|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quan chức Fed: Mỹ có suy thoái kỹ thuật cũng không đáng bận tâm, dữ liệu lạm phát mới là điều cần chú ý

08:17 | 01/08/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis nhìn nhận lạm phát cao là mối đe dọa lớn hơn một cuộc suy thoái tiềm tàng. Ông cho rằng việc GDP Mỹ tăng trưởng âm hai quý liên tiếp có thể coi là tin tốt, cho thấy nền kinh tế đã chậm lại, giúp hạ nhiệt lạm phát.

Ông Neel Kashkari, Chủ tịch chi nhánh Minneapolis của Fed. (Ảnh: Bloomberg). 

Ông Neel Kashkari, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Minneapolis, cho rằng những ai thắc mắc liệu Mỹ có đang ở trong suy thoái hay không thực chất đang đặt sai câu hỏi.

Vị quan chức cấp cao của Fed nói với đài CBS hôm 31/7: “Liệu Mỹ có đang ở trong suy thoái kỹ thuật hay không không khiến phân tích của tôi thay đổi. Tôi tập trung vào dữ liệu lạm phát. Tôi mổ xẻ dữ liệu tiền lương. Cho đến nay, lạm phát tiếp tục khiến chúng ta bất ngờ với đà tăng nóng. Lương tiếp tục đi lên”.

Lạm phát tháng 6 của Mỹ tiếp tục lập đỉnh 40 năm mới, lên 9,1% so với một năm trước. Cùng lúc đó, thị trường lao động tiếp tục duy trì sức mạnh: số việc làm phi nông nghiệp tăng 372.000 trong cùng tháng, tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc giữ nguyên ở mức thấp 3,6%.

Hôm 28/7, dữ liệu mới của Bộ Lao động Mỹ cho thấy dấu hiệu thị trường lao động đang nguội bớt. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái. Nhưng ông Kashkari đánh giá thị trường vẫn “cực kỳ mạnh mẽ”.

Ông cho biết: “Thông thường, suy thoái đi kèm với số người bị sa thải lớn, tỷ lệ thất nghiệp cao. Những điều này rất tồi tệ đối với các hộ gia đình Mỹ. Nhưng chúng tôi chưa hề thấy những hiện tượng như vậy”.

Theo ông Kashkari, rắc rối là ngay cả trong một thị trường lao động mạnh mẽ, lạm phát vẫn tăng nhanh hơn tăng trưởng tiền lương. Như vậy, nhiều người Mỹ thực tế đang bị “giảm lương” trong lúc chi phí sinh hoạt toàn quốc gia tăng. Mục tiêu hàng đầu của Fed hiện nay chính là giải quyết vấn đề bằng cách bắt lạm phát đi xuống.

Ông nhấn mạnh: “Liệu Mỹ có đang ở trong suy thoái về mặt kỹ thuật hay không không làm thay đổi thực tế rằng Fed còn việc phải làm. Và chúng tôi quyết tâm hoàn thành việc của mình”.

Dữ liệu Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố ngày 28/7 cho thấy GDP của nền kinh tế số một thế giới có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Đây thường là tín hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế. Đối với ông Kashkari, thông tin này có thể coi là tin tốt: sự giảm tốc của nền kinh tế có thể giúp lạm phát suy giảm tới mức không còn tăng nhanh hơn tiền lương nữa.

 

Ông cho biết: “Chắc chắn rằng Fed muốn muốn thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại đôi chút. Chúng tôi không muốn thấy nền kinh tế quá nóng. Chúng tôi sẽ vui mừng nếu nền kinh tế chuyển sang giai đoạn vững chắc hơn mà không rơi vào suy thoái”.

Dĩ nhiên, khiến nền kinh tế chậm lại mà không gây ra suy thoái là thách thức lớn đối với Fed. Theo tờ CNBC, ông Kashkari cũng thừa nhận rằng sự giảm tốc của nền kinh tế thường rất khó kiểm soát, “đặc biệt là nếu ngân hàng trung ương là bên cố gây ra sự giảm tốc”.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Fed sẽ làm mọi thứ cần thiết để khống chế lạm phát: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để tránh suy thoái, nhưng chúng tôi quyết tâm kéo lạm phát xuống. Do đó chúng tôi sẽ làm việc mình cần làm. Đích đến của Fed là đưa nền kinh tế quay trở lại mức lạm phát 2%, nhưng chúng ta vẫn còn cách xa mục tiêu này”.

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.