|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

‘Thành phố phép màu' Thâm Quyến gặp rắc rối, báo hiệu nền kinh tế Trung Quốc lâm nguy

11:50 | 13/06/2022
Chia sẻ
Thâm Quyến, một trong những thành phố năng động nhất Trung Quốc, đang điêu đứng vì một loạt khó khăn trong và ngoài nước, từ COVID-19 đến căng thẳng Mỹ-Trung. Khó khăn của Thâm Quyến có thể báo hiệu kinh tế Trung Quốc đang suy yếu nghiêm trọng.

Chỗ ở của công nhân cảng ở khu Shekou của Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 11/6/2022. (Ảnh: Reuters). 

"Chim hoàng yên trong mỏ than"

 Năm 1997, chàng thanh niên David Fong đi từ làng quê nghèo khó ở miền trung Trung Quốc đến Thâm Quyến để lập nghiệp. Sau 25 năm, anh thành ông chủ một công ty triệu USD sản xuất đủ loại mặt hàng, từ cặp sách đến bàn chải. Nhưng sau hai năm vật lộn với các lệnh phong tỏa COVID, vị doanh nhân này đang phải lo ngại về sự tồn vong của công ty mình. 

Câu chuyện đời thăng trầm của Fong, từ lúc “có bột mà gột nên hồ” đến khi bị đe dọa bởi sự sụt giảm của nền kinh tế vì dịch bệnh, phản ánh tình trạng chung của Thâm Quyến.

Thâm Quyến được thành lập năm 1979 trong làn sóng cải cách kinh tế đầu tiên của Trung Quốc. Từ một tập hợp các ngôi làng nông nghiệp, thành phố đã chuyển mình thành cảng biển quan trọng tầm cỡ thế giới, là quê hương của một số công ty hàng đầu Trung Quốc trong ngành công nghệ, tài chính, bất động sản và sản xuất.

Trong 4 thập kỷ qua, Thâm Quyến chưa khi nào ghi nhận tăng trưởng kinh tế hàng năm dưới 20%. Tháng 10 năm ngoái, Oxford Economics còn dự đoán Thâm Quyến sẽ trở thành thành phố tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2020-2022.

Nhưng Thâm Quyến đã để mất danh hiệu đó vào tay San Jose ở Mỹ. Quý I năm nay, tốc độ tăng trưởng của thành phố chỉ đạt 2%. Thâm Quyến vẫn là nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Trung Quốc, nhưng các đơn hàng quốc tế từ thành phố này giảm gần 14% trong tháng 3. Vấn đề bắt nguồn từ tình trạng tắc nghẽn tại cảng biển do các lệnh phong tỏa.

Theo tờ Reuters, từ lâu Thâm Quyến đã được coi là một trong những thành phố năng động và tốt nhất cho doanh nghiệp ở Trung Quốc và là biểu tượng của công cuộc cải cách kinh tế. Chủ tịch Tập Cận Bình gọi Thâm Quyến là thành phố “phép màu” khi ông đến thăm nơi này năm 2019.

Rắc rối của Thâm Quyến là dấu hiệu cảnh báo cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ông Richard Holt, Giám đốc nghiên cứu đô thị toàn cầu tại Oxford Economics nói rằng thành phố này là “chim hoàng yến trong mỏ than”, giúp báo hiệu sớm điều nguy hiểm đang đến gần. Các thành viên trong nhóm ông đang quan sát chặt chẽ Thâm Quyến.  

Mất sức hấp dẫn

Thâm Quyến đã phải hứng chịu hàng loạt những cú sốc từ trong và ngoài nước. Hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn ở thành phố là Huawei và ZTE bị đưa vào danh sách đen của Mỹ. Huawei vẫn phủ nhận mọi sai phạm còn ZTE vừa kết thúc thời hạn thử thách 5 năm hồi đầu năm nay sau khi nhận tội.

Một trong những công ty lớn khác đặt trụ sở tại Thâm Quyến là Evergrande. Năm ngoái, nguy cơ sụp đổ của Evergrande đã làm dấy lên lo ngại rằng hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Tiếp đó, Ping An Insurance, công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc, chịu lỗ nặng nề vì các khoản đầu tư bất động sản.

Không những thế, Thâm Quyến bị phong tỏa một tuần trong tháng 3 để ngăn COVID-19 lây lan. Cuộc phong tỏa tại thành phố và những khu vực khác của Trung Quốc làm suy giảm nhu cầu nội địa đối với hàng hóa sản xuất tại Thâm Quyến. Tốc độ tăng trưởng 2% trong quý I của Thâm Quyến chưa bằng một nửa tăng trưởng chung của cả nước là 4,8%.

Số đơn đăng ký kinh doanh giảm gần 1/3 trong ba tháng đầu năm. Các quan chức thành phố vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay, nhưng sự giảm tốc đã làm dấy lên báo động ở khu vực kinh tế tư nhân.   

Ông Song Ding, Giám đốc tại Viện Phát triển Trung Quốc, viết trong bài luận tháng 5: “Nền kinh tế của Thâm Quyến đang chững lại, thụt lùi và trì trệ, trong khi một số người đang nghi ngờ liệu Thâm Quyến có đủ động lực hay không”.

Reuters cho biết trong những cuộc trò chuyện riêng tử, các quan chức Thâm Quyến đã bí mật thừa nhận rằng việc duy trì “phép màu” của thành phố ngày càng khó khăn.

“Đến lúc rời đi”

Việc hủy bỏ hầu hết các chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc, đóng cửa biên giới nội địa với Hong Kong và cảng biển bị tắc nghẽn bởi các cuộc phong tỏa đã khiến Thâm Quyến trở thành nơi khó làm ăn. Các kế hoạch của Trung Quốc về Khu vực Vịnh Lớn – kết nối Thâm Quyến, Hong Kong, Macau và một số thành phố đại lục – có vẻ đã bị đình trệ.

Ông Klaus Zenkel, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại khu vực phía Nam Trung Quốc cho biết: “Thâm Quyến đang mất đi sức hấp dẫn, và giới chức cần nhận ra điều này. Chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng họ cần cân bằng giữa các hạn chế phòng dịch và tăng trưởng kinh tế, tìm ra cách để tiêu thêm tiền cho Khu vực Vịnh lớn và các khu vực thương mại bị đóng băng”.

Các doanh nhân ngoại quốc từng đổ xô đến Thâm Quyến để đặt hàng sản phẩm theo thiết kế không còn thường xuyên đến thăm các nhà máy và chợ điện tử lớn nhất thế giới ở thành phố nữa. Kết quả là hàng chục quán ăn và quầy bar phải đóng cửa hoặc tìm cách thích nghi với khẩu vị của dân địa phương.

Sự giảm tốc của nền kinh tế địa phương đang khiến cho hành trình tìm việc của các cử nhân trở nên gian nan. Thâm Quyến từng là trung tâm kinh doanh kết hợp giữa sản xuất, công nghệ và tài chính, thu hút các cử nhân tài năng và tham vọng trên khắp đất nước.

Tình hình của giới lao động nhập cư thu nhập thấp còn vất vả hơn. Những lao động này đang phải vật lộn để trang trải chi phí sinh hoạt leo thang và không có khả năng mua nhà ở tại thị trường bất động sản đắt đỏ bậc nhất Trung Quốc.

Cô Xue Juan 44 tuổi, làm nghề xoa bóp tại Thâm Quyến kể rằng gần đây một người bạn đã quay về quê nhà nhỏ ở tỉnh Thành Đô và mở quán lẩu. Cô đang tính về quê cùng bạn mình. Cô chia sẻ: “Ngay cả đồ ăn và thức uống cũng đang trở nên quá đắt đỏ, công việc thì nặng nhọc, còn tiêu chuẩn sống tại những nơi khác cũng đã được cải thiện rất nhiều. Có lẽ đã đến lúc tôi phải đi khỏi Thâm Quyến”.

Giang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.