World Bank dự báo Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng châu Á năm 2022
Trong báo cáo mới, World Bank đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giúp chống đỡ phần nào cho khu vực nhưng vẫn không đủ để bù đắp hoàn toàn tác động từ sự giảm tốc của Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia, báo cáo này bao quát khu vực Đông Á, Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương, nhưng không bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên.
Cụ thể, World Bank đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ mức 5% hồi tháng 4 xuống còn 2,8%. Điều này khiến cho dự báo tăng trưởng của châu Á bị hạ xuống còn 3,2%, thấp hơn rõ rệt ước tính 5% hồi tháng 4.
Việt Nam được kỳ vọng sẽ dẫn đầu khu vực với tốc độ tăng trưởng hàng năm 7,2%, cao hơn hẳn con số 5,3% được đưa ra vào tháng 4.
Không kể Trung Quốc, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022. Dự báo cho Indonesia được giữ nguyên ở mức 5,1%, còn Malaysia, Philippines và Thái Lan thì được nâng lên.
Ông Aaditya Mattoo, kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của World Bank, cho biết: “Yếu tố đóng góp lớn cho tăng trưởng trong khu vực hiện nay là việc các nước gỡ bỏ những rào cản trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, bất kể là các quy định chống dịch hay thái độ thận trọng trong tiêu dùng của người dân”.
Phần đông các nước trong khu vực đã mở cửa trở lại và nới lỏng các hạn chế phòng dịch, dù Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero COVID” và phong tỏa những thành phố lớn khi cần thiết.
World Bank còn hạ dự báo tăng trưởng cho Lào và Mông Cổ. Lạm phát, lãi suất gia tăng và sự suy yếu của đồng nội tệ làm giảm sức mua của người tiêu dùng và khả năng chi trả nợ của hai nước này.
Dự báo tăng trưởng của Lào, Mông Cổ và Trung Quốc đều dưới 3% trong năm nay. Nhưng ba nền kinh tế này được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm tới với tốc độ tăng trưởng GDP lần lượt là 3,8%, 5,5% và 4,5%.
Nhà kinh tế Mattoo nhận định rằng hầu hết các quốc gia trong khu vực - trừ Lào và Mông Cổ - sẽ chống chọi “tương đối tốt” với các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đó là do các khoản nợ của những nền kinh tế này phần lớn cần được thanh toán bằng đồng nội tệ thay vì ngoại tệ, tờ Nikkei Asia cho hay.
Tuy nhiên, World Bank cảnh báo các chính sách trợ giá – tuy góp phần giữ lạm phát trong khu vực ở mức tương đối thấp so với thế giới – sẽ khiến thâm hụt ngân sách phình to và giành lấy nguồn vốn nên dành cho cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục. Dự kiến Thái Lan, Philippines và Indonesia sẽ kết năm với tỷ lệ nợ công/GDP trên 60%.
Do nhu cầu quốc tế dành cho hàng hóa xuất khẩu của châu Á đã cho thấy dấu hiệu suy yếu, khu vực sẽ cần đến các khoản đầu tư hỗ trợ cho tăng trưởng dài hạn.
World Bank trích dẫn báo cáo hàng quý từ các nhà bán lẻ Mỹ, cho rằng điều này báo hiệu nhu cầu suy yếu dành cho đồ điện tử. Loại mặt hàng này được sản xuất và lắp ráp nhiều ở Việt Nam, Trung Quốc và Malaysia.
Nếu các nền kinh tế lớn trên thế giới suy thoái trong năm nay, tăng trưởng của châu Á-Thái Bình Dương sẽ sụt giảm hơn 1 điểm %. Malaysia sẽ chịu tác động nặng nề nhất, tốc độ tăng trưởng sụt 0,8 điểm %.