|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người tiêu dùng Trung Quốc rơi vào khủng hoảng niềm tin, để lại vết sẹo khó phai lên nền kinh tế

15:33 | 21/06/2022
Chia sẻ
Những cuộc phong tỏa kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp cao và việc thiếu thốn sự giúp đỡ từ chính phủ đã đẩy tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Một công nhân vệ sinh tiến hành khử trùng tại Bến Thượng Hải vào ngày 31/3/2022. (Ảnh: Getty Images). 

 

 

Trong bối cảnh lạm phát tăng đột biến, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống mức kỷ lục. Vậy hãy thử tưởng tượng xem người Trung Quốc nghĩ gì khi phải sống dưới các hạn chế chống dịch nghiêm ngặt trong nhiều tháng trời, bao gồm cả việc phong tỏa một số khu vực lớn?

Hai năm trước, người tiêu dùng Trung Quốc phục hồi nhanh chóng từ đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch COVID-19. Khi đó đại dịch không để lại nhiều chấn thương kinh tế. Chỉ một số khu vực địa lý nhỏ bị ảnh hưởng, và cuộc sống quay trở lại bình thường sau ba tháng.

Lần này, sau hai tháng rưỡi phong tỏa hoàn toàn Thượng Hải, chính phủ Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn để kiểm soát biến chủng Omicron. Gần đây Trung Quốc lại phải tái áp đặt các hạn chế di chuyển ở Bắc Kinh và Thượng Hải.

Dẫu vậy, dường như Trung Quốc không hề có ý định nới lỏng chính sách Zero COVID. Tại các thành phố lớn những tuần gần đây, việc người dân cần kết quả xét nghiệm PCR âm tính để được lên tàu ngầm hay vào cửa hàng đã thành thông lệ.

Mọi người xếp thành các hàng dài trước quầy xét nghiệm. Một số doanh nghiệp nhỏ được phép nối lại hoạt động nhưng đã chọn cách đóng cửa - họ không muốn bị truy cứu trách nhiệm vì để bùng phát dịch bệnh tại địa phương.

 

Khi chính sách kiểm soát COVID ngáng đường nền kinh tế đủ lâu, thị trường việc làm sẽ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. Trong những tháng gần đây, “sa thải” đã trở thành từ khóa thịnh hành trên công cụ tìm kiếm của Baidu. Hồi tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp thành thị tại các thành phố lớn đã leo lên đến 6,9%, mức cao nhất kể từ khi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc bắt đầu khảo sát vào năm 2013.

Giới trẻ cực kỳ lo ngại: Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trong độ tuổi 16-24 đã tăng lên 8,4%. Đối với những sinh viên mới tốt nghiệp đã nhận được lời mời làm việc, lương khởi điểm trung bình là 6.507 nhân dân tệ (tương đương 924 USD) mỗi tháng, thấp hơn 12% so với năm trước, theo trang web tuyển dụng Zhaopin.  

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc cung cấp rất ít hỗ trợ thất nghiệp – và hoàn toàn không hề đề cập đến việc phát tiền trực tiếp cho dân. Bất chấp lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về “thịnh vượng chung”, phúc lợi ở Trung Quốc chưa thực sự được cải thiện.

Hồi đầu năm 2020, khi hơn 70 triệu người Trung Quốc mất việc làm, chỉ 2 triệu người được nhận trợ cấp thất nghiệp. Ngay cả những voucher mua sắm mà các chính quyền địa phương phân bổ - thường là để hỗ trợ ngành điện tử và ô tô địa phương - cũng chỉ có giá trị rất nhỏ, tờ Bloomberg cho biết.

Với triển vọng việc làm nghèo nàn và mạng lưới an sinh xã hội không chắc chắn, người tiêu dùng Trung Quốc hẳn không thể lạc quan về tương lai. Đến lúc Trung Quốc thoát khỏi các lệnh phong tỏa, nỗi đau kinh tế của người tiêu dùng sẽ hình thành sẹo, khiến họ trở nên tằn tiện và ngại rủi ro hơn trước.

Giang

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.