|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc ‘quay xe’, tái áp đặt hạn chế COVID tại Thượng Hải và Bắc Kinh chỉ sau vài tuần

16:50 | 13/06/2022
Chia sẻ
Chỉ vài tuần sau khi nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID-19 tại các thành phố lớn, Trung Quốc lại bắt đầu tái áp đặt các hạn chế ngăn ngừa dịch. Tình hình này làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ một lần nữa phong tỏa Bắc Kinh và Thượng Hải.

Bắc Kinh phát hiện 51 ca nhiễm nội địa vào ngày 12/6. Trong các ngày còn lại của tuần trước, thủ đô Trung Quốc đều ghi nhận chưa đến 10 ca nhiễm. Chính quyền Bắc Kinh cho biết ổ dịch có liên quan tới một quán bar nổi tiếng và dường như khó kiểm soát hơn những trường hợp trước đó. 

Quận Triều Dương tại phía đông Bắc Kinh, nơi xuất hiện ổ dịch phức tạp, sẽ bắt đầu đợt xét nghiệm kéo dài ba ngày bắt đầu từ 13/6. Toàn bộ 65 ca nhiễm phát hiện vào ngày 11/6 đều có liên quan tới ổ dịch này. Mọi cửa hàng và quán ăn tại khu giải trí Sanlitun quận Triều Dương sẽ bị đóng cửa cho đến hết ngày 15/6.

Không chỉ Bắc Kinh mà cả Thượng Hải cũng chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng và tổ chức xét nghiệm quy mô lớn trong hai ngày cuối tuần. Tổng cộng, Thượng Hải ghi nhận 37 trường hợp nhiễm mới, 5 trong số đó phát sinh trong cộng đồng.

Trước đó, Bắc Kinh dự kiến cho phép hầu hết trường học mở cửa trở lại vào ngày 13/6, nhưng đã phải tạm hoãn kế hoạch. Còn tại Thượng Hải, hầu hết các quận đã ngừng dịch vụ ăn uống trực tiếp tại nhà hàng. 

Trung Quốc báo cáo 143 ca nhiễm trên toàn quốc vào ngày 12/6, đánh dấu sự gia tăng trở lại của các trường hợp mắc COVID. Kể từ đầu tháng 3, số ca nhiễm hàng ngày ở Trung Quốc lần đầu giảm xuống dưới 100 vào tháng trước, một phần nhờ vào các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

Điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, ngày 12/6. (Ảnh: AFP). 

Các ổ dịch mới nổi lên tại Trung Quốc chỉ khoảng chục ngày sau khi Bắc Kinh và Thượng Hải nới lỏng các biện pháp chống dịch đã được áp dụng trong nhiều tháng. Sự gia tăng nhanh chóng của số ca nhiễm mới sau khi hạn chế được gỡ bỏ cho thấy khó khăn của việc loại trừ hoàn toàn COVID-19. Trung Quốc là nước duy nhất còn quyết tâm dập tắt sự lây lan của virus.

Chiến lược “Zero COVID” khiến Trung Quốc mắc kẹt trong vòng lặp phong tỏa và tái mở cửa, đe dọa gây ra thiệt hại kinh tế lâu dài. Theo Bloomberg, hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán Trung Quốc sẽ không thể đạt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2022. Các lệnh phong tỏa tại nước này đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng và tác động đến hoạt động của hàng loạt gã khổng lồ toàn cầu, từ Sony đến Tesla.

Làn sóng dịch tồi tệ nhất ở Thượng Hải bắt đầu từ tháng 3, một phần là do sai sót tại một khách sạn cách ly. Hôm 11/6, Chính quyền Thượng Hải thông báo khoảng chục quan chức tại quận Từ Hối đã bị cách chức hoặc cảnh cáo sau khi sơ suất trong việc áp dụng biện pháp cách ly dẫn tới sự lây nhiễm tại khách sạn Hua Ting ba tháng trước. Trong số đó có cả bí thư và chủ tịch quận.

Gần như không có khả năng Trung Quốc sẽ sớm thay đổi cách tiếp cận không khoan nhượng với COVID-19, vì Chủ tịch Tập Cận Bình rất có thể đang chuẩn bị để đảm bảo nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba tại cuộc họp quan trọng mùa thu năm nay. Ông Tập đã kêu gọi các quan chức “kiên định” tuân thủ chiến lược Zero COVID, đồng thời tạo sự cân bằng với nhu cầu của nền kinh tế và ổn định xã hội.

Hôm 12/6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã ca ngợi chính sách chống dịch của nước này. Ông tuyên bố Trung Quốc là một trong những nơi an toàn nhất thế giới với tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp nhất toàn cầu.

Trong bài phát biểu tại hội nghị an ninh lớn nhất châu Á ở Singapore, ông Ngụy gọi cách phản ứng với COVID của Trung Quốc là phép màu. Ông còn khẳng định thành công của “Zero COVID” là đóng góp lớn cho cuộc chiến chống lại đại dịch toàn thế giới.

Giang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.