|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/1982

20:59 | 29/07/2022
Chia sẻ
Tháng 6 vừa qua, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã leo lên mức cao nhất trong hơn 40 năm, báo cáo mới nhất của Cục Phân tích Kinh tế chỉ ra.

Theo báo cáo mới của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tháng 6 vừa qua của Mỹ đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số liệu cao nhất kể từ mức tăng 6,9% vào tháng 1/1982.

So với tháng trước, chỉ số PCEPI toàn phần nhích 1%, đánh dấu mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 2/1981. 

Không tính giá lương thực và năng lượng, chỉ số PCEPI lõi tăng 4,8% so với một năm trước nhưng vẫn thấp hơn mức 5,3% ghi nhận được hồi tháng 2.

So với tháng 5 trước đó, chỉ số lõi tháng 6 cao hơn 0,6%, xác lập mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4/2021. Cả hai chỉ số lõi đều cao hơn 0,1 điểm % so với ước tính của Dow Jones.

 

Trong thời kỳ bình thường, Fed thường tập trung vào lạm phát lõi bởi chi phí thực phẩm và năng lượng rất dễ biến động và không phải lúc nào cũng phản ánh xu hướng dài hạn.

Tuy nhiên, sau cuộc họp tháng 7, Chủ tịch Powell thừa nhận rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải quan tâm tới cả hai loại lạm phát trong môi trường kinh tế hiện nay.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã tích cực tăng lãi suất và giảm nắm giữ tài sản để hạ nhiệt giá cả đang trên đỉnh hàng chục năm. Tại cuộc họp giữa tuần này, Fed đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản như dự đoán của thị trường.

Dữ liệu mới của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cũng cho thấy chi tiêu tiêu dùng cá nhân đã tăng 1,1% trong tháng 6. Tuy nhiên, chi tiêu thực tế đã điều chỉnh theo lạm phát chỉ tăng 0,1% do người tiêu dùng hầu như không thể theo kịp lạm phát.

Ngoài ra, thu nhập cá nhân nhích 0,6%, vượt ước tính 0,5% nhưng thu nhập khả dụng đã điều chỉnh yếu tố lạm phát lại giảm 0,3% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tháng này, dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 nhảy vọt 9,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/1981. Fed ưa thích PCEPI hơn CPI vì đây là một thước đo lạm phát rộng hơn.

CPI cho thấy sự thay đổi trong chi tiêu của các hộ gia đình thành thị, trong khi PCEPI đo lường sự thay đổi giá cả hàng hoá và dịch vụ mà tất cả các hộ gia đình, cũng như các tổ chức phi lợi nhuận phục vụ cho các hộ gia đình sử dụng.

Một trạm xăng tại Mỹ. Trong năm 2022, giá xăng tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát leo thang. (Ảnh: AP).

Một số thước đo khác cũng đang lộ dấu hiệu suy yếu. Chỉ số chi phí việc làm - một con số mà Fed theo sát, tăng 1,3% trong quý II. Số liệu này sụt giảm nhẹ so với mức tăng 1,4% trong quý trước, nhưng vượt xa ước tính 1,1%. 

Chia sẻ với CNBC, ông Nick Bunker - Giám đốc nghiên cứu kinh tế tại nền tảng việc làm Indeed, bình luận: “Phần còn lại của nền kinh tế có thể đang chững lại, nhưng tiền lương đang tăng nhanh.

Tình trạng cạnh tranh để tuyển lao động vẫn còn rất gay gắt, doanh nghiệp phải liên tục tăng lương cho những người thuê mới. Các số liệu thống kê về tăng trưởng tiền lương nóng bỏng này có thể giảm bớt trong thời gian tới, nhưng vẫn còn một chặng dài trước khi giảm rõ rệt”.

Kinh tế trưởng Ian Shepherdson của hãng tư vấn Pantheon Macroeconomics cho biết việc mức lương trong khu vực tư nhân tăng 1,6% trong quý II là một tín hiệu “cực kỳ đáng thất vọng” đối với Fed.

Ông Shepherdson viết: “Lương tăng trưởng với tốc độ này là quá cao đối với Fed, bởi vì khi đó Fed cần một mức tăng trưởng năng suất cao không tưởng để phù hợp với mục tiêu lạm phát trong trung hạn”.

Dù tính theo thước đo nào, lạm phát hiện tại đều cao hơn mục tiêu dài hạn 2% của Fed và Chủ tịch Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương này “cam kết mạnh mẽ” trong việc khống chế lạm phát.

Khả Nhân