|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thêm loạt số liệu quan trọng chờ đợi chứng khoán Mỹ trong tuần mới

08:03 | 01/08/2022
Chia sẻ
Trong tuần 1/8 – 5/8, hàng trăm doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 sẽ công bố báo cáo tài chính quý II. Tuy nhiên, các số liệu vĩ mô như báo cáo việc làm toàn nền kinh tế mới là thông tin quan trọng nhất với thị trường.

Nasdaq hồi phục mạnh trong tháng 7, hiện nay đã tăng 16,4% so với đáy hồi giữa tháng 6.

Trong tuần cuối cùng của tháng 7, các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đón nhận nhiều thông tin lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, Cục Phân tích kinh tế Mỹ (BEA) thông báo GDP quý II giảm 0,9%, các quan chức chính phủ Mỹ khẳng định nền kinh tế vẫn chưa suy thoái dù GDP giảm hai quý liên tiếp, ...

Hàng trăm tập đoàn lớn đã thông báo lợi nhuận quý II trong tuần cuối tháng 7 như Apple, Microsoft, Amazon, Meta Platforms, Boeing, Intel, …

Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều đi lên trong tuần qua. Dow Jones có thêm xấp xỉ 3%, S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 4,3% và 4,7%.

Tính chung cả tháng 7, Dow Jones đi lên 6,7%, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. S&P 500 cũng tăng 9,1%. Nasdaq Composite khả quan nhất khi tăng 12,4% trong tháng qua, tuy nhiên vẫn ở trong thị trường gấu.

Dow Jones bật tăng 6,7% trong tháng 7 sau khi giảm 6,7% trong tháng 6.

Dow Jones và S&P 500 vừa có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020, trong khi Nasdaq có tháng tích cực nhất kể từ tháng 4/2020. 

Trong tuần đầu tháng 8, Cục Thống kê Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 7, chứa thông tin về số việc làm mới tạo ra trong nền kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp.

Theo CNBC, các báo cáo việc làm hàng tháng luôn rất quan trọng, nhưng số liệu trong mấy tháng tới có lẽ còn đáng chú ý hơn. Hôm 27/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rõ rằng quyết định chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ trong cuộc họp thường kỳ ngày 20-21/9 sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế.

Nếu thị trường lao động tiếp tục vững mạnh, Fed có thể không ngần ngại trong việc nâng lãi suất. Ngược lại, nếu tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng lên, Fed có khả năng sẽ tính đến việc giảm nhịp độ thắt chặt.

Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát ước tính nền kinh tế tạo ra thêm 250.000 việc làm trong tháng 7. Trong tháng 6, các chuyên gia cũng dự báo Mỹ có thêm 250.000 việc làm nhưng con số thực tế được công bố là 372.000.

Mỹ tạo ra 372.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 6, dự kiến có thêm 250.000 việc làm trong tháng 7.

Một nhóm số liệu vĩ mô quan trọng nữa là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) công bố. Chỉ số của ngành sản xuất sẽ được thông báo vào thứ Hai (1/8) và của ngành dịch vụ vào thứ Tư (3/8).

Ông John Briggs, Giám đốc điều hành ngân hàng NatWest nhận định: “Chính chỉ số PMI ngành dịch vụ của ISM đã khởi đầu cho những lo ngại về suy thoái thời gian qua. Vậy nên số liệu từ ISM sắp tới sẽ rất quan trọng".

Trong tháng 6, chỉ số PMI ngành dịch vụ của ISM đạt 55,3 điểm, giảm so với tháng 5 nhưng vẫn cao hơn dự báo của các chuyên gia.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của ISM ghi nhận ở 53 điểm trong tháng 6, thấp hơn con số 56,1 điểm của tháng 5 và cũng tiêu cực hơn dự báo.

Chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy hoạt động kinh tế vẫn có tăng trưởng.

Trong lịch sử, thị trường chứng khoán Mỹ thường biến động mạnh và rất khó đoán vào tháng 8. Ông Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư của CFRA, nhận định: “Tháng 8 là giai đoạn có thể đi theo cả hai hướng vì trong lịch sử từng có lúc chỉ số tăng rất mạnh và cũng có lúc giảm cực sốc”. Ví dụ, S&P 500 tăng 11,6% vào tháng 8/1992 nhưng lại sụt 14,6% trong tháng 8/1998.

Ông Stovall cho rằng S&P 500 có thể sẽ bị thử thách trong tuần mới. “Khoảng quanh 4.150 điểm là một ngưỡng kháng cự rất quan trọng”. Cuối tuần trước, chỉ số này dừng ở 4.130 điểm.

S&P 500 hiện cao hơn 12,6% so với đáy trong tháng 6.

Trong tuần tới, 148 doanh nghiệp thành viên của chỉ số S&P 500 sẽ thông báo kết quả kinh doanh, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như Eli Lilly, Gilead Sciences và Amgen trong ngành dược phẩm, hay Uber và Booking Holdings trong ngành du lịch.

Nhà đầu tư gần đây lo ngại việc Fed thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát đang ở đỉnh 40 năm có thể dẫn tới suy thoái kinh tế. Thị trường sẽ đặc biệt chú ý tới thị trường trái phiếu để tìm kiếm thêm thông tin.

Trong tuần cuối tháng 7, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 2,64%, thấp hơn đáng kể so với mức 2,75% của tuần trước đó. Lợi suất giảm khi giá tăng, cho thấy nhiều nhà đầu tư lo nền kinh tế suy thoái nên đã dồn tiền vào trái phiếu để trú ẩn.

Lợi suất kỳ hạn 10 năm còn quan trọng vì tác động tới các loại lãi suất vay thế chấp mua nhà và các khoản vay tiêu dùng cũng như vay thương mại.

Song Ngọc - Đức Quyền

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.