định kim loại phải “bán được trên LME”. Một lệnh cấm kim loại trên sàn LME có thể khiến nhiều hợp đồng bị hủy bỏ.

Các ngân hàng cũng thường yêu cầu các kim loại được ngân hàng cấp vốn để mua phải là loại có thể được chuyển cho LME. Ngân hàng muốn chắc chắn rằng trong trường hợp có bất cứ vấn đề gì xảy ra, những lô kim loại trên có thể được bán thanh lý một cách dễ dàng.

Nhiều nhà giao dịch cũng dựa vào việc kim loại có thể được bán cho LME để mở các hợp đồng phòng hộ rủi ro để bảo vệ hàng tồn kho trên thực tế của mình. Các nhà giao dịch này có thể kết thúc hợp đồng bằng cách giao kim loại cho LME.

Do đó, bất kỳ động thái nào của LME đều có thể khiến Rusal và Nornickel, cũng như những khách hàng lớn nhất của các nhà sản xuất này phải đau đầu. Công ty Glencore của Thụy Sỹ đang có một hợp đồng dài hạn để mua nhôm từ Rusal.

Các doanh nghiệp kỳ vọng rằng quy trình xem xét của LME sẽ khiến khách hàng của Rusal và Nornickel gặp khó khăn hơn trong việc được cấp vốn bằng cách sử dụng kim loại làm tài sản thế chấp.

Cuộc thảo luận của LME có thể khiến doanh số bán hàng của Nornickel sang châu Âu giảm đáng kể. Quyết định của sàn giao dịch này có thể tạo ra sự không chắc chắn cho các cuộc đàm phán hợp đồng và khiến các công ty Nga buộc phải chấp nhận mức giá thấp hơn.

Giám đốc điều hành của Nornickel, ông Vladimir Potanin, cho biết công ty đã cân nhắc các lựa chọn để chuyển hướng một số hoạt động kinh doanh sang phía đông nếu các lệnh trừng phạt chống lại Nga không cho phép doanh nghiệp duy trì cơ cấu như hiện tại.

Ông Colin Hamilton, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại BMO Capital Markets, cho biết: “[Quyết định của LME] sẽ không thay đổi cân bằng cung cầu, nhưng sẽ khiến một số lượng kim loại phải tìm kiếm đầu ra”. 

"Ai đó ở đâu đó sẽ mua những kim loại này (của Nga) với giá rẻ", ông nói.

Minh Quang