|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tham vọng toàn cầu của Trung Quốc bị đe dọa bởi kinh tế giảm tốc và COVID-19

17:03 | 07/06/2022
Chia sẻ
Lời cảnh báo của Thủ tướng Lý Khắc Cường về các thách thức kinh tế cho thấy Trung Quốc có thể sẽ phải tập trung nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng trong nước, giảm đầu tư sang nước ngoài. Nguy cơ kinh tế suy yếu cũng có thể khiến sức mạnh ngoại giao của Trung Quốc giảm sút.

(Hình minh họa: WA Today). 

Giảm quy mô đầu tư

Gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cảnh báo rằng nền kinh tế lớn thứ hai thứ giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do các biện pháp kiểm soát COVID-19. Bình luận của ông làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang đối mặt với đợt sụt giảm kinh tế sâu rộng nhất trong nhiều thập kỷ, hay thậm chí là suy thoái.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể cần phải nghĩ lại về cách tiếp cận đối với phương Tây và giảm bớt tham vọng toàn cầu. Họ cảnh báo rằng các lực cản kinh tế có thể tác động xấu đến khả năng cạnh tranh của Trung Quốc với Mỹ và gia tăng căng thẳng lên dự án đầu tư xuyên lục địa của Bắc Kinh là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Song, trong tuần vừa rồi, các quan chức cấp cao của Trung Quốc vẫn giữ thái độ bình tĩnh, cố gắng hạ thấp những nỗi lo trên và lặp lại cam kết phát triển các quốc gia.

Ngoại trưởng Vương nghị dùng chuyến công du Nam Thái Bình Dương để mô tả khu vực này là “phần mở rộng về phía nam” của BRI. Ông cũng nói các quốc đảo trong khu vực là “đối tác kinh tế và thương mại quan trọng” đối với Trung Quốc.

Trong cuộc điện đàm với nguyên thủ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Zambia tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng hứa hẹn sẽ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát đại dịch, thương mại và đầu tư theo dự án BRI. Sáng kiến này là dự án đối ngoại do ông Tập chủ trương.

Nhưng ông Gu Su, nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh, nói rằng lời cảnh báo của Thủ tướng Lý trong cuộc họp khẩn với quan chức toàn quốc tháng trước có tầm quan trọng lớn, không thể bị coi thường. Hậu quả kinh tế từ đại dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài.

Ông Gu nhấn mạnh: “Rất hiếm khi một nhà lãnh đạo của Trung Quốc thừa nhận sự thật khó chịu về nền kinh tế trước hàng nghìn quan chức. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ phát triển tĩnh, với GDP quý II ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tăng trưởng kinh tế giảm sút chắc chắn sẽ có tác động lớn lên chính sách đối ngoại”.

Thủ tướng Lý nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang ở “một điểm bước ngoặt”, và xét trên một số mức độ còn “tồi tệ hơn cả” giai đoạn đầu của đại dịch năm 2020. Ông kêu gọi các quan chức dốc toàn lực để ổn định kinh tế và duy trì tăng trưởng.

Tuy Trung Quốc dã dỡ bỏ một số hạn chế chống dịch nghiêm ngặt nhất nhưng chính sách “Zero COVID” đã tàn phá nền kinh tế và làm tổn thương niềm tin của quốc tế vào sự lãnh đạo của nước này. Nhiều nhà kinh tế dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng âm trong quý II, sau khi ghi nhận mức tăng 4,8% trong quý trước đó.

Ông Gu nhận xét: “Thủ tướng Lý đã thể hiện rõ rằng ưu tiên của Bắc Kinh là cứu nền kinh tế ốm yếu và giảm thiểu lo ngại về chính sách Zero COVID. Ông không nhắc gì đến BRI, nhưng rõ rằng nguồn lực hữu hạn chủ yếu sẽ được dùng để vực dậy nền kinh tế trong nước”.

Ông George Magnus, nhà nghiên cứu liên kết với Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford nhận định sự giảm tốc của nền kinh tế sẽ khiến Trung Quốc khó lòng thể hiện sự khác biệt của mình với Mỹ. Ông cũng tiết lộ dự đoán rằng Mỹ sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn Trung Quốc trong năm nay.

Ông nói: “Tôi không chắc liệu việc nền kinh tế suy yếu có tạo ra tác động lớn đến sáng kiến BRI hay không. Bởi dẫu sao tài trợ trực tiếp dành cho chiến lược này cũng đang trên đà giảm, khi các chủ nợ Trung Quốc gặp trục trặc và ngày càng nhiều người vay trong dự án gặp khó khăn với việc trả nợ.

Nhìn chung, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc – cơ sở để Bắc Kinh phô diễn quyền lực – phải lùi một bước trong năm 2022. Tình hình trong thập kỷ kế tiếp cũng sẽ tương tự”.

Ông Philippe Le Corre, thành viên của chương trình châu Âu và châu Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cũng tin rằng nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ thu hẹp các khoản đầu tư trong những năm tới.

“Thay vì có phạm vi ‘toàn cầu’,  BRI đã trở thành chiến lược nhắm mục tiêu vào một số khu vực trên thế giới. Tại những nơi này, Trung Quốc không phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ phương Tây, ví dụ như ở Mỹ Latinh, châu Phi, Nam Á và Trung Á. Các dự án vẫn đang được thực hiện ở nhiều nơi nhưng chúng thấp hơn nhiều con số công bố chính thức là 14.000 dự án”.  

Theo ông Le Corre, chiến sự tại Ukraine cũng khiến các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc ngần ngại tiến vào những quốc gia mà Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt chống lại Nga và Belarus. Ông nói thêm: “Tôi nghĩ Vành đai và Con đường vẫn là chính sách lớn của Trung Quốc. Nhưng tôi không kỳ vọng trong tương lai gần chính sách này sẽ có sự phát triển mới”.

Khó tin tưởng 

Ông Pang Zhongying, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Hải Dương Trung Quốc, nhận định mâu thuẫn địa chính trị Mỹ - Trung và sự tách rời của hai siêu cường kinh tế khiến các nước khác khó tin tưởng lời hứa của Bắc Kinh rằng các khoản đầu tư của nước này không kèm theo bất kỳ ràng buộc nào.

Ông nói tiếp: “Ngoài sự chia rẽ giữa Bắc Kinh và phương Tây về chiến sự Nga - Ukraine, cách phản ứng quá mạnh tay của Trung Quốc với COVID-19 và hậu quả kinh tế cũng làm dấy lên câu hỏi. Nhiều nước nghi ngờ về độ uy tín của Bắc Kinh và tính bền vững của các dự án thuộc sáng kiến BRI”.

Liên quan tới các thách thức trong và ngoài nước của Trung Quốc, nhà khoa học chính trị Gu Su của Đại học Nam Kinh cho rằng Bắc Kinh nên ưu tiên xây dựng một môi trường quốc tế ít đối nghịch. 

Ông nói: “Ngoài việc tung ra các biện pháp kích thích, chìa khóa để tránh khủng hoảng kinh tế là ngăn chặn sự tháo chạy của dòng vốn và doanh nghiệp ngoại. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng, nhưng Bắc Kinh phải cho thấy khả năng kiềm chế các nhà ngoại giao phong cách Chiến Lang và xoa dịu căng thẳng với các cường quốc phương Tây trước khi quá trễ”.

Theo ông Gu, những ngày gần đây các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh, bao gồm cả Ngoại trưởng Vương Nghị, đã giảm bớt giọng điệu đối địch với Mỹ. Sự kiềm chế này thể hiện nỗ lực chung nhằm giải cứu nền kinh tế Trung Quốc.

Giang