|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cửa sáng cho kinh tế toàn cầu: Lạm phát có thể đã đạt đỉnh, bằng chứng là ba chỉ số này

08:10 | 07/06/2022
Chia sẻ
Ba trong số các yếu tố chính từ phía cung, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát nghiêm trọng như hiện nay, đang có dấu hiệu dịu lại. Điều này đồng nghĩa rằng áp lực giá cả đối với người tiêu dùng toàn cầu có thể sẽ giảm bớt.

Một số dấu hiệu từ phía cung cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh. (Ảnh minh họa: DNY59).

Theo đưa tin từ Bloomberg, ba trong số các yếu tố chủ chốt từ đầu cung - vốn là nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao kỷ lục như hiện nay, đã đảo chiều. Điều đó chứng tỏ áp lực giá đối với khách mua sắm trên toàn thế giới có thể sắp dịu bớt.

Cụ thể, giá bán dẫn - thước đo chi phí của nhiều sản phẩm điện tử thành phẩm như máy tính xách tính, máy rửa bát, bóng đèn LED và thiết bị y tế phân phối trên toàn cầu, đã giảm một nửa so với mức đỉnh tháng 7/2018 và mất 14% so với giữa năm ngoái.

Giá cước vận tải giao ngay của một container chở hàng cũng hạ nhiệt khoảng 26% so với mức cao nhất mọi thời đại xác lập trên thị trường vào tháng 9 năm ngoái, theo dữ liệu của hãng tư vấn hàng hải Drewry.

Cước vận tải là thang đo để doanh nghiệp và người tiêu dùng dự đoán xem chi phí của các lô hàng may mặc tại Chicago, hàng xa xí phẩm ở Singapore hay đồ nội thất ở châu Âu sẽ có mức giá ra sao. 

 

Mặt khác, giá phân bón ở Bắc Mỹ - một chỉ số liên quan tới mức độ lạm phát lương thực toàn cầu, hiện thấp hơn 24% so với mức cao kỷ lục vào tháng 3. Qua giá phân bón, chúng ta có thể đoán được giá cà chua ở London hoặc giá hành bán ở chợ Johannesburg (Nam Phi).

Trong bối cảnh lạm phát đã vượt mức 8% tại khu vực đồng euro và dự kiến sẽ duy trì ở ngưỡng cao tương tự tại Mỹ cũng như châu Á khi dữ liệu tháng 5 được công bố, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang ra sức khống chế áp lực giá cả.

 

Ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách đang tăng lãi suất, nhiều nhà kinh tế vẫn giữ vững quan điểm rằng lạm phát có lẽ đã đạt đỉnh, mặc dù sẽ có độ trễ nhất định trước khi việc giá nguyên liệu thô hạ nhiệt tác động đến giá hàng hóa tiêu dùng.

Dù chỉ một số ít chuyên gia dự báo rằng giá cả sẽ sớm quay lại mức trước đại dịch, những gã khổng lồ ngành bán lẻ toàn cầu như Walmart hiện đang phải vật lộn để giải phóng lượng hàng tồn kho đến các khách hàng kém nhiệt tình hơn trước.

Vì vậy, một sự điều chỉnh đối với những áp lực từ phía cung này sẽ cho phép các ngân hàng trung ương làm chậm chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của họ, Bloomberg nhận định.

Ông Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á tại ngân hàng ANZ, bình luận: “Trong khi lạm phát ở một số khu vực vẫn chưa đạt đến đỉnh, thì có ít nhất một số dấu hiệu cho thấy chúng ta đang đến gần một điểm bước ngoặt, lạm phát thường niên đang bắt đầu hạ nhiệt”.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào cuối năm 2021 và đang bắt đầu điều chỉnh giảm. Các nhà kinh tế dự đoán, PPI tháng 5 sẽ tăng khoảng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm đáng kể so với mức 8% của tháng 4.

Ông Goh nói đây là một diễn biến đầy hứa hẹn để kéo lạm phát hàng hóa nhập khẩu trên toàn thế giới đi xuống. Ngoài ra, cước vận tải biển thấp hơn và thời vận chuyển được rút ngắn cũng cho thấy các nút thắt trong chuỗi cung ứng đang được nới lỏng, giúp giảm áp lực giá vào cuối năm nay.

Yên Khê

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.