|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhiều nền kinh tế châu Á có thể sụp đổ theo bước Sri Lanka nếu Trung Quốc nhất quyết không xóa nợ

08:23 | 30/09/2022
Chia sẻ
Khủng hoảng nợ có thể sảy ra ở Lào, Bangladesh và nhiều quốc gia châu Á khác khi Trung Quốc không muốn xóa nợ và chịu thiệt hại đối với các khoản đã cho vay.

Theo Nikkei, Sri Lanka là quốc gia châu Á đầu tiên rơi vào cảnh vỡ nợ trong cuộc khủng hoảng hiện nay, nhưng nhiều khả năng sẽ không phải là nước cuối cùng. 

Nhiều nền kinh tế thu nhập trung bình và thấp khác ở châu Á cũng đang đứng trước bờ vực sụp đổ, do một loạt các nguyên nhân như nợ trong thời kỳ COVID, gặp vận rủi, chính sách sai lầm và vay nợ từ Trung Quốc. 

Đồng USD mạnh cũng khiến việc trả nợ trở nên khó khăn hơn, cùng với giá nhiên liệu đắt đỏ đẩy nhiều nền kinh tế vào khủng hoảng nghiêm trọng.

 

Ông Murtaza Jafferjee, Chủ tịch Advocata Institute cho biết: “Sri Lanka không phải là quốc gia duy nhất gặp rắc rối nghiêm trọng. Sẽ còn nhiều nước châu Á [phải đối mặt] với vấn đề tương tự”.

Khắp châu Á, dự trữ ngoại hối của các chính phủ sụt giảm, đồng nội tệ yếu dần đi, chính phủ và cả những bên cho vay đều đang hoảng loạn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính ít nhất 1/3 các nền kinh tế mới nổi và 60 nước kém phát triển nhất tại châu Á, châu Phi, Nam Mỹ đang đối mặt với “khủng hoảng nợ” như Sri Lanka.

Trên khắp châu Á, một số tín hiệu khủng hoảng tương tự như Sri Lanka đang lóe lên: xếp hàng mua xăng ở Lào, biểu tình phản đối giá tăng ở Bangladesh, nội tệ lao dốc ở Pakistan hay Maldives phải vay khẩn cấp để trả nợ. 

Các đồng tiền của nhiều nước châu Á đang yếu đi với tốc độ đáng báo động.

Lào theo bước Sri Lanka?

Quốc gia Đông Nam Á nghèo khó, không giáp biển, nằm tại biên giới phía nam của Trung Quốc đang vướng phải rắc rối tương tự như Sri Lanka trong thời kỳ sắp vỡ nợ.

Tại thủ đô Vientiane, hàng dài phương tiện xếp hàng để mua xăng khi giá nhiên liệu tăng vọt và tình trạng thiếu hụt trở nên tồi tệ hơn. Các mặt hàng tiêu dùng phổ biến, chẳng hạn như nguyên liệu để làm bánh mì, cũng đã nhảy vọt.

Người dân Lào xếp hàng dài tại trạm xăng. (Ảnh: Stringer/Reuters).

Tính đến giữa năm 2022, lạm phát tại Lào, quốc gia với 7,5 triệu dân đã tăng lên mức 25% so với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng lên thêm 107,1% và đồng kip tụt dốc thảm hại. 

Bảng cân đối kế toán của Lào cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tương tự như khi Sri Lanka sắp vỡ nợ. Dự trữ ngoại hối của nền kinh tế 18 tỷ USD đang ở mức 1,3 tỷ USD, chỉ đủ để trang trải cho 2,2 tháng nhập khẩu. 

Tuy nhiên, Lào cũng có nghĩa vụ chi trả khoảng 1,3 tỷ USD các khoản nợ hàng năm, một nửa trong số đó là cho Trung Quốc.

Ông Jeremy Zook, Giám đốc khu vực châu Á của Fitch Ratings cho biết: “Thâm hụt tài khóa và tài khoản vãng lai cao khiến nền kinh tế Lào dễ bị tổn thương”.

Vào tháng 6, Moody's đã hạ bậc tín nhiệm của Lào xuống mức “rác”, tương tự như Fitch đã làm vào tháng 8/2021. Vào năm 2020, cả hai cơ quan xếp hạng này cũng đã có động thái tương tự với Sri Lanka, khiến quốc gia Nam Á này không còn có thể vay nợ trên thị trường vốn quốc tế.

Ở Lào, người dân đang đổ lỗi cho Trung Quốc. “Tình hình kinh tế đã tồi tệ hơn bởi chính phủ liên tiếp vay nợ Trung Quốc”, một nữ nhân viên văn phòng nói với Nikkei hồi tháng 7.

 

Lào và Sri Lanka là ví dụ điểm hình cho sự thay đổi trong hoạt động cho vay đầu tư phát triển nước ngoài.

Trước kia, World Bank thường là tổ chức cho vay trong những dự án phát triển và cơ sở hạ tầng, còn IMF đứng ra bơm tiền để giải quyết các vấn đề về thanh toán. Nhưng hiện giờ Trung Quốc đang làm thay công việc của cả hai, vừa là ngân hàng đầu tư, vừa là tấm phao cứu sinh cho các quốc gia đi vay.

Chính phủ Lào không tìm đến IMF để được cứu trợ, và tiếp tục coi Trung Quốc như giải pháp cuối cùng. Theo một nhà ngoại giao Đông Nam Á, Lào muốn “tránh phải tuân thủ điều kiện minh bạch của IMF khi xem xét các khoản nợ nước ngoài, bao gồm việc công khai sổ sách về các khoản cho vay của Trung Quốc”.

Theo AidData, vào năm 2021, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tung ra khoản vay khẩn cấp trị giá 300 triệu USD giúp Ngân hàng trung ương Lào tăng dự trữ ngoại hối.

Hồi chuông cảnh báo ở Bangladesh

Tại Bangladesh, dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng kinh tế cũng đang đến từ trạm xăng. Giữa năm nay, chính phủ Bangladesh đã tăng mạnh giá nhiên liệu để giảm áp lực cho nguồn dự trữ ngoại hối, vốn đã giảm từ 45,5 tỷ USD vào năm 2021 xuống chỉ còn 38,91 tỷ USD, đủ cho 5 tháng nhập khẩu.

Người dân Bangladesh biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng hôm 6/8. (Ảnh: AP).

Giá nhiên liệu tăng đã khiến chi phí của những mặt hàng thiết yếu nhảy vọt, và biểu tình nổ ra trên cả nước. “Giá của tất cả rau củ và đậu lăng đã tăng 30-50%”, ông Arafat Nayeem, một giám đốc tại công ty marketing với mức lương 450 USD/tháng cho biết.

Chính phủ Bangladesh đang gặp khó khăn trong việc giảm giá nhiên liệu do thiếu hụt USD - tình trạng tương tự như ở Sri Lanka. Vào tháng 7, Bangladesh đã phải tìm đến sự trợ giúp của IMF để giải quyết khó khăn trong thanh toán do thâm hụt tài khoản vãng lai.

May mắn thay, nợ nước ngoài của Bangladesh tương đối thấp, ở mức 93,2 tỷ USD vào tháng 3, chỉ chiếm 29% GDP và nằm trong mức khuyến nghị của IMF.

Nhà kinh tế Akter Mahmood cho biết các chính sách thắt lưng buộc bụng và tiếp cận với những thể chế đa phương để nhận hỗ trợ tài chính là “những dấu hiệu đáng hoan nghênh”. 

“IMF [cung cấp] nguồn vốn với chi phí tương đối rẻ và đi vay từ tổ chức này trong thời khó khăn là khôn ngoan”, ông cho biết.

Khủng hoảng nợ khắp châu Á

Maldives, quốc gia láng giềng phía tây nam của Sri Lanka, cũng đang gặp khó khăn khi bị IMF cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nợ rất cao.

Nền kinh tế 5 tỷ USD với nguồn dự trữ ngoại hối trung bình đạt 892 tỷ USD vào năm ngoái sẽ phải chi trả khoản nợ nước ngoài lên tới 250 triệu USD vào năm nay, 362 triệu USD vào 2023 và 238 triệu USD vào 2024.

“Do tăng trưởng dự trữ ngoại hối đã đi xuống trong những năm gần đây, việc trả nợ nhiều khả năng sẽ đầy khó khăn”, ông Fazeel Najeeb, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Maldives nói. “Tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn vào năm 2026, khi các khoản nợ trị giá 600 triệu USD cần được thanh toán”, ông cho biết thêm.

Nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Maldives, từng chịu tác động nặng nề của COVID, đã lên kế hoạch “phát hành trái phiếu như một nguồn tài chính” cho ngân sách năm 2022.

Kinh tế Pakistan cũng đang đứng trên bờ vực đổ vỡ, với việc đa số đất nông nghiệp và hàng tỷ USD cơ sở hạ tầng bị phá hủy trong trận lụt vừa qua. Lạm phát đã quanh mức 38%, trong khi đồng rupee Pakistan giảm tới 25% kể từ đầu năm.

Ngay cả trước khi cơn lũ đến, dự trữ ngoại hối cũng đã giảm 40% so với cuối năm 2021. IMF vừa phê duyệt khoản cứu trợ 1,1 tỷ USD trong Quỹ Hỗ trợ Mở rộng trị giá 6,6 tỷ USD, sau những lời kêu cứu từ phía Pakistan.

Người dân Pakistan thu nhặt táo rụng sau cơn lũ. Ảnh chụp hôm 17/9. (Ảnh: AP).

Vào tháng 6, Trung Quốc đã chấp thuận khoản vay 2,3 tỷ USD nhằm giúp Pakistan bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối đã cạn kiệt. “Trung Quốc và Pakistan là đối tác chiến lược trong mọi điều kiện”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố.

Islamabad cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ Thế giới Arab như Arab Saudi, Qatar, UAE.

Lập trường của Trung Quốc

Sri Lanka đang hy vọng Bắc Kinh sẽ đồng ý với những bên cho vay khác trong việc chịu một phần thiệt hại tương ứng với các khoản vay không thể thanh toán.

Sri Lanka có thể trở thành khuôn mẫu cho các thị trường mới nổi trong việc đàm phán nợ xấu với Trung Quốc. Cho đến nay Trung Quốc vẫn giữ lập trường kiên định.

Ông Anushka Wijesinha, nhà đồng sáng lập của Trung tâm vì Tương lai Thông minh cho biết: “Nhiều nước với các khoản nợ không bền vững sẽ nhìn vào cách Trung Quốc xử lý việc tái cơ cấu nợ ở Sri Lanka”.

 

Các nhà kinh tế của Sri Lanka đã ước tính rằng tổng khoản vay mà Trung Quốc cung cấp từ năm 2001 đến 2021 là khoảng 9,95 tỷ USD. Nhiều dự án hạ tầng của Sri Lanka do Bắc Kinh đầu tư đã trở nên vô dụng, chẳng hạn như sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa.

Vấn đề của Trung Quốc là nếu nước này đồng ý thảo luận với tất cả những người cho vay của Sri Lanka và chấp nhận lỗ như một bên cho vay tư nhân, thì các ngân hàng chính sách của Trung Quốc sẽ chịu áp lực phải đưa ra những hỗ trợ tương tự cho các quốc gia khác.

Trung Quốc không muốn chịu lỗ mà muốn chuyển các khoản nợ cũ thành khoản vay mới, với điều kiện lãi suất và thời gian đáo hạn tốt hơn, một nhà đầu tư tại London nói với Nikkei.

“Với việc nhiều nước [đang trong khủng hoảng nợ], Bắc Kinh buộc phải có lập trường cứng rắn hơn”, nhà đầu tư trên cho biết.

Minh Quang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.