|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chính sách Zero COVID của Trung Quốc sẽ ra sao sau đợt phong tỏa Thượng Hải?

07:31 | 10/06/2022
Chia sẻ
Mặc dù đã có những thay đổi nhỏ, chính sách Zero COVID mới dựa trên xét nghiệm PCR diện rộng của Trung Quốc không bền vững cả về mặt y tế lẫn tài chính.

Theo SCMP, vài ngày sau khi Thượng Hải dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài hai tháng, thành phố nhanh chóng chuyển sang trạng thái cảnh giác cao sau hàng loạt ca COVID trong cộng đồng.

Nhằm ngăn chặn một đợt phong tỏa mới, trung tâm tài chính Trung Quốc đang trông đợi vào những đợt xét nghiệm thường xuyên, hệ thống theo dõi tiếp xúc dựa trên công nghệ giám sát và dữ liệu lớn. Biện pháp kiểm soát dịch trên diện rộng trước đây được thay bằng các đợt phong tỏa nhanh chóng và cục bộ khi ghi nhận ca nhiễm.

Trung Qốc đã có những thay đổi nhỏ đối với chính sách phòng dịch, với mục tiêu hiện tại là tìm ra những trường hợp nhiễm, người liên hệ gần gũi, và cách ly càng sớm càng tốt để duy trì Zero COVID trong các khu vực không cách ly.

Các nhà chức trách Trung Quốc gọi chiến lược mới là “Zero COVID cấp cộng đồng”. Cách tiếp cận này dường như đã giúp Bắc Kinh tránh được tình phong tỏa toàn thành phố cũng như cho phép Thượng Hải mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc phụ thuộc vào xét nghiệm hàng loạt để hạn chế lây lan COVID là không bền vững, cả về mặt dịch tễ học lẫn tài chính. Chính sách này có thể làm chuyển hướng các nguồn lực khỏi các chiến lược dài hạn của Bắc Kinh.

Xét nghiệm không hồi kết

Số ca nhiễm tại Trung Quốc đã liên tục giảm kể từ giữa tháng 4.

Mặc dù cư dân Thượng Hải có cảm giác hưng phấn và nhẹ nhõm khi họ thoát khỏi cảnh phong tỏa vào ngày 1/6, COVID vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.

Các chốt kiểm tra được thiết lập trên khắp thành phố, nơi người dân phải xếp hàng để xét nghiệm PCR cách ngày. Và một kết quả dương tính có nghĩa là toàn bộ khu dân cư sẽ bị phong tỏa.

Sau khi ba ca nhiễm trong cộng đồng được phát hiện vào đầu tuần này, chính quyền Thượng Hải đã cảnh báo người dân nên cảnh giác hoặc có nguy cơ tiếp tục phong tỏa.

Một đoạn video được đăng tải bởi cổng thông tin 163.com ngày 6/6 cho thấy một khu dân cư ở Thượng Hải đang bị phong tỏa bởi hàng rào cao, chỉ 4 ngày sau khi chúng được dỡ bỏ, do một trường hợp dương tính được xác định.

Một nhân viên giao hàng cho một người đàn ông bên trong một khu dân cư bị cách ly ở Thượng Hải, vài ngày sau khi lệnh phong tỏa trên toàn thành phố được dỡ bỏ. (Ảnh: Reuters).

Ông Chen Xi, phó giáo sư của Trường Y tế Công cộng Yale, cho biết chiến lược này có thể ngăn chặn virus trong một thời gian nhưng hầu như không bền vững. Ông nói: “Việc câu giờ có thể có tác dụng trong ngắn hạn nhằm thu hẹp khoảng cách miễn dịch đối với dân số lớn tuổi Trung Quốc, cải thiện cơ sở hạ tầng y tế thiếu nhân lực…”

“Tuy nhiên, khi COVID lây lan ngày càng nhanh, không có triệu chứng, và các biến thể mới tiếp tục xuất hiện, sẽ rất rủi ro nếu dựa vào việc xét nghiệm hàng loạt và thường xuyên để bắt kịp và ngăn chặn quá trình lây lan”, vị phó giáo sư nói tiếp.

Ông Zhang Zuofeng, chủ nhiệm khoa dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Fielding của Đại học California, cho rằng không thể dựa vào xét nghiệm PCR để phát hiện các trường hợp mắc mới đủ nhanh để ngăn chặn các đợt bùng phát tiếp theo.

Ông lập luận: “Việc sử dụng xét nghiệm PCR để xác định các trường hợp ban đầu nhằm ngăn chặn lây nhiễm Omicron là gần như không thể. Xét nghiệm PCR có độ trễ lớn và chậm hơn so với tốc độ lây nhiễm của Omicron”.

“Ngoài ra, việc dựa vào xét nghiệm PCR cho Zero COVID không hiệu quả. Khi khối lượng xét nghiệm lớn, số trường hợp âm tính giả cũng sẽ tăng lên”, ông giải thích.

Ông Zhang cho biết gần như có thể đạt được kết quả tương tự với các xét nghiệm kháng thể nhanh. Ông khuyến nghị Trung Quốc nên để dành PCR cho nhân viên thiết yếu, nhân viên y tế, những người có các triệu chứng về hô hấp hoặc có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính.

Không bền vững về tài chính

Ông Huang Yanzhong, chuyên gia cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, trích dẫn một báo cáo từ Soochow Securities cho biết xét nghiệm PCR thường xuyên tại những thành phố lớn của Trung Quốc không bền vững về mặt tài chính.

Theo ước tính của nhà phân tích vĩ mô Tao Chuan thuộc Soochow Securities, xét nghiệm hàng loạt trong năm đối với khoảng 505 triệu cư dân của các thành phố cấp một và cấp hai tại Trung Quốc có thể tiêu tốn 1.700 tỷ nhân dân tệ (tương đương 257 tỷ USD). Con khổng lồ này tương đương khoảng 1,5% GDP năm 2021 của Trung Quốc, hoặc khoảng 8,7% doanh thu tài chính công.

Bắc Kinh đã chi 2.330 tỷ nhân dân tệ (khoảng 300 tỷ USD) cho chăm sóc y tế cơ bản từ chương trình bảo hiểm y tế vào năm 2019. Trong khi đó, nước này dành 1.450 tỷ nhân dân tệ (230 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng của mình trong năm 2022.

Ông Huang cho biết chi phí tăng có thể là nguyên nhân khiến cho thành phố Bắc Kinh yêu cầu chính quyền địa phương ngừng sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để trang trải cho các xét nghiệm PCR thường xuyên.

Theo báo cáo của cổng thông tin trực tuyến The Paper, Thượng Hải đã chi 120 triệu nhân dân tệ (khoảng 18 triệu USD) từ quỹ bảo hiểm y tế cho đến tháng 8/2021 cho các xét nghiệm PCR và kháng nguyên.

Việc chuyển gánh nặng chi phí từ quỹ bảo hiểm sang chính quyền địa phương có thể ảnh hưởng đến chất lượng của bộ xét nghiệm. Chính quyền địa phương thường siết chặt chi phí từ các nhà cung cấp để bảo vệ ngân khố.

Vào cuối tháng 5, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã phải nói chuyện với tất cả các nhà cung ứng bộ xét nghiệm PCR sau khi phát hiện ra trường hợp pha loãng mẫu để tiết kiệm chi phí.

Theo các nhà phân tích, trớ trêu là do chính phủ đổ các nguồn lực vào xét nghiệm PCR, tỷ lệ tiêm chủng của chính phủ Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng. Bắc Kinh cần xây dựng chiến lược rút lui bằng cách tăng cường cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe và các chương trình tiêm chủng, cũng như đẩy nhanh việc phát triển và phê duyệt vắc xin. 

Đến đầu tháng 6, hơn 218 triệu người từ 60 tuổi trở lên tương đương gần 83% dân số cao tuổi đã được tiêm hai mũi và 169 triệu trong số đó đã được tiêm liều thứ ba, theo tờ Xinhua.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

Data Talk tháng 10: 'Xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa năm nay tăng trưởng tốt hơn cả FDI'
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng tới 73% trong xuất khẩu nhưng đáng mừng là năm nay, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nước lại cao hơn hẳn FDI, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.