|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones tiếp tục tăng hơn 300 điểm, chứng khoán Mỹ có tháng khởi sắc nhất kể từ 2020

08:07 | 30/07/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày cuối tuần 29/7 đi lên phiên thứ 3 liên tiếp khi nhà đầu tư đón nhận kết quả kinh doanh tích cực từ ngành công nghệ, đồng thời gạt đi những lo ngại về suy thoái và lạm phát.

Dow Jones đi lên ba phiên liên tục từ 27 đến 29/7, hiện cao hơn 10% so với đáy ngắn hạn trong phiên 17/6.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 315,5 điểm, tương đương gần 1%, và kết phiên ở 32.845 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên lần lượt 1,42% và 1,88%.

Tính chung cả tuần qua, Dow Jones có thêm xấp xỉ 3%, S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 4,3% và 4,7%.

Xét trong cả tháng 7, Dow Jones đi lên 6,7%, S&P 500 tăng 9,1%. Nasdaq Composite vẫn ở trong thị trường gấu nhưng cũng cải thiện 12,4% trong tháng qua. Theo CNBC, đây là tháng tích cực nhất với cả ba chỉ số kể từ năm 2020. Biểu đồ bên dưới cho thấy từ đầu năm 2022 đến nay, S&P 500 có 4 tháng giảm và ba tháng tăng.

S&P 500 tăng 9,1% trong tháng 7, sau khi giảm 8,4% vào tháng 6.

Diễn biến tích cực của thị trường tháng 7 trái ngược hoàn toàn với sự u ám trong 6 tháng đầu năm khi đa số cổ phiếu lao dốc xuống vùng thị trường gấu. Các chỉ số đảo chiều khi nhà đầu tư bớt lo ngại về kế hoạch tăng lãi suất dồn dập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và ngày càng tin rằng lạm phát có thể đã lập đỉnh.

Ông Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược tại ngân hàng đầu tư Baird, cho rằng nhà đầu tư đã bắt đầu thay đổi cái nhìn về lạm phát cũng như kỳ vọng lạm phát, và do vậy có dự đoán khác về kế hoạch lãi suất của Fed. Ngoài ra, kết quả kinh doanh tươi sáng cũng là một nhân tố tích cực.

“Gần đây, lợi nhuận khả quan của doanh nghiệp đã củng cố đà tăng của thị trường và tạo ra một mức sàn ngắn hạn cho các thị trường cổ phiếu”, ông Mayfield nói thêm.

Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư vẫn lo ngại về lạm phát trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine còn tiếp diễn và thị trường có thể đảo chiều đi xuống thêm lần nữa.

Sáng 29/7, Cục Phân tích kinh tế Mỹ thông báo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 6 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Biểu đồ dưới đây cho thấy đây là mức lạm phát PCE cao nhất kể từ tháng 1/1982. Khi xem xét các thống kê kinh tế để hoạch định chính sách, các quan chức Fed ưa thích tỷ lệ lạm phát tính theo PCE hơn so với lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Lạm phát tính theo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đang ở đỉnh 4 thập kỷ. 

Dù được tính theo PCE hay CPI thì tỷ lệ lạm phát tại Mỹ hiện nay đều cao gấp nhiều lần mức mục tiêu dài hạn 2% mỗi năm của ngân hàng trung ương Mỹ. CPI tháng 6 vừa qua vọt lên 9,1% so với cùng kỳ 2021, đánh dấu mức lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm.

Ông Mayfield cho rằng đà tăng của các chỉ số trong nửa cuối tháng 6 và cả tháng 7 có thể chỉ là một đợt hồi phục ngắn trong thị trường gấu, khi thị trường gấu càng kéo dài thì các đợt hồi kiểu này càng xuất hiện nhiều.

“Nhưng sự kết hợp giữa các nhân tố gồm lãi suất tăng chậm lại, tâm lý và vị thế tiêu cực trên thị trường, sức mạnh của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong lạm phát là đủ để châm ngòi cho một đợt tăng giá các tài sản rủi ro”, nhà phân tích Ross Mayfield nhận định thêm.

Ngày 29/7, Đại học Michigan công bố bản cập nhật cuối cùng của Chỉ số tâm lý người tiêu dùng tháng 7 ở mức 51,5 điểm, cải thiện đôi chút so với số liệu sơ bộ thông báo trước đó và tăng so với mức đáy lịch sử 50 điểm trong tháng 6.

Đà tiến của hai cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường đã hỗ trợ đắc lực cho các chỉ số trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7.

Đại gia thương mại điện từ Amazon vọt lên 10,4% sau khi thông báo doanh thu quý II vượt kỳ vọng của giới phân tích, đồng thời kỳ vọng doanh thu quý III cũng sẽ rất khả quan.

Apple cho biết cả doanh thu và lợi nhuận quý vừa qua đều vượt kỳ vọng của giới phân tích do Refinitiv khảo sát. Cổ phiếu Apple tăng 3,2%.

Apple và Amazon là hai trong số những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nước Mỹ. Phiên 29/7, cả hai cổ phiếu đều tăng rõ rệt.

Cổ phiếu hai đại gia dầu khí Chevron và ExxonMobil đi lên lần lượt 8,9% và 4,6% sau khi thông báo kết quả kinh doanh quý II cao hơn dự kiến. Biểu đồ dưới đây cho thấy năng lượng là nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường phiên 29/7. Cổ phiếu công nghệ cũng diễn biến khả quan hơn chỉ số tham chiếu.

 9/11 nhóm cổ phiếu tăng điểm trong phiên 29/7

Song Ngọc

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.