|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát toàn cầu thực chất đã sắp đạt đỉnh, các NHTW đang đi lầm đường?

15:48 | 06/06/2022
Chia sẻ
Nhiều nhà kinh tế tin rằng các ngân hàng trung ương có thể mắc sai lầm khi tăng lãi suất quá mạnh, ngay cả khi lạm phát đã có dấu hiệu đạt đỉnh.

Khách hàng tại một cửa hàng tạp hóa tại California. (Ảnh: Bloomberg).

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và nhiều chuyên gia khác từng dự đoán đà tăng của giá cả sẽ không kéo dài lâu, mà chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát vẫn đang phá vỡ kỷ lục trên toàn thế giới, về cơ bản lập luận đó đã suy yếu.

Song, vẫn còn nhiều nhà kinh tế tin rằng cú sốc giá cả sẽ sớm tan biến, khi tình trạng tắc nghẽn nguồn cung giảm bớt và chi phí năng lượng ổn định. Một số còn cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương (NHTW) có thể mắc sai lầm khi tăng lãi suất quá mạnh ngay cả khi lạm phát đã có dấu hiệu đạt đỉnh.

Hiện giờ, lạm phát tại khu vực đồng euro đã vượt mức 8% và dự kiến cũng sẽ duy trì trên ngưỡng này tại Mỹ khi dữ liệu tháng 5 được công bố. Giữa lúc đó, một số chuyên gia vẫn một mực tin rằng áp lực giá cả sắp đảo chiều. Bloomberg đã tổng hợp lập luận của nhóm này, cụ thể như sau:

Thắt chặt chính sách quá tay

Các NHTW cho rằng họ có thể tăng lãi suất với tốc độ phù hợp và thành công “hạ cánh mềm” nền kinh tế. Tuy nhiên, những người hoài nghi cảnh báo rằng các NHTW có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái khi thắt chặt chính sách quá tay, khiến lạm phát vượt ngưỡng mục tiêu một lần nữa.

Lịch sử cho thấy rủi ro là rất lớn. Năm 2006, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tăng lãi suất và phải rút lại động thái này vào năm 2008. Năm 2011, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tiến hành tăng lãi suất, nhưng phải bất ngờ đảo ngược quyết định trong cùng năm.

 

Hàng hóa dư thừa

Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã thúc đẩy các nhà bán lẻ tích trữ hàng hóa để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng dường như đang ngày càng thận trọng khi lãi suất tăng, tồn kho hàng hóa của doanh nghiệp bán lẻ có thể trở nên dư thừa, từ đó tạo ra áp lực giảm giá đối với các nhóm hàng tiêu dùng.

Giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp thuộc nhóm tiêu dùng trong chỉ số S&P đã tăng 44,8 tỷ USD, tương đương mức tăng 26%. Các nhà kinh tế tại Morgan Stanley cảnh báo rằng nguy cơ dư thừa hàng tồn kho đang lớn dần, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hàng tiêu dùng tùy ý và hàng công nghệ.

Giá nhà ở hạ nhiệt

Trong đại dịch, giá nhà ở tại nhiều nước đã tăng chóng mặt, một phần nhờ các NHTW hạ lãi suất xuống mức thấp lịch sử và bơm tiền vào nền kinh tế thông qua biện pháp nới lỏng định lượng.

Mặc dù giá nhà không phải lúc nào cũng được tính vào thước đo lạm phát, nhưng chi phí thuê nhà thì có và cả hai thường phản ánh cùng một xu hướng. Khi lạm phát đi lên vào năm ngoái, chi phí đi vay bắt đầu tăng lên để chế ngự áp lực giá cả. Hiện đã có một số dấu hiệu cho thấy giá nhà ở đang hạ nhiệt.

 

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tốc độ tăng trưởng giá nhà thực tế trên toàn cầu trong quý IV năm ngoái đã chững lại ở mức 4,6% so với cùng kỳ năm trước đó cũng như giảm so với mức 5,4% của quý III.

Tính theo giá trị thực, BIS cho rằng giá nhà toàn cầu đã vượt mức trung bình ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khoảng 27%. Khi lãi suất tăng lên, gánh nặng trả nợ mua nhà của người tiêu dùng cũng tăng theo.

Hiệu ứng Trung Quốc

Sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc - một phần do tác động của chiến lược Zero COVID, có thể là một cú sốc giảm phát đối với nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu. Điều này nhiều khả năng sẽ thể hiện trong giá hàng hóa công nghiệp, vì sức mua của Trung Quốc đối với mọi mặt hàng, từ kim loại đến nông sản và năng lượng đều sẽ sụt giảm.

Bloomberg Economics ước tính, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm 1 điểm % có thể giúp giá dầu thế giới tụt tới 5 điểm %.

 

Đất nước tỷ dân đang là khách hàng mua quặng sắt lớn nhất thế giới, đồng thời chiếm 40% nhu cầu toàn cầu về đồng cũng như 30% nhu cầu về nickel, kẽm và thiếc, tính theo số liệu năm 2020.

Trường hợp của Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia trải qua giai đoạn giảm phát kéo dài bậc nhất thế giới. Chính phủ đã nhiều lần kỳ vọng lạm phát có thể trở lại ngưỡng mục tiêu nhưng không thể duy trì được áp lực giá cả.

Còn quá sớm để biết liệu năm nay có khác biệt nào hay không. Lạm phát giá tiêu dùng gần đây tại Nhật Bản đã chạm mức mục tiêu 2% của BoJ, chủ yếu nhờ giá năng lượng tăng cao. Song, mức tăng lương quá hạn chế khiến người tiêu dùng chán nản và hạn chế chi tiêu.

Đến nay, các nhà hoạch định chính sách tại BoJ vẫn cam kết sẽ tiếp tục kích thích nền kinh tế, dựa trên nhận định rằng việc lạm phát tăng đột biến hiện nay chỉ là tạm thời, theo Bloomberg.

Ông Takahide Kiuchi - chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nomura. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Nomura).

Ông Takahide Kiuchi - chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nomura và là cựu thành viên ban thống đốc BoJ, cho hay: “Tôi kỳ vọng thế giới sẽ đi từ lạm phát cao kỷ lục (historic inflation) sang trạng thái thiểu phát (disinflation) và giảm phát (deflation)”.

“Lạm phát sẽ đi xuống khi các NHTW thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế giảm tốc.

Xu hướng giá sẽ được quyết định bằng tốc độ tăng trưởng tiềm năng toàn cầu, vốn đang bị suy yếu bởi dịch bệnh và chiến sự tại Ukraine”, ông Kiuchi nói thêm.

Kỳ vọng lạm phát dài hạn

Theo các nhà phân tích tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, sự thay đổi trong kỳ vọng lạm phát dài hạn của công chúng - một phần là do chính sách tiền tệ hợp lý của các NHTW, là một trong những nguyên nhân giá cả hàng hóa tại Mỹ vẫn im ắng trong thời gian dài.

Các nhà nghiên cứu viết: “Công chúng tin rằng lạm phát - ngay cả khi tăng mạnh trong ngắn hạn bởi các cú sốc bất ngờ, vẫn sẽ trở lại mức bình thường trong dài hạn. Kỳ vọng đó đã giúp ổn định số liệu lạm phát thực tế”.

Nhóm chuyên gia cũng lưu ý, ngay cả sau một năm giá cả tăng vọt, kỳ vọng lạm phát dài hạn cũng không cao hơn nhiều so với trung bình thập kỷ trước. Mặt khác, các nhà đầu tư trái phiếu đã hạ dự báo lạm phát của họ trong vài tuần gần đây.

Mức nền thấp

Thời gian qua, một số thước đo lạm phát tăng sốc một phần là do mức nền so sánh của cùng kỳ năm trước quá thấp, đặc biệt là khi dữ liệu cũ được lấy tại thời điểm đại dịch khiến các nền kinh tế trì trệ và giá cả hàng hóa đều đi xuống.

Song, các nhà phân tích sẽ sớm phải đo lường lạm phát dựa trên mức giá tăng cao hiện nay. Khi đó, một số chỉ số thậm chí có thể đảo ngược, tức là có thể giảm so với cùng kỳ năm nay.

 

Các khu vực như châu Âu - vốn phụ thuộc nặng nề vào năng lượng nhập khẩu, có thể thấy lạm phát giảm nhiều hơn các vùng khác nếu giá nhiên liệu hóa thạch nhanh chóng hạ nhiệt, Bloomberg diễn giải.

“Giá hàng hóa sẽ bắt đầu hạ nhiệt”, bà Priyanka Kishore của Oxford Economics dự báo. “Giá sẽ vẫn cao so với trong quá khứ, nhưng khó có khả năng tiếp tục leo thang”, vị chuyên gia nói thêm.

Theo lời bà Kishore, vào giữa năm 2023, giá thực phẩm và năng lượng sẽ giảm từ 10% đến 15% so với cùng kỳ năm 2022, qua đó giúp kéo lạm phát chung đi xuống.

Yên Khê