Lạm phát tấn công lao động bình dân, tín hiệu xấu cho Đảng Dân chủ
Tháng 6 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức đỉnh so với tháng 12/1981, báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ chỉ rõ.
Mức tăng nóng của CPI khiến công chúng càng thêm chú ý tới ảnh hưởng của lạm phát, điều mà các cử tri đã liên tục coi là mối quan tâm hàng đầu của họ cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay.
Trong quá khứ, cứ đến những năm có bầu cử, cử tri thường đưa ra đánh giá về sức khoẻ của nền kinh tế vào tháng 7. Các điều kiện tài chính hiện tại sẽ có sức nặng chính trị đáng kể cho cuộc bầu cử sắp tới.
Trong bối cảnh chi phí tăng cao, sức mua của công nhân nhà máy - một bộ phận cử tri quan trọng, đang thu hẹp nhanh hơn các nhóm khác. Người lao động chân tay thường ít có lợi thế để yêu cầu tăng lương hơn, vì lẽ đó họ khó có thể bù đắp chi phí sinh hoạt đang tăng chóng mặt.
Khó khăn về mặt tài chính của người lao động bình dân đang giúp Đảng Cộng hoà nâng cao lực lượng cử tri trong lĩnh vực sản sản xuất, ngay sát kỳ bầu cử then chốt với Đảng Dân chủ.
Tình thế lần này cũng tái hiện bối cảnh kinh tế từng xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Khi đó, sự đi xuống của nền kinh tế sản xuất đã khơi mào cho sự bất mãn của công nhân ở các bang công nghiệp Great Lakes, qua đó giúp ông Donald Trump giành chiến thắng suýt sao trước đối thủ.
Mức lương thực tế của công nhân nhà máy đã giảm đáng kể, trái ngược với tin tức tốt lành của các doanh nghiệp sản xuất. Việc làm trong lĩnh vực này đã phục hồi mạnh mẽ, tốc độ nhanh nhất so với bất kỳ cuộc suy thoái nào tính từ thập niên 1970.
Hơn nữa, hoạt động xây dựng nhà máy mới cũng đang bùng nổ, trong bối cảnh doanh nghiệp Mỹ muốn mang dây chuyền về quê nhà để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai.
Nếu điều chỉnh theo lạm phát, thu nhập trung bình hàng giờ của công nhân nhà máy tại Mỹ trong tháng 6 đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2014 và thấp hơn 3,6% so với mức trung bình hàng năm trước đại dịch.
Mặt khác, sức mua thực tế từ khoản thu nhập trung bình hàng giờ của người lao động trong khu vực tư nhân nói chung đã giảm xuống mức năm 2019. Tức là, bao nhiêu lợi ích mà người lao động tích luỹ được từ các gói trợ cấp thời dịch bệnh cũng như từ một thị trường việc làm khan hiếm lao động đã biến mất.
Cục diện hiện nay có ý nghĩa chính trị rõ ràng cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Trong số 7 bang có cuộc đua vào Thượng viện cạnh tranh nhất, 5 bang có tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực sản xuất trên mức trung bình.
Wisconsin là bang phụ thuộc nhiều nhất vào việc làm trong lĩnh vực sản xuất - chế tạo. Khoảng 16,2% người lao động ở bang này đang làm việc trong các nhà máy, gần gấp đôi mức 8,4% trung bình toàn quốc.
Các bang khác gồm Ohio - xếp thứ 8 với tỷ lệ 12,4%; New Hampshire - đứng thứ 14 với 10,1%; Pennsylvania - xếp thứ 22 với tỷ lệ 9,5%; và Georgia với tỷ lệ khoảng 8,6%. Hai bang tranh cử Thượng viện duy nhất có tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất dưới mức trung bình là Arizona 6,2% và Nevada 4,5%.
Michigan, nơi có 13,9% việc làm trong lĩnh vực sản xuất, có 4 cuộc chạy đua cạnh tranh vào Hạ viện, Bloomberg thông tin thêm.
Các ứng viên đã tận dụng báo cáo CPI tháng 6 để khuấy động cử tri. Thượng nghị sĩ Ron Johnson của bang Wisconsin gọi số liệu lạm phát là “không thể chấp nhận được” và là “kết quả trực tiếp từ sự điều hành thảm hoạ của Đảng Dân chủ”.
Ứng viên chạy đua vào Thượng viện J. D. Vance (bang Ohio) nói rằng chương trình nghị sự của chính quyền ông Biden đã “khiến tất cả chúng ta trở nên nghèo hơn và mọi thứ ngày càng tồi tệ đi”.
Tuy nhiên, các đảng viên Dân chủ cũng phát đi thông điệp của riêng họ. Ứng viên vào Thượng viện John Fetterman của bang Pennsylvania đã đăng tweet, yêu cầu chính phủ “hành động mạnh bạo ngay bây giờ” để “sửa chữa chuỗi cung ứng và chấm dứt lòng tham của giới doanh nghiệp”.
Hạ nghị sĩ Tim Ryan - ứng viên của Đảng Dân chủ cho ghế Thượng viện bang Ohio, cho rằng số liệu lạm phát mới thật “khủng khiếp” và kêu gọi “cắt giảm thuế ngay lập tức cho tầng lớp lao động”.
Tổng thống Joe Biden gọi lạm phát tháng 6 là “cao không thể chấp nhận được” nhưng lại tìm cách hạ thấp ảnh hưởng của bản báo cáo, gọi nó là “lỗi thời, đã cũ” vì không phản ánh được mức giảm của giá xăng từ giữa tháng 6 đến nay.