|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Châu Phi: Điểm nóng trong cuộc đua giành khoáng sản giữa Bắc Kinh và các cường quốc

16:21 | 11/10/2022
Chia sẻ
Trung Quốc, Nga, Mỹ và các nước châu Âu đang tranh giành tầm ảnh hưởng tại châu lục đen, nơi nắm giữ nhiều kim loại chiến lược trong quá trình điện khí hóa và chuyển đổi xanh.

Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti. Bắc Kinh đang ngày càng tăng cường ảnh hưởng tại châu lục đen. (Ảnh: AFP).

Theo SCMP, vào năm 2011, Trung Quốc đã sơ tán 36.000 cư dân khỏi châu Phi sau khi nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lực lượng ly khai sát hại. 

Đa số những người có quốc tịch Trung Quốc được sơ tán trong cuộc Nội chiến Libya đã làm việc trong các dự án tỷ USD như đường sắt hay dầu khí. Kể từ thời điểm đó, Bắc Kinh đã nỗ lực tăng cường an ninh cho nhân sự và lợi ích tại châu lục này. 

Ông Paul Nantulya, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Quốc gia (NDU) cho biết việc Trung Quốc tăng cường tham gia dàn xếp các cuộc khủng hoảng tại châu Phi đang mâu thuẫn với chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác.

Ông Nantulya cho biết đa số các xung đột tại châu Phi là nội bộ, đồng nghĩa với việc Trung Quốc không thể can dự mà không tạo ra những câu hỏi về chính sách đối ngoại lâu đời.

Ông Tim Zajontz, một nhà nghiên cứu tại Đại học Stellenbosch (Nam Phi) cho biết sự tham gia ngày càng lớn của Trung Quốc với các vấn đề về an ninh và luật pháp tại một số quốc gia châu Phi đang khiến “Bắc Kinh gặp khó trong việc giả vờ rằng mình vẫn tuân thủ nguyên tắc không can dự”.

Ông Zajontz cho rằng khi đảm nhận vai trò chủ động hơn tại châu Phi, “Trung Quốc, cũng như các cường quốc khác, đang cố gắng tác động đến các diễn biến địa chính trị theo hướng có lợi cho mình và đảm bảo các lợi ích kinh tế trên lục địa này”.

Ông Nantulya nói rằng sự can dự của Trung Quốc được thúc đẩy bởi những lo ngại về kinh tế và an ninh khi xung đột đe dọa trực tiếp đến tài sản, các hoạt động khai thác tài nguyên và nhân sự của Bắc Kinh tại châu lục đen.

Trung Quốc tìm kiếm gì ở châu Phi?

Trung Quốc hiện đang thống trị lĩnh vực nhập khẩu và xử lý các khoáng sản quan trọng, đặc biệt những loại được sử dụng trong pin xe điện (EV).

 

Bắc Kinh nhập khẩu 60% cobalt từ Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Kể từ năm ngoái, các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm lithium tại Zimbabwe. Lithium là thành phần quan trọng trong pin xe điện và tấm pin năng lượng mặt trời. Trung Quốc cũng đầu tư tại những quốc gia giàu tài nguyên khác, bao gồm Zambia, Namibia và Nam Phi.

Ông Lauren Johnson, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi cho biết Trung Quốc đã có tầm nhìn xa và ít có giới hạn trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận châu Phi. Bắc Kinh từ lâu đã đầu tư mạnh tại DRC, Zambia và Zimbabwe, và các quốc gia giàu tài nguyên khác như Australia, Canada và Chile.

Theo một nghiên cứu của Quỹ Khí hậu Châu Phi, châu lục đen có lượng tài nguyên khoáng sản khổng lồ. Ví dụ, 70% sản lượng cobalt của thế giới đang nằm tại DRC, 80% trữ lượng bạch kim và mangan đang nằm tại Nam Phi và Zimbabwe. 

Nam Phi đang là nhà cung cấp hàng đầu của ruthenium, iridium và rhodium. Gabon là nhà cung cấp lớn về mangan. Mozambique và Tanzania có nguồn dự trữ graphite lớn, trong khi DRC và Zambia có nhiều đồng.

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng Washington xem sự kiểm soát của Trung Quốc với chuỗi cung ứng khoáng sản và sự thống trị về kim loại đất hiếm là “hai điểm yếu chiến lược lớn nhất của Mỹ và đồng minh kể từ khủng hoảng an ninh năng lượng sau khi Arab cấm vận dầu mỏ vào thập niên 1970”.

Bảo vệ lợi ích tại châu Phi

Một số quốc gia châu Phi đang chịu ảnh hưởng bởi các cuộc đảo chính, nội chiến và bạo loạn cũng là những nơi có trữ lượng cobalt, đồng và bauxite lớn. Bắc Kinh đã mở các cuộc điều tra nhằm ngăn chặn nạn bắt cóc tại DRC, nơi quân đội đang phải chiến đấu chống lại phong trào nổi dậy ở phía đông.

Ông Zajontz cho biết sự đầu tư dài hạn ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Phi đang đối mặt với các thách thức an ninh, đặc biệt tại những khu vực với chính quyền yếu kém hoặc xung đột kéo dài.

Trung Quốc đã theo đuổi chính sách song song nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế trong những tình huống trên, ông nói.

“Bắc Kinh tích cực củng cố bộ máy an ninh của chính phủ châu Phi, đồng thời tăng cường sự hiện diện của các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc để bảo vệ các khoản đầu tư của mình”, ông cho biết.

Ông cho rằng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh ngày càng leo thang giữa Trung Quốc và các cường quốc châu Âu, Bắc Kinh có lý do để tăng cường hiện diện an ninh tại các vùng chiến lược ở châu Phi như Sừng châu Phi hoặc Tây Phi.

Mỏ đồng của Trung Quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). (Ảnh: ivanhoemines.com).

Vào tháng 6/2022, Trung Quốc tổ chức hội nghị hòa bình tại vùng Sừng châu Phi, nơi xung đột Tigray đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Đặc phái viên Xue Bing đã đến khu vực này vài lần để gặp gỡ các nhà lãnh đạo.

Vào năm 2017, Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, gần Eo biển Bab el-Mandeb.

“Trung Quốc đã quyết định không còn chỉ đứng quan sát trong các xung đột tại châu Phi”, ông Seifudein Adem, Giáo sư người Ethiopia tại Đại học Doshisha (Nhật Bản) cho hay.

Ông Adem nói rằng Trung Quốc đã đóng vai trò xây dựng trong việc hòa giải xung đột giữa các quốc gia châu Phi cũng như trong nội bộ mỗi nước và quản lý trong giai đoạn hậu chiến.

Theo ông Adem, cách tiếp cận mới mẻ của Bắc Kinh đang cạnh tranh với giải pháp hòa bình của “Châu Âu-Mỹ”, vốn đã được áp dụng rất nhiều lần.

Ông Nantulya cho biết phương thức tiếp cận của Trung Quốc xoay quanh ý tưởng “hòa bình phát triển”. Ý tưởng này cho rằng đầu tư và tài nguyên có thể giúp giảm căng thẳng bằng cách tạo việc làm, cải thiện đời sống và xóa đói giảm nghèo.

Ông John Calabrese, người đứng đầu dự án Trung Đông-Châu Á tại Đại học Mỹ (AU) cho rằng sự tham gia của Trung Quốc tại châu Phi không mâu thuẫn với nguyên tắc “không can dự” của Bắc Kinh.

“Vì sao Trung Quốc triển khai điều tra và hợp tác với lực lượng hành pháp địa phương? Mục đích là nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và người dân khi chính quyền địa phương không đủ khả năng để làm việc này”, ông nói.

Sân chơi của cường quốc

Lo lắng về sức ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga, Mỹ và đồng minh đã thiết lập một sáng kiến tại các quốc gia giàu tài nguyên tại châu Phi nhằm mở rộng chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng cần cho quá trình chuyển đổi xanh.

Tháng trước, chương trình Đối tác An ninh Khoáng sản do Mỹ dẫn đầu đã họp bên lề Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York nhằm thảo luận về ưu tiên, thách thức và cơ hội trong việc khai thác và xử lý các khoáng sản quan trọng một cách có trách nhiệm.

Chương trình này bao gồm các đối tác như Mỹ, Australia, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Anh và Ủy ban châu Âu (EC).

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ và các đồng minh sẵn sàng “cung cấp bảo lãnh vay hoặc tài trợ bằng nợ” cho các quốc gia với nguồn khoáng sản dồi dào được sử dụng trong pin xe điện, pin năng lượng mặt trời và turbine điện gió.

 

Cùng với phương Tây và Trung Quốc, các doanh nghiệp Nga cũng hưởng lợi từ hoạt động khai thác coltan, cobalt, vàng và kim cương tại Angola, Zimbabwe, Cameroon, Ghana, Nigeria và Guinea.

Theo nghiên cứu của Quỹ Khí hậu Châu Phi, tập đoàn quân sự tư nhân Wagner PMC của Nga đã thu lợi từ khoáng sản và kinh doanh hoạt động khai thác tại châu Phi. 

Báo cáo cho biết Wagner đã sử dụng các chiến thuật quân sự để hỗ trợ chính phủ trong thời gian xung đột và nhận được những hợp đồng khai thác béo bở cũng như trạng thái ngoại giao đặc biệt.

Một binh sĩ thuộc biên chế của công ty quân sự tư nhân Wagner PMC. (Ảnh: Bloomberg).

“Nga sẽ tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Phi thông qua các nhà thầu quân sự tư nhân”, Giáo sư Antonio Andreoni tại Đại học SOAS London và Giáo sư Simon Roberts tại Đại học Johannesburg cho biết.

Hai giáo sư cho biết châu Phi sẽ tiếp tục là điểm nóng trong cuộc đua giữa các cường quốc nhằm tiếp cận khoáng sản quan trọng. Các doanh nghiệp từ Trung Quốc và Nga sẽ đóng vai trò lớn tại lục địa đen.

Minh Quang