|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hà cớ gì người Mỹ sợ lạm phát đến thế?

16:40 | 19/06/2022
Chia sẻ
Tình hình kinh tế Mỹ hiện nay không đáng sợ bằng những năm 1970, nhưng người dân tại siêu cường số một thế giới vẫn đang run sợ vì lạm phát.

Ai cũng ghét lạm phát

Trong một bài viết năm 1997 thực hiện cho Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ có tiêu đề “Tại sao mọi người không thích lạm phát”, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Robert Shiller và các cộng sự đã phỏng vấn hàng trăm người ở Mỹ, Đức và Brazil.

Mặc dù rất ít người hiểu về thuật ngữ kinh tế đang được đề cập, tất cả đều ghét lạm phát. Ngay cả khi một nhà nghiên cứu nói với một người rằng lạm phát có thể giúp anh ta tăng lương, người này vẫn kiên quyết phản đối.

Theo nghiên cứu của Robert Shiller, lạm phát là thuật ngữ kinh tế được nhắc đến nhiều nhất trong tất cả các phân tích từng được đăng trên cơ sở dữ liệu Nexis, thậm chí xếp trước các khái niệm khác như thất nghiệp, năng suất và nghèo đói.

Sau này, giáo sư N. Gregory Mankiw của Đại học Harvard đã viết một bài đánh giá về dự án của Robert Shiller. Ông Mankiw cho hay: “Tôi ngờ rằng giữa các nhà kinh tế và dân lao động có một khác biệt lớn. Ở một mức độ nào đó, họ đang nói những thứ ngôn ngữ khác nhau”.

Lý giải của giáo sư Mankiw có thể áp dụng cho vấn đề lạm phát. Không mấy dân thường hiểu được chính xác lạm phát là sự suy giảm sức mua của đồng tiền theo thời gian, hay thu nhập danh nghĩa của người lao động không theo kịp đà tăng của giá cả.

Nhiều người cũng không hiểu chính xác các cú sốc về nguồn cung sẽ ảnh hưởng ra sao tới chính sách tiền tệ, nhưng về cơ bản, chúng ta hiểu được rằng bất kỳ thứ gì làm xói món mức sống và nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta đều đáng sợ.

Trên bàn ăn, người dân Mỹ đang lo lắng không thôi về việc giá cả tăng mạnh vì nhiều người chưa từng trải qua sự việc tương tự trong gần 4 thập kỷ qua. Song, không chỉ lạm phát, công chúng Mỹ còn đang bận tâm về nhiều thứ khác.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở California. (Ảnh: Getty Images).

Một chuỗi sự kiện khác đang làm dấy lên lo ngại rằng nền tảng của cuộc sống hiện đại ở Mỹ đang sụp đổ, Bloomberg cho hay.

Đại dịch COVID-19 không có dấu hiệu lắng dịu. Người tiêu dùng thiếu thốn nhiều thứ từ ô tô mới đến sữa bột trẻ em. Các vụ xả súng hàng loạt xảy ra, khiến trường học mất an toàn.

Thị trường tài chính rung lắc dữ dội. Hệ luỵ từ cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt và cựu Tổng thống Donald Trump vẫn đang tiếp tục gieo rắc đồn đoán về tính công bằng của cuộc bầu cử.

Toà án tối cao có thể chấm dứt quyền phá thai của phụ nữ. Và chiến sự ở Ukraine có thể leo thang thành xung đột hạt nhân.

Tất cả những vấn đề trên đã khiến người Mỹ cảm thấy bất an, gợi nhắc họ về “tình trạng bất ổn” từng bao trùm đất nước dưới thời cựu Tổng thống Jimmy Carter - cũng là thời điểm gần nhất lạm phát hoành hành tại Mỹ.

Ông George Loewenstein, giáo sư kinh tế và tâm lý tại Đại học Carnegie Mellon, bình luận: “Giờ đây, tâm lý người dân Mỹ đã bị kích động đến mức khó lường trước. Khi mọi người ở trong trạng thái sợ hãi, họ trở nên lo lắng hơn về mọi thứ”.

“Vì vậy, họ có quyền run sợ về tình trạng của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi của công chúng còn bị khuếch đại bởi tất cả những rủi ro nền tảng khác mà họ đã và đang phải đối mặt”, vị giáo sư giải thích thêm.

Tại sao người Mỹ phản ứng sốc?

Muốn dự đoán kết cục cho cú sốc năm nay, chúng ta có thể thử nhìn lại thời đại Carter để biết thêm manh mối, Bloomberg gợi ý. Tương tự ngày nay, nền kinh tế Mỹ những năm 1970 từng bị rung chuyển bởi cú sốc giá dầu, vòng xoáy giá cả, chia rẽ chủng tộc và các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài.

Tuy nhiên, tình hình năm 2022 lại khác biệt đôi chút. Trong thập niên 1970, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ dao động từ 4,9% đến 8,2%; còn hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp chỉ đạt khoảng 3,6% - thấp hơn hầu hết các tháng trong 20 năm qua.

Mặt khác, tỷ lệ lạm phát gần như tăng gấp ba lần trong những năm 1970 lên hơn 14%, trong khi đà leo thang của giá cả hiện nay kéo dài chưa đến hai năm và đang neo quanh mức 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ từng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong hai năm 1973 và 1979, trong khi năm nay nhiên liệu vẫn còn tương đối nhiều cho những ai sẵn sàng trả trung bình hơn 5 USD/gallon xăng.

 

Tại sao người Mỹ lại hoang mang như vậy? Ông Richard Curtin, người chịu trách nhiệm cho khảo sát về tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan từ năm 1976 đến đầu năm nay, có lời giải thích.

“Phần lớn người tiêu dùng hiện nay không trải qua cảnh lạm phát leo thang trong những năm 1970”, ông Curtin nhấn mạnh. “Hầu hết đều chứng kiến mức lạm phát rất thấp, với một vài đợt tăng giá đột biến nhưng trong thời gian ngắn. Sự thiếu kinh nghiệm này đã khiến phản ứng của họ với lạm phát trở nên bùng nổ”.

Nói cách khác, đối với những người chưa bao giờ thấy trời sập, thì một hạt mưa cũng giống như một cơn lũ, Bloomberg diễn giải.

Vòng tròn luẩn quẩn

“Que diêm” châm ngòi cho nhiều vấn đề hiện tại là đại dịch COVID-19. Nó làm thương mại quốc tế đột ngột đình trệ và siết chặt các chuỗi cung ứng từng cho phép Mỹ nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu thô và hàng hoá công nghiệp từ các công xưởng nước ngoài có chi phí thấp,…

Sau đó, hàng triệu người “rút chân” khỏi lực lượng lao động đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động trên diện rộng. Đó là một lý do khác khiến việc sản xuất hàng hoá không thể nhanh chóng quay trở lại bình thường hoặc quay lại mức giá cũ.

Cuối cùng, Nga tấn công Ukraine, qua đó thổi bùng chi phí năng lượng trên toàn cầu. Mà dầu thô và khí đốt là những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến giá thành của hầu hết hàng hoá và dịch vụ khác. Giá cả tăng cao đột biến bỗng trở thành một chủ đề trên bàn ăn của nhiều người.

Trong bài viết của mình, ông Curtin cho rằng những đợt tăng giá lớn và đột ngột này có thể tác động nguy hiểm đến kỳ vọng của người tiêu dùng. Khi áp lực lạm phát phình to vào những năm 1970, công nhân đã yêu cầu mức lương cao hơn để bù đắp cho sức mua bị mất.

Điều đó buộc doanh nghiệp phải tăng giá hàng hoá và dịch vụ, và người lao động lại đòi mức lương béo bở hơn. Kết quả là, vòng xoáy lương - giá đã làm sụp đổ chính quyền các Tổng thống Ford, Carter và Reagan.

Theo ông Curtin, tình hình giá cả tăng cao trong thời điểm thị trường lao động vẫn còn thắt chặt đang dẫn dắt tâm lý người tiêu dùng đi theo hướng cũ: phải mua hàng trước khi giá trở nên đắt đỏ hơn!

Một khi suy nghĩ như vậy ăn sâu vào kỳ vọng của người tiêu dùng, thật khó để đảo ngược xu hướng đó, ông Curtin nhấn mạnh trong bài viết.

Thật vậy, Chủ tịch Fed Paul Volcker đã phải nâng lãi suất lên mức 21% để phá vỡ vòng luẩn quẩn đó, kết quả là nền kinh tế Mỹ phải chịu trận. Khi suy thoái xảy ra vào năm 1980 -1982, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ chạm mốc 10%.

Những ký ức không vui về thời kỳ cũ là một trong những lý do khiến nhiều chuyên gia Phố Wall cảm thấy lo lắng về động thái tiếp theo của Chủ tịch Fed đương nhiệm Jerome Powell.

Mọi người đều hiểu rằng lãi suất của Mỹ không thể mãi ở mức gần bằng 0%, nhưng việc chính sách tiền tệ lỏng lẻo được duy trì trong thời gian dài khiến nhiều người chưa kịp chuẩn bị để trở về trạng thái bình thường, hoặc thậm chí họ còn không rõ “chính sách tiền tệ bình thường” là gì.

Khả Nhân