Hai biểu đồ thể hiện trạng thái chuỗi cung ứng toàn cầu khi Trung Quốc nới phong tỏa
Một công cụ theo dõi của CNBC về tình hình chuỗi cung ứng của Trung Quốc cho thấy vài điểm nóng đã và đang trì hoãn dòng chảy thương mại trong những ngày gần đây, sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nới lỏng phong tỏa.
Các hạn chế áp dụng cho xe tải và di chuyển liên thành phố ở Trung Quốc đang tiếp tục cản đường hoạt động sản xuất và logistics. Sự sụt giảm của hàng hóa thành phẩm được phản ánh qua sự đi xuống của lượng hàng xuất khẩu rời Thượng Hải đến Mỹ. Phải đến sớm nhất là vào giữa tháng 6, Thượng Hải mới được mở cửa hoàn toàn.
Để bù đắp thời gian, các hãng vận tải biển đang tăng cường hủy chuyến hoặc bỏ qua một vài cảng trong lộ trình. Nhưng độ tin cậy của lịch trình vẫn không được cải thiện.
Theo nền tảng Sea-Intelligence, trung bình các tàu hàng vẫn chậm trễ 7 ngày so với dự kiến. Điều này tạo ra bất ổn khó lường, khiến các nhà quản lý logistics càng khó lên kế hoạch trước. Hãng tư vấn Crane Worldwide Logistics đang khuyên khách hàng gửi thông báo trước 3 đến 4 tuần để đặt chỗ trên tàu.
Ông Peter Sand, nhà phân tích chính tại nền tảng Xeneta cho biết: “Vị trí các điểm tắc nghẽn liên tục thay đổi dựa trên cách các nhà nhập khẩu Mỹ thực hiện để giải quyết vấn đề đàm phán lao động ở các cảng tại Bờ Tây.
Điều này đã dẫn đến việc các cảng ở Bờ Đông của Mỹ phải tiếp nhận lượng hàng nhập khẩu cao kỷ lục và các cơ sở bị tắc nghẽn. Tuy giá cước giao ngay đã đi xuống nhưng chúng vẫn ở mức cao trong lịch sử. Giá hợp đồng dài hạn nhảy vọt, tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Ông Andreas Braun, Giám đốc phụ trách các sản phẩm vận tải đường biển khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Crane Worldwide Logistics nói với CNBC rằng các doanh nghiệp châu Âu đang thiếu container rỗng cho xuất khẩu. Ngoài ra còn có nỗi lo về cuộc đình công tại cảng Hamburg, cảng biển lớn nhất của Đức tính theo khối lượng hàng hóa.
Ông cho biết: “Nguy cơ về một cuộc đình công đang làm chậm hoạt động ở cảng. Tàu thuyền đang chờ ở vịnh để dỡ hàng tại Hamburg. Sự phối hợp giữa các nhà khai thác cảng xếp dỡ và vận tải đa phương thức ngày càng kém đi, và chúng tôi dự kiến tình hình tại các cảng ở Đức sẽ còn trầm trọng hơn trong thời gian tới”.
Ông Braun cảnh báo tình trạng tắc nghẽn sẽ càng tồi tệ hơn và số container sẵn có sẽ ngày càng giảm sút một khi các đơn hàng tồn ở Trung Quốc được thông quan.
Dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt cũng đang bị gián đoạn. Cảng Hamburg cảnh báo: “Hoạt động của ngành đường sắt sẽ tiếp tục bị hạn chế cho đến khi có thông báo mới”.
Cảng New York và New Jersey dự đoán lượng tàu thuyền cập cảng sẽ “tăng dựng đứng” bắt đầu từ 6 đến 8 tuần sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
Bà Bethann Rooney, Giám đốc cảng cho biết: “Các container nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 29,6% tổng lượng hàng nhập khẩu của chúng tôi. Nhưng con số này vẫn chẳng thấm vào đâu so với tỷ trọng hàng Trung Quốc cập cảng Los Angeles và Long Beach, vốn cao hơn hai lần so với tại cặp cảng New York - New Jersey.
Chúng tôi sẽ phải dốc sức giải phóng lượng container rỗng và hàng nhập khẩu đã nằm lâu tại cảng trong vài tuần tới. Nếu không, sự gia tăng đột biến các container từ Trung Quốc sẽ khó mà được xử lý”.