|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Bong bóng kinh tế Trung Quốc đang xì hơi nhưng sẽ không nổ

08:37 | 08/10/2022
Chia sẻ
Nền kinh tế Trung Quốc đang phải trải qua những bài kiểm tra khó khăn. Trong quá khứ, Trung Quốc cũng đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng và trở lại ngày một mạnh mẽ.

Các tòa chung cư đang xây dựng dở tại thành phố Nam Kinh. (Ảnh: Cfoto/DDP/Zuma Press).

Các đợt phong tỏa COVID, khủng hoảng lĩnh vực bất động sản và tại các công ty công nghệ, giáo dục đã khiến nền kinh tế thứ hai thế giới điêu đứng. 

Những dự báo mới nhất cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc có nguy cơ xuống dưới 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% của Bắc Kinh. Những phản ứng của Trung Quốc cho tới nay vẫn chỉ mang tính tình thế vào không gây ấn tượng, trái ngược với những kế hoạch giải cứu trong quá khứ.

Nếu nền kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”, hậu quả sẽ rất tồi tệ. Với hệ thống tài chính và nền kinh tế của Bắc Kinh, kết cục sẽ là khủng hoảng và suy thoái.

Với thị trường toàn cầu, vốn đã chịu sức ép từ xung đột Ukraine và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, cú sốc có thể sánh ngang với sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers năm 2008.

Vào năm 2020, ông Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics và tác giả cuốn sách "Trung Quốc: Bong bóng không bao giờ nổ", cho rằng Trung Quốc có hệ thống tài chính và kinh tế bền bỉ, các nhà hoạch định chính sách khéo léo. 

Trong hai năm sau đó, giả thuyết của ông Orlik đã trải qua những bài kiểm tra khó khăn. Một số người tin rằng Trung Quốc đã thất bại, nhưng ông Orlik lại lập luận rằng mặc dù bong bóng đang xì hơi nhanh, nền kinh tế số hai thế giới sẽ không vỡ vụn.

Đánh đổi Zero COVID

Vào tháng 9/2020, Chủ tịch Tập tuyên bố kết quả chống dịch của Trung Quốc “một lần nữa khẳng định sự ưu việt của hệ thống chủ nghĩa xã hội với nét đặc trưng của Trung Quốc”.

Hai năm sau, khi phần còn lại của thế giới đã quay trở lại cuộc sống bình thường, nhiều thành phố Trung Quốc vẫn trong cảnh phong tỏa. Kết quả của các biện pháp chống dịch của Trung Quốc không còn ấn tượng như trước đây. Bắc Kinh đã cứu được nhiều mạng sống, nhưng đổi lại, tăng trưởng đã bị kìm hãm.

Các nước khác đã phải trả giá lớn để có được cuộc sống bình thường: hàng triệu người chết tại Mỹ, và châu Âu. Nếu Trung Quốc có những chính sách tương tự như phương Tây, với dân số lớn hơn cả Mỹ và châu Âu cộng lại, và hệ thống y tế hạn chế, có thể con số thương vong sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Theo tác giả Orlik, dịch bệnh COVID không chứng minh được hệ thống của phương Tây hay Trung Quốc là hoàn hảo hơn, nhưng đã làm rõ sức mạnh và điểm yếu của mỗi bên.

 

Mỹ và châu Âu không thể tập trung nguồn lực xã hội để đánh bại đợt bùng phát đầu tiên của dịch COVID, dẫn đến thiệt hại to lớn về sinh mạng. Nhưng các quốc gia châu Âu lại linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách, các nhà sản xuất dược cho ra vắc xin hiệu quả, giúp xã hội nhanh chóng thoát khỏi ảnh hưởng của COVID.

Trung Quốc không ngần ngại áp dụng các hạn chế phòng dịch và đã cứu được nhiều sinh mạng. Nhưng Bắc Kinh lại không điều chỉnh chính sách đủ nhanh, khiến cả nước mắc kẹt với  Zero COVID quá lâu.

Kết luận cuối cùng chỉ có thể được đưa ra khi Trung Quốc ngừng chính sách Zero COVID. 

Nếu các chủng virus ít nguy hiểm, vắc xin và các biện pháp điều trị tốt hơn thì Bắc Kinh có thể nới lỏng chính sách mà không gây thiệt hại lớn về nhân mạng và tuyên bố nhiều năm chống dịch là đáng giá.

Ngược lại, nếu Trung Quốc chịu thiệt hại tương tự như Mỹ, rõ ràng những tuyên bố của Chủ tịch Tập vào năm 2020 sẽ không còn sức nặng.

Từ bỏ tăng trưởng bằng bất động sản

Trong hơn một thập kỷ qua, các nhà phân tích đã cảnh báo việc vay nợ và xây dựng tràn lan có đã đẩy ngành bất động sản Trung Quốc vào một quỹ đạo bất ổn.

Theo ước tính của Bloomberg Economics, nguồn cung nhà đang cao hơn nhu cầu 25% trong thập kỷ tới. Có ít nhất 2,8 tỷ m2 nhà ở đang bị bỏ trống, đủ cho toàn bộ dân số Italy.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cố gắng giải quyết vấn đề trên bằng cách cắt nguồn vốn tới các doanh nghiệp đang có đòn bẩy tài chính quá cao.

Những động thái trên đang khiến doanh số bán nhà và xây dựng sụt giảm, nhiều nhà phát triển vỡ nợ và người dân từ chối thanh toán khoản vay thế chấp trị giá 1.600 nhân dân tệ (245 tỷ USD). 

Giá nhà tại Trung Quốc bắt đầu sụt giảm từ quý III/2021

Nhưng theo ông Orlik, Trung Quốc sẽ khó lặp lại khủng hoảng bất động sản Nhật Bản năm 1989 hay khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ. Lịch sử Trung Quốc đầy các giai đoạn bùng nổ và sụp đổ của thị trường bất động sản.

Cứ mỗi lần nền kinh tế Trung Quốc dường như sụp đổ, các nhà hoạch định chính sách lại điều chỉnh các biến số như yêu cầu trả trước, lãi suất vay thế chấp và hỗ trợ tài chính để đưa mọi thứ trở lại đúng quỹ đạo.

Bắc Kinh đang làm lại điều tương tự. Nhưng lần này, mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách không phải mở ra một giai đoạn bùng nổ khác, mà điều chỉnh tốc độ suy giảm.

Bất động sản chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc khi tính đến tất cả lĩnh vực phụ trợ, từ vật liệu xây dựng cho đến đồ gia dụng.

Một cách nói khác là bất động sản đang hấp thụ 30% lao động một cách kém hiệu quả và thiếu bền vững. Quá trình chuyển đổi sẽ rất đau đớn. Nhưng cuối cùng, việc các nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn sẽ mang lại kết quả tích cực cho tăng trưởng.

"Thịnh vượng chung"

Vậy còn mục tiêu “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc thì sao?

Những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba hay Tencent đã phải chịu các khoản phạt khổng lồ. Những nền tảng việc làm ngắn hạn đã buộc phải trả lương cao hơn cho người lao động. Các doanh nghiệp dạy thêm buộc phải hoạt động như tổ chức phi lợi nhuận.

Các nhà phê bình coi những động thái trên là do chính quyền Bắc Kinh muốn ngăn các doanh nghiệp tư nhân kiểm soát nền kinh tế. Phe phản đối lập luận rằng những chính sách chuyển thu nhập từ chủ doanh nghiệp tới người lao động và hộ gia đình sẽ kìm kẹp tăng trưởng, khiến mọi người Trung Quốc nghèo hơn.

Sự bi quan này được thể hiện ở chỉ số Nasdaq Golden Dragon China, đại diện cho lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, đã tụt gần 70% kể từ mức đỉnh hồi tháng 2/2021. 

Trong những năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực thu hẹp khoảng cách thu nhập. Hệ số GINI càng thấp, đất nước càng bình đẳng.

Ông Orlik cho rằng chính sách “thịnh vượng chung” của Bắc Kinh cũng có thể được nhìn nhận theo cách khác. Bất bình đẳng đang là vấn đề lớn tại Trung Quốc. 

Phân bố thu nhập tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tương tự như ở các nước Mỹ Latin hay châu Phi. Tình trạng này đang cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong việc ngăn cản sự sụt giảm lực lượng lao động bằng cách tăng tỷ suất sinh.

Nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ tại Trung Quốc đến năm 18 tuổi là 485.000 nhân dân tệ, tức gấp 6,9 lần thu nhập hàng năm, cao hơn nhiều so với tại Mỹ hay châu Âu. Với nhiều gia đình thu nhập thấp hoặc trung bình, chi phí này là quá cao.

Nhìn qua lăng kính của những vấn đề xã hội cấp bách mà Trung Quốc đang gặp phải, “thịnh vượng chung” dường như có thể coi là một chính sách công đúng đắn. Và “thịnh vượng chung” cũng chỉ là phiên bản Trung Quốc của các chính sách tiến bộ đang được áp dụng tại Mỹ và châu Âu.

Vượt qua khủng hoảng

Nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ đã chạm ngưỡng 19,9% vào mùa hè, mức cao nhất từng được ghi nhận.

Chỉ số CSI 300 đã giảm 23% từ đầu năm, tốc độ cao hơn cả S&P 500, khi mà Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang nới lỏng chính sách tiền tệ. Dòng vốn chảy ra nước ngoài đang khiến nhân dân tệ giảm giá so với USD.

Viễn cảnh tốt đẹp cho những năm tiếp theo không phải là trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, mà là tăng trưởng ổn định. Các vấn đề như nhân khẩu học, nợ và dư thừa năng lực ở bất động sản cũng như những ngành nghề khác vẫn sẽ tiếp tục cản trở nền kinh tế.

Những hạn chế áp đặt lên các gã khổng lồ công nghệ đã khiến tình thần kinh doanh ở Trung Quốc sụt giảm. Đồng thời, căng thẳng leo thang với Mỹ đang làm nản lòng các nhà đầu tư quốc tế.

Trong 5 năm trước COVID, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt mức trung bình 6,5%/năm, trong 5 năm tới, mức tăng trưởng trung bình 4,5% có thể được coi là thành công.

Nền kinh tế Trung Quốc trải qua không ít cuộc khủng hoảng (tăng trưởng GDP chậm lại) nhưng nhìn chung quy mô vẫn đang ngày một tăng.

Mọi chuyện có thể còn tồi tệ hơn. Nhưng tác giả Tom Orlik cũng nhắc lại rằng những dự báo về sự sụp đổ của Trung Quốc không hề mới mẻ. Vào đầu những năm 1990, Trung Quốc đã có cuộc cải cách mở cửa thị trường sau chuyến "Nam Tuần" của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. 

Vào đầu những năm 2000, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cứu trợ các ngân hàng lớn và tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã phục hồi động lực tăng trưởng. 

Tới những năm 2010, các cuộc cải cách về nguồn cung và hạ thấp đòn bẩy tài chính đã giúp loại bỏ cách doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và giảm rủi ro cho ngân hàng.

Lịch sử cho thấy Trung Quốc không phải là một quốc gia không bao giờ gặp khủng hoảng, mà là một đất nước thường xuyên gặp phải và vượt qua những khó khăn này.

Minh Quang