|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Biden gọi lạm phát là 'ưu tiên kinh tế hàng đầu', gợi ý ba biện pháp chế ngự cơn bão giá

06:45 | 05/06/2022
Chia sẻ
Trong một bài xã luận trên Wall Street Journal mới đây, Tổng thống Joe Biden đã có những chia sẻ cụ thể về vấn đề lạm phát tại Mỹ, đồng thời gợi ý kế hoạch ba mũi nhọn để chế ngự cơn bão giá.

Từ việc đổ xăng cho đến mua hàng tạp hóa, người dân Mỹ đều đang phải gánh chịu hậu quả khi lạm phát cao kỷ lục do tình trạng ách tắc chuỗi cung ứng và chiến sự giữa Nga và Ukraine.

Tháng 3 năm nay, lạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng tới 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xác lập mức đỉnh 40 năm. Con số này đã giảm xuống còn 8,3% trong tháng 4, báo hiệu nền kinh tế có thể đang hạ nhiệt nhưng chưa biết khi nào lạm phát đi xuống.

Trong bài xã luận trên Wall Street Journal đầu tuần này, Tổng thống Joe Biden đã gọi lạm phát là “ưu tiên kinh tế hàng đầu” của ông và vạch ra một kế hoạch ba mũi nhọn để khắc phục vấn đề.

1. Tin tưởng vào Fed

“Trước hết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có trách nhiệm chính trong việc kiểm soát lạm phát”, ông Biden viết trong bài xã luận.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất chuẩn thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 3. Sau đó, Fed nâng thêm 50 điểm cơ bản khác vào đầu tháng 5, mức tăng mạnh tay nhất trong 22 năm.

Mặc dù giới phê bình cho rằng Fed đã hành động quá chậm trễ, các nhà hoạch định chính sách lại đang nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội. Đầu tháng này, Thượng viện đã xác nhận ông Jerome Powell giữ chức Chủ tịch Fed thêm 4 năm nữa, với tỷ lệ 80 phiếu thuận - 19 phiếu chống.

Bản thân ông Powell cũng thừa nhận khó khăn của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát, vì thắt chặt chính sách quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái, trong khi làm quá chậm lại khiến lạm phát trở thành một vấn đề ăn sâu vào nền kinh tế.

Theo Fortune, trước đợt tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3, Chủ tịch Jerome Powell thừa nhận trước Quốc hội: “Dữ kiện trong quá khứ cho thấy chúng tôi đáng lẽ nên hành động sớm hơn”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chia sẻ về vấn đề lạm phát trên tạp chí Wall Street Journal. (Ảnh: Getty Images).

Tổng thống Biden đã nhiều lần khẳng định ông tôn trọng sự độc lập của Fed. Đầu tuần này, ông đã gặp Chủ tịch Fed tại Nhà Trắng.

Trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance, ông Brian Deese - Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, mô tả cuộc gặp là một cơ hội để Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng “ Mỹ cần chống lạm phát nhưng không nên hy sinh tất cả thành tựu kinh tế đã đạt được”.

Theo nhận định của giáo sư kinh tế Connel Fullenkamp thuộc Đại học Duke, sự ủng hộ của ông Biden đối với Fed giúp công chúng thêm tin tưởng rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể hạ nhiệt lạm phát.

2. Hạ giá hàng tiêu dùng thiết yếu

Phần thứ hai trong kế hoạch của ông Biden là lời kêu gọi chung nhằm hạ giá hàng hóa nếu chính phủ có thể, Fortune cho biết.

Ông chủ Nhà Trắng viết: “Chúng ta cần phải thực hiện các bước đi thiết thực để giúp giá cả trở về mức hợp lý, hỗ trợ người dân trong thời điểm bất ổn kinh tế này”. Ông Biden nhấn mạnh, làm được như vậy có thể sẽ làm tăng năng suất chung của nền kinh tế.

 

Trong bài xã luận, ông Biden đặc biệt đề cập đến việc giá năng lượng tăng cao hơn do Mỹ cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Theo ông, các khoản tín dụng thuế năng lượng sạch được đưa vào kế hoạch Build Back Better có thể làm giảm giá năng lượng. Các khoản này đã được đề xuất vào dự thảo ngân sách liên bang năm 2023.

Ông Biden cũng nhắc đến các khoản phí mà nhiều công ty vận tải biển nước ngoài tính cho hàng nhập khẩu của Mỹ, giá thuốc kế đơn và cuộc khủng hoảng nhà ở như những vấn đề ưu tiên khác của chính phủ.

3. Giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách

Mũi nhọn thứ ba trong kế hoạch của Tổng thống Biden là giảm thâm hụt ngân sách quốc gia. Trong bài viết trên Wall Street Journal, ông cho rằng hoàn thành được mục tiêu này sẽ “giúp giảm bớt áp lực giá cả”.

“Tôi dự tính sẽ thu hẹp thâm hụt ngân sách bằng cách thực hiện các cải cách thuế”, ông Biden viết, đồng thời trích dẫn dự báo từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội rằng mức thâm hụt sẽ sụt khoảng 1.700 tỷ USD trong năm nay.

Chưa kể, Nhà Trắng có thể giảm thâm hụt ngân sạch mạnh tay hơn khi Sở Thuế vụ (IRS) có thể thu hồi các khoản thuế mà các cá nhân/doanh nghiệp còn đang nợ, cũng như ban hành chính sách thuế mới khuyến khích doanh nghiệp hoạt động tại Mỹ thay vì dịch chuyển ra nước ngoài.

“Chúng ta nên chấm dứt tình trạng bất công tột độ trong quy định thuế, khi mà một tỷ phú lại đóng thuế ít hơn cả một giáo viên hay một lính cứu hỏa”, vị tổng thống nhấn mạnh.

Liệu tham vọng của ông Biden có thành?

Tổng thống Biden nhận định, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đứng ở ngã ba đường. Thoát khỏi đại dịch, Mỹ đang ghi nhận mức tăng trưởng việc làm kỷ lục cùng tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh, mà theo ông đó là một sự tiến bộ, có thể chuyển thành một sự ổn định lâu dài.

“Với các chính sách đúng đắn, Mỹ có thể đi từ phục hồi sang tăng trưởng bền vững, ổn định và chế ngự lạm phát mà không phải từ bỏ tất cả những thành tựu lịch sử này”, ông Biden viết trong bài xã luận.

Tuy nhiên, những hy vọng của ông chủ Nhà Trắng xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trở nên mong manh hơn bởi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và lạm phát không chỉ là vấn đề của Mỹ.

Đầu tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đã báo cáo tỷ lệ lạm phát tăng mạnh nhất kể từ khi đồng euro được tạo ra vào năm 1999. Ở Anh, lạm phát cũng chạm mức đỉnh so với thập niên 1980, khiến các chuyên gia lên tiếng cảnh báo rằng các nhóm dễ bị tổn thương có thể sớm không mua được hàng hóa thiết yếu như thực phẩm.

Giáo sư Fullenkamp bày tỏ: “Các sự kiện địa chính trị như cuộc chiến ở Ukraine có tác động to lớn tới thị trường và chắc chắn nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà hoạch định chính sách. Song, họ có thể phản ứng với những tình huống này”.

Khả Nhân