|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhiều quốc gia đang nặng nợ, liệu khủng hoảng tài chính năm 1997 có lặp lại tại Nam Á?

14:36 | 05/08/2022
Chia sẻ
Vào năm 1997, nội tệ Thái Lan mất giá đã châm ngòi cho sự sụp đổ của thị trường tài chính toàn cầu. Ngày nay, nguy cơ một cuộc khủng hoảng tương tự đang sắp xảy đến với các nước Nam Á.

Theo Bloomberg, Pakistan cố gắng có được một gói cứu trợ để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ khi đồng nội tệ giảm mạnh. Bangladesh đã tìm kiếm một khoản vay sớm từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Sri Lanka vỡ nợ và chính phủ nước này đã sụp đổ. Ngay cả Ấn Độ cũng chứng kiến đồng rupee lao xuống mức thấp nhất mọi thời đại khi thâm hụt thương mại tăng vọt.

Bất ổn kinh tế và chính trị đang hoành hành ở Nam Á vào mùa hè này, khiến nhiều người thấy sự tương đồng với cuộc hỗn loạn đã nhấn chìm các nước láng giềng ở phía đông cách đây 25 năm trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Khi ấy, một sự kiện trông có vẻ biệt lập biệt lập là Thái Lan phá giá đồng baht vào tháng 7/1997 nhằm đối phó với nạn đầu cơ tiền tệ đã lây lan như một loại virus sang Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc.

Chủ nợ hoảng loạn, yêu cầu thanh toán sớm, các nhà đầu tư rút khỏi cổ phiếu và trái phiếu tại các thị trường mới nổi, bao gồm cả ở Mỹ Latinh và Nga, quốc gia đã vỡ nợ vào tháng 8/1998.

Một tháng sau, quỹ đầu cơ Long-Term Capital Management (LTCM) tại Mỹ, vốn có đòn bẩy cao vào chứng khoán Nga và châu Á, đã sụp đổ.

Những người biểu tình tại Thái Lan năm 1997. (Ảnh: Apichart Weerawong/Reuters).

Liệu cuộc khủng hoảng tương tự có thể sảy ra một lần nữa? Ông Ammar Habib Khan, Giám đốc quản lý rủi ro tại Karandaaz Pakistan, tin vào khả năng này.

Ông nói: “Các quốc gia Nam Á đã có được những khoản nợ USD chi phí thấp, tài trợ tiêu dùng và những dự án phù phiếm trong 10 năm qua. Nam Á hiện nay có cảm giác giống như Đông Nam Á vào năm 1997”.

Những vết nứt bắt đầu xuất hiện vào đầu năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các quân cờ domino này đổ rạp Nam Á, nơi lạm phát đang bùng lên. Tiền rẻ cạn kiệt, nội tệ mất giá và dự trữ ngoại hối tiêu tan.

Khủng hoảng tạm thời được kiềm chế

Một cuộc khủng hoảng kéo dài sẽ làm suy yếu sự năng động tại khu vực có 1/4 dân số thế giới. Kế hoạch mở rộng của các công ty đặt cược lớn vào Nam Á, chẳng hạn như Amazon và Walmart, cũng đang bị đe dọa.

Tuy nhiên cho đến nay, sự lây lan dường như vẫn được kiềm chế. Một lý do là vào năm 1997, cái gọi là “phép màu kinh tế châu Á” đã che đậy những lỗ hổng hiếm thấy ngày nay: nợ công và tư nhân quá lớn, ngân hàng yếu kém, đầu tư nước ngoài mang tính đầu cơ cao.

Các nước Nam Á hiện tại ít nợ nước ngoài hơn những người láng giềng vào những năm 1990. Nam Á đang vay bằng nội tệ nhiều hơn bằng USD để tài trợ cho tăng trưởng.

IMF khi đàm phán với những nền kinh tế gặp khó khăn dường như cũng tỏ ra nhẫn nại hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã từng áp đặt những biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt đối với các chính phủ đang điêu đứng trong cuộc khủng hoảng năm 1997.

Lần này, các chuyên gia cho rằng tình hình sẽ khác. Ông Raghuram Rajan, giáo sư tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, đồng thời là cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) cho biết: “Tôi nghĩ thắt lưng buộc bụng không phải là giải pháp chung cho mọi vấn đề”.

Còn nhiều mối nguy

Tuy nhiên, đã có rất nhiều dấu hiệu nguy hiểm. Nam Á đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nhiên liệu và lương thực cũng như lạm phát tăng đột biến, một phần do cuộc xung đột Ukraine. 

Bất ổn chính trị đã bùng phát ở Sri Lanka và Pakistan. Hoạt động tiết giảm năng lượng của chính phủ đã dẫn đến tình trạng mất điện không thể đoán trước, kéo dài tới 12 giờ mỗi ngày tại Pakistan và 5 giờ mỗi ngày tại Bangladesh.

Anh Shawon Mondol, 18 tuổi, một sinh viên đại học đến từ Madhukhali, miền nam Bangladesh, cho biết: “Đôi khi đèn tắt vào buổi tối, đôi khi vào nửa đêm. Chưa kể tới việc cắt điện vào ban ngày. Tôi không thể tập trung vào việc học của mình”.

Vốn đang chạy khỏi những nền kinh tế này. Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), ngay cả các quốc gia xuất khẩu hàng hóa và hưởng lợi từ USD mạnh vào đầu năm nay cũng đang phải chịu tác động từ việc dòng vốn chảy ra nước ngoài trên diện rộng.

 

Đồng rupee của Pakistan đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Xếp hạng nợ của quốc gia này đã bị đẩy sâu xuống mức rác.

Chính phủ mới thành lập đã tăng giá dầu diesel gần 100% và giá điện gần 50% trong vài tháng nhằm giành được gói cứu trợ của IMF. Pakistan cũng tăng thuế với các nhà bán lẻ, gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Bộ trưởng Tài chính Miftah Ismail cho biết: Khi đại dịch diễn ra, các tổ chức đa phương và các quốc gia khác “quan tâm hơn đến nền kinh tế toàn cầu”.

"Giờ đây, [sự quan tâm này] không còn nữa". Ông khẳng định Pakistan đang tự vượt qua cơn bão bằng cách cắt giảm ngân sách và hạn chế nhập khẩu.

Tài xế xe lam Pakistan biểu tình vì giá nhiên liệu cao hôm 3/7. (Ảnh: K.M. Chaudary/AP).

Tại Bangladesh, quốc gia có xếp hạng tín nhiệm ổn định và được đánh giá là ngôi sao sáng trong số các nền kinh tế cận biên (frontier economy), tình trạng thiếu nhiên liệu đang làm gia tăng căng thẳng và khiến giá trị nhập khẩu phình to.

Ngành công nghiệp may mặc phát triển mạnh, chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trong nước và sự sụt giảm đơn đặt hàng từ nước ngoài.

Bangladesh đã phải tìm kiếm sự hỗ trợ của IMF, nhưng quan chức ở Dhaka khẳng định đây là khoản vay sớm, khác với sự cứu trợ mà Sri Lanka hay Pakistan chờ đợi.

Vấn đề của Sri Lanka hiện nay đang phức tạp nhất. Chính phủ quốc gia này bị lật đổ trong bối cảnh các cuộc biểu tình lan rộng do tình trạng thiếu nhiên liệu và sự quản lý yếu kém.

Và Sri Lanka vẫn chưa đáp ứng các điều kiện để nhận được khoản viện trợ mới của IMF, chẳng hạn như các thỏa thuận của chủ nợ để giảm bớt các khoản nợ hiện có. 

Ông Ravith Silva, người đứng đầu Motor Link Holdings, một công ty kỹ thuật ô tô ở Colombo, cho biết: “Mọi người đều đang xếp hàng”.

Ông cho biết, một thùng dầu động cơ cách đây hai năm có giá 150.000 đến 200.000 rupee Sri Lanka (414 đến 552 USD) hiện đã lên tới 1.000.000 rupee. Giá sơn thì tăng gần 900%. 

"Giá cả thay đổi quá nhanh nên chúng tôi không thể đưa ra báo giá có giá trị trong hơn ba ngày", ông nói.

Ông Palitha Kohona, Đại sứ của Colombo tại Trung Quốc cho biết, Sri Lanka đang đàm phán với Trung Quốc về khoản viện trợ lên tới 4 tỷ USD, bao gồm tái cơ cấu khoản vay 1 tỷ USD của Trung Quốc đến hạn trong năm nay. Khoảng 10% nợ của bên ngoài của Sri Lanka đến từ Trung Quốc.

Hy vọng vào Ấn Độ

Niềm hy vọng giờ đây được đặt vào việc Ấn Độ có thể cung cấp một mỏ neo ổn định, như Trung Quốc đã giúp Đông Á vào 25 năm trước. Dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ đã tăng gấp 20 lần kể từ năm 1997, khiến quốc gia này phần lớn không bị ảnh hưởng.

Thị trường chứng khoán của Ấn Độ vẫn tăng trưởng khi các nhà đầu tư đặt cược vào thị trường tiêu dùng rộng lớn của quốc gia tỷ dân này. 

Lạm phát tại Ấn Độ đã có xu hướng chậm lại trong tháng 6 và tháng 5.

Nhưng việc đồng rupee giảm giá so với USD cùng với chính sách thắt chặt của Fed đã gây áp lực mới lên khả năng tài trợ cho hàng nhập khẩu của Ấn Độ.

Ngân hàng trung ương Ấn Độ, đã buộc phải sử dụng một phần trong kho dự trữ trị giá khoảng 600 tỷ USD sau khi các nhà đầu tư rút gần 29 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán trong năm 2022. Ấn Độ vẫn đủ tiền để trang trải nhập khẩu trong khoảng 9 tháng.

Với việc Thống đốc Shaktikanta Das hứa hẹn sẽ đưa nền kinh tế hạ cánh nhẹ nhàng, RBI đã tăng lãi suất và dự kiến ​​sẽ thắt chặt hơn nữa để giảm lạm phát. Những người hàng xóm của Ấn Độ chỉ có thể hi vọng vào điều tốt đẹp nhất.

Minh Quang

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.