|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao lạm phát ở phương Tây cao nhưng nhiều nước phương Đông như Việt Nam và Trung Quốc lại thấp?

10:27 | 22/06/2022
Chia sẻ
Nguyên nhân chính khiến lạm phát ở châu Á tương đối thấp so với Mỹ và châu Âu là hai dịch bệnh: COVID-19 và dịch tả heo châu Phi.

(Ảnh: Telegraph). 

Khi đối mặt với sự giận dữ của công chúng về việc chi phí sinh hoạt leo thang, các nhà hoạch định chính sách thường hay chỉ ra rằng giá cả tăng cao là hiện tượng toàn cầu. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: “Mọi quốc gia trên thế giới đều đang phải cắn một miếng của chiếc bánh lạm phát”.

Đúng là chi phí nhiên liệu, phân bón, ngũ cốc và nhiều loại hàng hóa khác đã đi lên ở khắp mọi nơi sau khi Nga tấn công Ukraine hồi tháng 2. Nhưng mức tăng của lạm phát ở mỗi nơi thì khác nhau.

Trong số 42 nền kinh tế lớn được đưa vào chỉ báo của tờ The Economist, 8 nền kinh tế vẫn có lạm phát dưới 4%. Và 6 trong số 8 nền kinh tế đó nằm ở Đông Á hoặc Đông Nam Á. Khu vực này cũng bao gồm một số nền kinh tế nhỏ hơn có giá cả ổn định, ví dụ như Việt Nam (lạm phát tháng 5 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước) và Macau (lạm phát tháng 4 tăng 1,1%). 

 

Hai điểm khác biệt

Điều gì khiến phương Đông trở nên khác biệt? Một phần nguyên nhân đến từ sự bùng phát của hai dịch bệnh. Theo một số ước tính, đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi từ năm 2018 đến năm 2021 đã tàn phá đàn heo ở Trung Quốc, khiến 200 triệu con heo bị tiêu hủy. Hậu quả là giá thịt heo – một trong những loại thực phẩm chính ở Đông Á – nhảy vọt.

Nhưng sau đó giá cả đã giảm đáng kể. Ví dụ, tại Trung Quốc đại lục, giá thịt heo tháng 5/2022 thấp hơn tới 21% so với một năm trước đó. Điều này giúp bù trừ phần nào áp lực giá của những mặt hàng khác trong nền kinh tế.

Căn bệnh “khắc” lạm phát khác là COVID-19. Nhiều nơi ở châu Á chuyển sang sống chung với virus chậm hơn và ngần ngại hơn phương Tây. Ví dụ, phải đến ngày 22/3, Indonesia mới bỏ hoàn toàn yêu cầu cách ly với khách quốc tế nhập cảnh.

Tại Malaysia, hoạt động du lịch và đi lại mới chỉ khôi phục về bình thường vào đầu tháng 5, tròn một tháng sau khi nước này chính thức bước vào giai đoạn “chuyển sang coi COVID-19 như dịch lưu hành địa phương”, theo chỉ số của Goldman Sachs.

Còn Trung Quốc thì vẫn tiếp tục áp đặt các hạn chế hà khắc tại những nơi có ca nhiễm. Cuộc phong tỏa gần đây tại Thượng Hải và những nơi khác đã làm tổn hại năng lực cung ứng hàng hóa và mong muốn chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Theo lý thuyết, sự gián đoạn kép tới cung và cầu như trên có thể khiến giá đi theo bất cứ hướng nào: lên hoặc xuống. Nhưng thiệt hại tới chi tiêu tiêu dùng có vẻ nghiêm trọng và dai dẳng hơn. Vào tháng 5, doanh số bán lẻ giảm gần 10% so với tháng trước, dẫu sản lượng công nghiệp đi lên 0,7%.

Các hạn chế đối với di chuyển xuyên biên giới có hậu quả tàn khốc đối với kinh tế Hong Kong và Macau. GDP ba tháng đầu năm của Macau bằng chưa tới một nửa quy mô ba tháng đầu năm 2019. Trong hoàn cảnh này, lạm phát 1% của Macau chẳng còn chút ấn tượng nào. Trên thực tế, việc giá cả tăng được trong môi trường này là cả một kỳ tích.

Tại phương Tây, lạm phát tăng cao đã buộc nhiều nhà hoạch định chính sách hóa “diều hâu”. Đơn cử, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) buộc phải tăng lãi suất lên thêm 0,75 điểm % vào ngày 15/6, nhanh hơn dự kiến.

Sự gấp gáp của Fed trong việc chống lạm phát đang phức tạp hóa cuộc chiến của Đông Á với cùng kẻ thù. Lãi suất gia tăng ở Mỹ thu hút dòng vốn toàn cầu, gây áp lực giảm giá lên đồng tiền của các nền kinh tế châu Á.

Hong Kong và Macau buộc phải tăng lãi suất ngay sau Fed một ngày. Malaysia và Đài Loan đã tăng lãi suất từ trước. Dự kiến Indonesia sẽ làm theo vào tháng sau, JPMorgan Chase cho biết.

Malaysia và Indonesia còn thử nghiệm một phương án khác thường hơn để đối phó với áp lực giá: cấm xuất khẩu. Indonesia đã cấm bán dầu cọ sang nước ngoài trong một thời gian ngắn. Malaysia thì vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gà. Mục đích là để dành toàn bộ nguồn cung cho người dân trong nước.

Song, chính sách trên có thể phản tác dụng nếu giá giảm khiến người chăn nuôi cắt giảm sản lượng. Các lệnh cấm xuất khẩu cũng có thể làm khuếch đại lạm phát tại những nước khác trong khu vực. Cụ thể, Singapore phụ thuộc vào nhập khẩu gia cầm từ Malyasia.

Giang