|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cuộc khủng hoảng của ngành dầu mỏ đang tái hiện trên thị trường kim loại công nghiệp

07:00 | 27/06/2022
Chia sẻ
Tương tự như các công ty dầu đá phiến của Mỹ, các nhà khai thác khoáng sản lớn trên toàn cầu cũng đang ngần ngại đầu tư vào mỏ mới. Điều này dẫn đến việc nguồn cung kim loại công nghiệp trở nên rất eo hẹp, nguy cơ gây ra những hệ luỵ khó lường.

Điềm báo xấu

Đầu tháng 6, Tesla đã gây chú ý một lần nữa, nhưng lần này là tin không vui: công ty quyết định tăng giá bán của hầu hết các dòng xe và CEO Elon Musk nói lạm phát nguyên liệu đầu vào là một trong các lý do nâng giá bán.

Tesla không phải là nhà sản xuất duy nhất có động thái như vậy. Giá cobalt, lithium, nhôm,… - gần như mọi vật liệu thô được khai thác từ dưới lòng đất, đều đang leo thang chóng mặt.

Thông thường, giá vật liệu thô tăng cao sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường khai thác. Tuy nhiên, lần này ngành công nghiệp khai khoáng cũng thận trọng không khác gì các công ty dầu đá phiến của Mỹ. Và, điều này không phải điềm báo tốt cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tờ Wall Street Journal dẫn một báo cáo từ Bank of America cho biết, 10 công ty khai khoáng hàng đầu thế giới sẽ chi khoảng 40 tỷ USD cho các dự án trong năm nay và năm tới. Con số này giảm gần hai lần so với năm 2012.

Xu hướng thắt chặt chi tiêu của doanh nghiệp khai khoáng sẽ gây khó khăn cho việc chuyển đổi năng lượng, vì nó kéo giá của các nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình này lên cao hơn. Các trang trại điện mặt trời và điện gió sẽ phải chật vật mua vật liệu.

Một mỏ khai thác lithium tại Australia. (Ảnh: AP).

Ví dụ, giá quặng sắt - thành phần thiết yếu để chế biến thép, đã tăng từ hơn 82 USD/tấn hồi tháng 11 năm ngoái lên hơn 125 USD/tấn. Giá thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 227 USD/tấn xác lập vào năm 2021 nhưng vẫn tăng đáng kể trong 6 tháng qua.

Dù đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây do các tin tức tiêu cực từ Trung Quốc - một thị trường quan trọng đối với nhiều kim loại công nghiệp, giá đồng vẫn tăng đều kể từ năm 2020 do nguồn cung eo hẹp.

Theo RBC Capital Markets, mức độ thắt chặt của thị trường đồng sẽ sớm thay đổi khi một số mỏ khai thác mới đi vào hoạt động trong năm nay. Dù vậy, triển vọng giá dài hạn của đồng vẫn rất tích cực.

Trong khi đó, giá lithium đã tăng 432% trong năm qua và đó là một phần lý do tại sao Tesla gần đây tăng giá bán xe. Song, các công ty khai thác vẫn không mạnh tay rót vốn, theo đưa tin từ Wall Street Journal.

Dường như các nhà khai khoáng - giống như các “đồng nghiệp” trong lĩnh vực dầu khí, cũng đang tập trung vào chi trả lợi nhuận cho các cổ đông.

Đây là nguyên nhân đã khiến tốc độ tăng trưởng nguồn cung dầu mỏ ở Mỹ chững lại, và giờ là ảnh hưởng đến nguồn cung kim loại và khoáng chất cần thiết cho năng lượng tái tạo và xe điện.

Hậu quả khó lường

Oilprice.com nhận định, vấn đề liên quan tới đầu tư cho lĩnh vực khai khoáng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn là đối với ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.

Các giếng dầu đá phiến chỉ mất khoảng vài tháng từ khi bắt đầu thi công đến khi có thể khai thác, thì một mỏ khai khoáng cần phải mất nhiều năm, thường là một thập kỷ hoặc hơn, để đi từ quyết định đầu tư đến khi bắt đầu sản xuất.

Đầu năm nay, tại một sự kiện của ngành khai khoáng ở Arab Saudi, các chuyên gia đã đề cập rất nhiều đến vấn đề trên. Họ cảnh báo rằng nguồn cung kim loại công nghiệp đi xuống có thể đe doạ tiến độ chuyển đổi năng lượng, khiến việc tiếp cận xe điện và năng lượng tái tạo trở nên tốn kém và chậm chạp hơn vì thiếu nguyên liệu thô.

Một bài toán khác là lạm phát. Sản lượng quặng ở các mỏ giảm sút đang kéo chi phí phát triển và khai thác khoáng sản tăng cao hơn. Đây là một sự suy giảm tự nhiên và không thể nào đảo ngược.

Giải pháp duy nhất là xây dựng nhiều mỏ mới hơn, nhưng ngoài thời gian khai thác kéo dài, còn có các vấn đề liên quan đến tính ổn định của thể chế chính trị và pháp lý. Điều đó đe doạ đến nguồn cung tương lai của các kim loại công nghiệp.

Khả Nhân

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.