|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao GDP Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tăng trưởng hai chữ số dẫu lạm phát lên đến 80%?

15:44 | 31/07/2022
Chia sẻ
Đến nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục ghi nhận tăng trưởng kinh tế dương nhưng nhiều doanh nghiệp đang phải vật lộn để sống sót.

Một khu chợ ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Getty Images). 

Câu đố hóc búa

Các nhà quan sát ngoại quốc có thể khó tin về sự phát đạt của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ năm 2018, đất nước này đã tập tễnh đi từ cuộc khủng hoảng tiền tệ này đến cuộc khủng hoảng khác. Đồng lira lao dốc. Lạm phát nhảy vọt lên gần 80%. Nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục tiến bước.

Tại những khu vực sầm uất của Istanbul, du khách có thể nhìn thấy dấu hiệu của một siêu thành phố trong một thị trường mới nổi thịnh vượng: Dòng người đi lại nhộn nhịp, cửa hàng đầy ắp hàng hóa, giao thông đông đúc, chật chội.

Sự bền bỉ của nền kinh tế thực tại Thổ Nhĩ Kỳ là một câu đố hóc búa. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nền kinh tế lớn hiếm hoi tăng trưởng dương trong năm 2020. Năm ngoái, GDP nước này tăng 11%. Các số liệu gần đây cho thấy sản lượng công nghiệp tăng 9,1% trong 5 tháng đầu năm 2022.

Trung tâm của bí ẩn là cuộc giằng co giữa hai lực lượng. Một bên là động lực kinh doanh thúc đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tiến lên. Bên còn lại là quy trình hoạch định chính sách thất thường làm tổn hại hoạt động kinh tế. 

Tờ Economist cho biết dưới áp lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì lãi suất thấp trong lúc lạm phát nhảy vọt. Đây là điều đặc biệt thiếu khôn ngoan bởi Thổ Nhĩ Kỳ là nước có tỷ lệ tiết kiệm thấp, cần thu hút vốn ngoại để bù đắp sự thâm hụt của tài khoản vãng lai.

Cho đến nay, động lực kinh doanh đã chiến thắng chính sách kinh tế tồi. Nhưng đằng sau số liệu tăng trưởng là những dấu hiệu cho thấy sự bất ổn của chính sách tiền tệ đang sắp sửa vượt mặt động lực kinh doanh.

Ba kiểu doanh nghiệp

Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ từng có môi trường vĩ mô ổn định. Sau cuộc khủng hoảng năm 2001, ngân hàng trung ương đã được trao thêm quyền lực để khống chế lạm phát. Tỷ lệ lạm phát giảm xuống còn một chữ số. Tăng trưởng GDP cất cánh, năng suất được cải thiện.

Nhưng dần dần, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã bị khuất phục trước áp lực chính trị và bỏ bê mục tiêu lạm phát. Tổng thống Erdogan được thỏa sức phê chuẩn các dự án cơ sở hạ tầng lớn như ý thích. Xây dựng là ngành cực kỳ nhạy cảm với lãi suất, do đó đây có thể là một trong những lý do ông Edorgan kiên quyết giữ lãi suất thấp.

Đến mùa hè năm 2018, ông Erdogan kiên quyết rằng lãi suất cao là nguyên nhân thay vì là thuốc giải cho lạm phát phi mã. Niềm tin này đã khiến dòng vốn ngoại tháo chạy. Giá trị đồng lira bắt đầu tuột dốc. 

Trong những tháng cuối cùng của năm 2021, lãi suất của Thổ Nhĩ Kỳ được giảm thêm 5 điểm % xuống còn 14%. Đồng lira hứng chịu thêm áp lực mới. Lạm phát nhảy vọt từ khoảng 20% lên gần 80%. Nhưng ông Erdogan không hề lay chuyển. Ông gọi những người ngoan cố chỉ ra mối quan hệ giữa lãi suất và lạm phát là “bọn thất học hoặc lũ phản bội”.

 

Giữa sự hỗn loạn này, thật đáng chú ý khi nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tăng trưởng tốt như hiện nay. Công lao chủ yếu thuộc về sức mạnh thương mại của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ có thị trường nội địa lớn bao gồm 85 triệu khách hàng, hầu hết trong số đó còn trẻ.

Từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã là trung tâm giao thương giữa phương đông và phương tây. Văn hóa kinh doanh của nước này có lịch sử lâu đời. Tỷ lệ người mong muốn trở thành doanh nhân ở mức cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ có thể chia làm ba loại. Loại thứ nhất là các công ty lớn, thường là các tập đoàn, tạo ra khoảng 1/4 việc làm của đất nước và một nửa giá trị gia tăng của ngành kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lớn được điều hành một cách cẩn trọng và đa dạng hóa hoạt động ra nhiều ngành và thị trường xuất khẩu. Tóm lại, những doanh nghiệp này có sự bền bỉ nội tại.

Các công ty gia đình tầm trung giỏi nhất có chung đặc điểm là sự nhanh nhẹn. Phẩm chất này được hình thành từ nhiều năm sống chung với bất ổn kinh tế. Các ông chủ đã trở thành chuyên gia trong việc xoay xở với vấn đề tài chính. Doanh nghiệp đã có thời gian để điều chỉnh với đồng nội tệ yếu ớt từ năm 2018. Nhiều công ty giảm các khoản nợ bằng USD.

Các công ty nhỏ hơn xoay xở bằng cách khác. Trong loại này, ranh giới giữa hộ gia đình và doanh nghiệp bị xóa nhòa. Thông thường cách phản ứng với nghịch cảnh là trở nên chăm chỉ hơn, làm việc nhiều giờ hơn.

Nhu cầu mạnh mẽ

Sự chăm chỉ và nhanh nhẹn đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nhưng doanh nghiệp cũng cần nhu cầu. Một trong những bất ngờ lớn về Thổ Nhĩ Kỳ là sức mạnh của chi tiêu tiêu dùng.

Trái với tình cảnh ở Mỹ và châu Âu, ở Thổ Nhĩ Kỳ, lạm phát cao không khiến nhu cầu thui chột. Một trong những giả thuyết là khi người tiêu dùng nhận thấy sự sụp đổ của đồng lira thì họ biết được điều gì sẽ xảy ra với lạm phát tương lai. Vì vậy, họ quyết định chi tiêu sớm để tránh giá tăng sau này.

Các mặt hàng lâu bền như ô tô mới, đồ gia dụng hay xa xỉ phẩm nhập khẩu giữ giá trị tốt hơn lira, dù cho tính thanh khoản của chúng không tốt bằng vàng hay USD. Với lãi suất thực thấp đến vậy thì việc không vay mượn để chi tiêu gần như có thể xem là bất cẩn. 

 

Nhưng tín dụng không phải nhiên liệu duy nhất. Một nhà kinh tế ở Istanbul cho biết dân số trẻ của Thổ Nhĩ Kỳ có khuynh hướng tiêu dùng mạnh tay khi của cải tăng lên. Và các hộ gia đình giàu có để phần lớn gia sản vào tiền gửi bằng ngoại tệ và bất động sản, những loại tài sản duy trì hoặc gia tăng được giá trị.

Nhưng lạm phát tăng tốc tạo ra thách thức lớn cho cả những doanh nghiệp nhanh nhẹn nhất. Một trong số đó là chiến lược định giá. Nếu để giá quá cao, doanh nghiệp mất thị phần. Nhưng nếu để giá quá thấp thì doanh thu có thể không bù đắp được chi phí thay thế. Các quyết định khó khăn nhân lên gấp bội.

Doanh nghiệp phải bảo vệ bản thân trước lạm phát để sống sót. Thông thường, điều này có nghĩa là họ phải đẩy chi phí sang bên khác. Hành động đó tạo ra căng thẳng – giữa chủ nhà và người thuê, giữa cửa hàng và khách hàng, giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp.

Không một doanh nghiệp nào có thể cho khách hàng trì hoãn thanh toán hóa đơn quá lâu. Một nhà đầu tư ở Istabul cho biết: “Thời hạn thanh toán đã giảm từ 3-6 tháng xuống còn 0-3 tháng”.

Doanh nghiệp đang trở nên cảnh giác và hoãn các quyết định đầu tư lớn. Lạm phát phi mã khiến nhiều người phải vật lộn để kiếm sống. Ông Erdogan sẽ đối mặt với các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 6/2023.

Nếu ông Erdogan thất bại, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ quay trở lại chính sách tiền tệ chính thống. Nhưng ông đã thống trị nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ trong hai thập kỷ và ít có khả năng sẽ ra đi một cách lặng lẽ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với nhiều biến động trong những tháng tới, trên cả mặt trận chính trị lẫn kinh tế. 

Giang