|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát đe dọa tước mất ‘vũ khí’ chống suy thoái ưa thích của các chính phủ

06:42 | 02/08/2022
Chia sẻ
Lần này, mong muốn chi tiêu tài khoá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của giới chính trị gia sẽ đi ngược với nỗ lực hạ nhiệt giá cả của các ngân hàng trung ương.

(Hình minh họa: TaxCredits). 

Khi nền kinh tế chững lại, các chính trị gia thường tung ra một số hỗ trợ tài khóa nhằm vực dậy tình hình. Nhưng lần này, mọi chuyện không hề đơn giản. Đại dịch đã khoét sâu vấn đề nợ nần và thâm hụt ngân sách của chính phủ các nước phát triển. Nhưng vấn đề nguy cấp hơn cả là lạm phát đang tăng cao.

Nhiều nhà kinh tế đoán rằng chi tiêu trong thời COVID-19 là một phần nguyên nhân. Và trong bối cảnh chuỗi cung ứng vẫn còn gặp áp lực, biện pháp chống suy thoái tiêu chuẩn của chính phủ là nhét thêm tiền vào túi người tiêu dùng nhưng điều này lại có nguy cơ khiến áp lực giá cả thêm trầm trọng hơn.

Trên đây chính là bối cảnh của cuộc chiến ngân sách đang nóng lên ở nhiều nước trên thế giới và chúng ta có thể thấy những thiệt hại đầu tiên ở Italy. Chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi sụp đổ vào ngày 21/7 sau khi bị các đồng minh trong liên minh rút lại sự ủng hộ.

Tờ Bloomberg cho biết nguyên nhân dẫn đến thất bại của ông Draghi là bất đồng của các nhà lập pháp về quy mô của một gói hỗ trợ nhằm giúp đỡ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp gặp khó khăn vì chi phí năng lượng kỷ lục.

Tại Anh, cuộc đua để tìm ra người kế nhiệm ông Boris Johnson bị chi phối bởi cuộc tranh luận về chính sách tài khóa. Một ứng cử viên nặng ký hứa hẹn ngay lập tức giảm thuế, người khác đưa ra gói hỗ trợ nhỏ nhắm vào một số đối tượng và cảnh báo rằng các biện pháp quy mô hơn sẽ cản đường sứ mệnh khống chế lạm phát của ngân hàng trung ương Anh.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), rủi ro ngân sách và nhiệm vụ của ngân hàng trung ương đi ngược chiều nhau không chỉ xuất hiện tại Anh.

Ông Pierre Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, khuyến nghị rằng tại các nước có lạm phát cao, “chính phủ có thể thực hiện những biện pháp nhắm mục tiêu để hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương, nhưng phải làm sao cho chính sách tài khóa tổng thể không mở rộng”. 

Nhưng dẫu sao thì nhiều nước đang phát triển cũng không có lựa chọn đó. Đại dịch hoành hành, giá thực phẩm và năng lượng leo thang và chi phí trả nợ tăng cao bởi đồng USD mạnh lên đã buộc nhiều nước phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ IMF.

 

Các nhà kinh tế và giới đầu tư ủng hộ các biện pháp thắt lưng buộc bụng - đơn thuốc tiêu chuẩn để khống chế lạm phát. Nhưng rõ ràng chúng không được công chúng yêu thích.

Và các nhà hoạch định chính sách tại nhiều quốc gia có thể nhắc đến các động lực lạm phát đến từ bên ngoài, thay vì đề cập đến việc chính phủ đã mất khả năng kiểm soát nhu cầu trong nước. Điều này có thể tạo ra một số dư địa để thúc đẩy nền kinh tế mà không thổi bùng áp lực giá.

Nước bơm nhiều kích thích tài khoá trong đại dịch nhất và tiêu dùng bùng nổ nhất là Mỹ. Dẫu vậy, bà Claudia Sahm, nhà kinh tế từng làm việc tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed), vẫn đoán rằng Quốc hội Mỹ sẽ hành động nếu nền kinh tế suy yếu đến một ngưỡng nào đó.

Bà nói với Bloomberg: “Tôi cho là niềm tin này vẫn có cơ sở: trong một cuộc suy thoái, Quốc hội Mỹ sẽ làm gì đó. Người dân sẽ trông chờ Quốc hội hành động”.

Tại nhiều nơi trên thế giới, suy thoái vẫn chỉ là rủi ro, còn lạm phát tăng cao đã trở thành hiện thực. Giống như giới quan chức ngân hàng trung ương, các chính trị gia chịu trách nhiệm cho ngân sách sẽ phải lưu ý tới cả hai khi ra quyết định.

Italy

Lời kêu gọi tăng chi tiêu để xoa dịu nỗi đau từ cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ là trọng tâm của các chiến dịch tranh cử hiện tại. Ông Draghi, người tiếp tục giữ vai trò Thủ tướng tạm quyền, ủng hộ trợ cấp hóa đơn năng lượng và tăng lương tối thiểu.

Nhưng một số đối tác của ông muốn làm nhiều hơn. Ông Matteo Salvini, lãnh đạo Đảng Liên đoàn (League), đề xuất “nhét 50 tỷ euro vào túi của người Italy” vào cuối năm nay.

Anh

Sự đánh đổi giữa ủng hộ tăng trưởng và kìm kẹp lạm phát là tâm điểm của cuộc đua trong Đảng Bảo thủ để chọn ra thủ tướng tiếp theo của Anh. Hai ứng viên hàng đầu là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liz Truss.

Bà Truss chủ trương ngay lập tức giảm thuế quỹ lương và hủy bỏ kế hoạch tăng thuế đánh vào doanh nghiệp. Ông Sunak cũng hứa hẹn hạ thuế nhưng sẽ chỉ thực hiện “khi chúng ta đã siết chặt lạm phát”.

Trong bối cảnh lạm phát vượt 9%, nhiều nhà kinh tế cược rằng Anh sẽ khó có thể tránh khỏi suy thoái. Ông David Owen, nhà kinh tế của Saltmarsh Economics, cảnh báo: “Bộ Tài chính Anh sẽ phải suy nghĩ rất cẩn thận về việc thắt lưng buộc bụng”.

Mỹ

Fed đang dựa vào các đợt tăng lãi suất lớn để đánh bật lạm phát khỏi đỉnh 40 năm. Nhiều nhà kinh tế và nhà lập pháp đánh giá rằng thủ phạm gây ra lạm phát cao là kích thích thừa mứa thời đại dịch, do đó Washington sẽ không mặn mà với bơm thêm kích thích dẫu nền kinh tế có đi xuống.

Ông Tobin Marcus, chuyên gia tại công ty nghiên cứu đầu tư Evercore ISI cho rằng “nền kinh tế khó mà sa sút đến mức Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa nhanh chóng đồng lòng tung ra gói cứu trợ tài khóa”.

Trong thời gian qua, Tổng thống Joe Biden đã thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội chấp thuận nhiều chương trình chi tiêu dài hạn của ông.

Việc thu thập đủ phiếu bầu cho kiểu chính sách mà Anh và nhiều nước châu Âu đã áp dụng sẽ còn khó hơn nữa. Hay nói cách khác là Nhà Trắng khó có thể đánh thuế vào lợi nhuận của các công ty dầu khí và sau đó lấy tiền trợ cấp cho các hộ gia đình gặp khó khăn vì chi phí nhiên liệu và năng lượng cao.

Tháng trước, Nhà Trắng cho biết đang nghiên cứu một vài đề xuất từ các nghị sĩ Đảng Dân chủ. Nhưng khác với châu Âu, Mỹ là cường quốc dầu khí, do đó môi trường chính trị xoay quanh năng lượng rất khác.

Ông Marcus cho rằng các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa không hứng thú  với việc trợ cấp cho người tiêu dùng bởi họ chỉ trích rằng Đảng Dân chủ đã đặt ra quá nhiều quy định cho các nhà sản xuất dầu khí và khiến giá nhiên liệu tăng cao.

Giang