|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba lá bài bí ẩn có thể làm đảo lộn mọi dự báo về lạm phát của Mỹ

15:02 | 20/06/2022
Chia sẻ
Việc thị trường tài chính phụ thuộc vào tiền rẻ trong một thời gian dài có thể gây ra khó khăn mới cho hành trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

 

(Hình minh họa: Financial Times). 

Lúc này, lạm phát là vấn đề số một, chiếm trọn tâm trí của các nhà đầu tư. Lạm phát sẽ lên cao đến đâu? Kéo dài đến bao giờ? Và liệu ngân hàng trung ương Mỹ có thể khống chế lạm phát mà không gây ra một cuộc suy thoái lớn hay không?

Đã có nhiều sự so sánh giữa thời kỳ hiện nay và giai đoạn lạm phát đình trệ thập niên 1970. Nhưng ngày nay có nhiều yếu tố đặc trưng khác biệt với quá khứ và chúng khiến cho việc dự đoán quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ trở nên đặc biệt khó khăn. Dưới đây là ba “lá bài bí ẩn” mà nhà đầu tư cần chú ý.

Thứ nhất là ảnh hưởng tiềm tàng của xu hướng tài chính hóa nền kinh tế lên nỗ lực chấn chỉnh lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hàng thập kỷ lãi suất thấp cùng vài cuộc nới lỏng định lượng lớn sau khủng hoảng tài chính 2008 đã làm tăng cả giá tài sản tài chính và mức nợ công tại Mỹ. 

Mức độ chịu rủi ro của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán ngày nay cao hơn nhiều so với khoảng chục năm trước. Người Mỹ đã quen với một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, giúp của cải của họ ngày càng tăng lên, theo Financial Times.

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi giá tài sản cắm đầu đi xuống khi lãi suất ngóc đầu đi lên? Rất có thể điều này sẽ tạo ra áp lực lớn lên ngân sách chính phủ Mỹ.

Nhà phân tích Luke Gromen của công ty nghiên cứu vĩ mô Forest for the Trees chỉ ra rằng mối tương quan giữa doanh thu thuế của chính phủ với giá tài sản trong hai thập kỷ qua đã trở nên rõ ràng hơn nhiều. Trên thực tế, cả hai tăng và giảm gần như đồng bộ với nhau kể từ năm 2001.

Nếu thị trường nằm bẹp ở đáy thì doanh thu thuế cũng có thể đi xuống. Thâm hụt liên bang sẽ tăng tương ứng, khiến chính phủ Mỹ phải vay nhiều hơn trong thời buổi lãi suất đi lên. Điều này có thể tạo ra rắc rối với cán cân thanh toán quốc tế, buộc Fed phải quay ngược 180 độ và kéo lãi suất xuống.

Do nhà đầu tư ngoại không còn sẵn lòng mua nợ của chính phủ Mỹ như trước, rủi ro này rất đáng được chú ý. Sự phụ thuộc của Mỹ vào tiền rẻ và chu kỳ kinh doanh được kéo căng trong hàng thập kỷ có thể tạo ra tác động ngược và đáng ngại lên kinh tế vĩ mô.

Lá bài bí ẩn thứ hai trong chu kỳ lạm phát là thị trường nhà ở. Tuy kích thích kinh tế thời đại dịch đã tạo ra sự bùng nổ của thị trường nhà đất tại nhiều nước, nhưng lần này không giống với thời kỳ trước khủng hoảng 2008.

Báo cáo gần đây của TS Lombard chỉ ra rằng lãi suất thấp chỉ tạo ra khoảng 1/3 mức tăng nhu cầu bất động sản. Hơn nữa, số đơn đăng ký vay thế chấp trong thời đại dịch không nhảy vọt giống như ngay trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008.

 

Nợ vay thế chấp trong vài năm qua có chất lượng cao hơn nhiều và phần lớn đi kèm với lãi suất cố định. Điều này có nghĩa là dù lãi suất có tăng thì cũng sẽ không xảy ra làn sóng thanh lý nhà trả nợ khổng lồ như trước đây.

Còn những người mua nhà lần đầu thì sao? Nghiên cứu từ Fed chi nhánh New York giả định rằng lãi suất vay thế chấp tăng 100 điểm cơ bản thì doanh số bán bất động sản sẽ giảm khoảng 10%. Nhưng đó là trong thị trường nhà đất “bình thường”, chứ không phải thị trường hậu COVID-19.

Xu hướng làm việc tại nhà đã tạo ra sự thay đổi địa lý lớn trên thị trường nhà đất. Một bài nghiên cứu học thuật mới đây đã tìm ra mối tương quan lớn giữa đà tăng giá bất động sản và những khu vực mà người lao động Mỹ có nhiều khả năng làm việc tại nhà.

Vậy, kết luận là gì? Tại hầu hết các thị trường bị đầu cơ nhiều nhất, lạm phát nhà ở có thể giảm và giá nhà sẽ điều chỉnh khi lãi suất tăng. Nhưng ở nhiều khu vực khác, giá bất động sản vẫn sẽ đứng im. Như vậy thị trường nhà đất của Mỹ, trên cấp độ toàn quốc, có thể sẽ ổn định lâu hơn suy nghĩ của nhiều người.

 

Cuối cùng là câu hỏi về thị trường lao động Mỹ. Tuy đã có nhiều nhận định rằng thị trường lao động đang quá nóng và người lao động yêu cầu nâng lương để bù đắp đà tăng của giá cả, Financial Times cho rằng tác động của lương đến lạm phát đã bị thổi phồng.

Tuy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lương chỉ đi lên 6,1%, theo công cụ theo dõi của Fed chi nhánh Atlanta. Con số này cao hơn nhiều mục tiêu 2%, nhưng vẫn không theo kịp lạm phát.

Bản thân lạm phát không bị thúc đẩy bởi yêu cầu tăng lương của người lao động hay kích thích trong đại dịch, mà bởi chính sách dài hạn của Fed và tình hình chính trị - tức là chiến sự ở Ukraine. Có lẽ, kết cục cho cuộc chiến ở Ukraine mới là lá bài có sức ảnh hưởng lớn hơn cả.

Giang