Ấn Độ vạch ra kế hoạch 1.200 tỷ USD để giành lấy các nhà máy từ Trung Quốc
"Cách duy nhất"
Tại Ấn Độ, có tới một nửa tổng số dự án cơ sở hạ tầng bị chậm tiến độ, và 25% bội chi so với ước tính ban đầu. Thủ tướng Narendra Modi tin rằng công nghệ là giải pháp cho những rắc rối thâm căn cố đế này.
Theo siêu dự án trị giá 100.000 tỷ rupee (tương đương 1.200 tỷ USD) PM Gati Shakti - có nghĩa sức mạnh của tốc độ, chính quyền ông Modi đang xây dựng một nền tảng kỹ thuật số thống nhất 16 bộ ngành. Cổng thông tin này sẽ cung cấp cho doanh nghiệp và nhà đầu tư giải pháp toàn diện cho thiết kế dự án, quy trình phê duyệt liền mạch và dễ dàng ước tính chi phí.
Ông Amrit Lal Meena, quan chức cấp cao về logistics của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại New Delhi: “Sứ mệnh của cổng thông tin mới là triển khai các dự án mà không vượt quá thời gian và chi phí. Mục tiêu là thuyết phục các công ty lựa chọn Ấn Độ làm trung tâm sản xuất”.
Việc đẩy nhanh các dự án sẽ mang lại cho Ấn Độ lợi thế, đặc biệt là bởi Trung Quốc hầu như vẫn đang đóng cửa với thế giới bên ngoài.
Cùng lúc, giới doanh nghiệp đang ngày càng ưa chuộng chính sách “Trung Quốc + 1” – tức là tìm thêm nhà cung cấp hoặc mở rộng sang các nước khác – để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh.
Nền kinh tế lớn thứ ba châu Á không những có lao động giá rẻ mà còn sở hữu nguồn nhân lực triển vọng biết nói tiếng Anh, dẫu cho cơ sở hạ tầng ọp ẹp khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà với đất nước này.
Ông Anshuman Sinha, đối tác của công ty tư vấn Kearney India nói với Bloomberg: “Cách duy nhất để cạnh tranh với Trung Quốc – không kể các yếu tố chính trị khiến doanh nghiệp nước ngoài rời đi – là phải nâng cao lợi thế chi phí nhiều nhất có thể. Mục tiêu của dự án Gati Shakti là giúp hàng hóa và linh kiện sản xuất lưu chuyển dễ dàng hơn trên khắp Ấn Độ”.
Ông chỉ ra các trụ cột chính của dự án là xác định các cụm sản xuất mới chưa được xây dựng, kết nối những địa điểm đó tới mạng lưới đường sắt, cảng biển và sân bay của Ấn Độ.
Thành công ban đầu
Giảm thiểu các quy định, thủ tục quan liêu thông qua công nghệ là điều tối quan trọng để Ấn Độ tháo gỡ bế tắc cho các dự án chậm trễ, Bloomberg nhận định.
Ông Meena cho biết trong số 1.300 dự án mà cổng thông tin Gati Shakti đang theo dõi, gần 40% bị trì hoãn vì các vấn đề liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng rừng và môi trường, dẫn đến chi phí vượt mức. Ít nhất 422 dự án gặp một số vấn đề và cổng thông tin đã giải quyết rắc rối cho 200 dự án.
- TIN LIÊN QUAN
-
Dòng vốn ngoại đang rời đi, Trung Quốc làm cách nào để níu chân nhà đầu tư? 29/09/2022 - 16:37
Ví dụ, theo Gati Shakti, chính phủ Ấn Độ sẽ sử dụng công nghệ để đảm bảo rằng một con đường mới được xây dựng sẽ không bị đào lên lần nữa để lắp đặt cáp điện thoại hoặc đường ống dẫn khí đốt.
Invest India, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thúc đẩy đầu tư vào Ấn Độ, cho biết kế hoạch mới sẽ giúp New Delhi thiết kế các dự án cơ sở hạ tầng như những gì châu Âu đã làm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai hoặc Trung Quốc trong giai đoạn 1980-2000 để nâng cao “chỉ số cạnh tranh” của đất nước.
Thủ tướng Ấn Độ phát biểu nhân dịp triển khai Gati Shakti hồi năm ngoái: “Ấn Độ ngày nay cam kết đầu tư ngày càng nhiều để phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và đang làm mọi bước để đảm bảo dự án không gặp trở ngại và bị trì hoãn.
Cơ sở hạ tầng chất lượng cao là chìa khóa để khởi động một số hoạt động kinh tế và tạo ra việc làm trên quy mô lớn. Nếu không có cơ sở hạ tầng hiện đại, Ấn Độ không thể phát triển toàn diện".
Các dự án chậm tiến độ, đội vốn đang làm tổn thương cuộc phục hồi kinh tế hậu COVID-19 của Ấn Độ. Trong tháng 5, Ấn Độ có tổng cộng 1.568 dự án cơ sở hạ tầng, trong đó 721 dự án bị chậm trễ, 423 công trình vượt quá ước tính chi phí ban đầu.
Kể từ khi nắm quyền vào năm 2014, ông Modi đã tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nhằm tạo việc làm mới và thúc đẩy nền kinh tế hậu COVID. Ông đã đạt được một số thành công đáng chú ý.
Apple hiện có kế hoạch bắt đầu sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ sau khi sản phẩm được ra mắt tại Trung Quốc. Samsung Electronics mở nhà máy điện thoại lớn nhất tại nước này vào năm 2018. Công ty nội địa Ola Electric Mobility hứa hẹn xây dựng nhà máy xe máy điện lớn thứ hai trên thế giới trong nước.
Ông Meena cho biết chính phủ cũng đang sử dụng cổng thông tin Gati Shakti để xác định những lỗ hổng về cơ sở hạ tầng trong kết nối chặng cuối và chặng đầu tiên.
Ấn Độ đang ưu tiên cho 196 dự án để vá lỗ hổng và tăng khả năng kết nối cổng cho hoạt động vận chuyển than, thép và thực phẩm. Bộ Giao thông Đường bộ sử dụng Gati Shakti để thiết kế 11 dự án mới theo kế hoạch Bharatmala (trị giá 106 tỷ USD) nhằm xây dựng 83.677 km đường vào năm 2022.
Ông Meena tự tin: “Ấn Độ ngày càng tập trung vào kho bãi hiện đại, số hóa các quy trình, nhân lực tay nghề cao và giảm chi phí logistics. Đối với bất kỳ nhà sản xuất nào, chúng tôi sẽ nhiệt liệt hoan nghênh nếu các bạn chọn Ấn Độ".