|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Biden nói số liệu lạm phát mới 'đã cũ', nhưng công chúng Mỹ không tin

17:45 | 15/07/2022
Chia sẻ
Tổng thống Joe Biden đang có nguy cơ “mất kết nối” với công chúng Mỹ. Trong khi ông nhiều lần hạ thấp số liệu lạm phát là “không còn đúng”, “đã cũ” thì công chúng và giới chức trách lại có cái nhìn khác hẳn.

Ông Biden “đi ngược chiều”

Dữ liệu do Cục Thống kê Lao động Mỹ mới công bố cho thấy rõ rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất kể từ tháng 12/1981.

Tổng thống Joe Biden và các cố vấn kinh tế hàng đầu nói số liệu lạm phát “cao không chấp nhận được” này là “không còn đúng, đã cũ”, vì nó không phản ánh được mức giảm của giá xăng từ giữa tháng 6.

Tuy nhiên, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại diễn giải theo hướng khác. Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland - Loretta Mester cho biết bà “không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh”. Ở chia sẻ khác, ông Christopher Waller - Thống đốc Fed, gọi báo cáo lạm phát mới nhất là một “nỗi thất vọng lớn”.

 

Hơn nữa, công chúng Mỹ cũng không thể an tâm vì thu nhập thực tế của họ đã giảm trong hơn một năm nay. Công nhân nhà máy chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, một thước đo về sức mua của nhóm này đã trượt xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2014.

Đúng như lời ông Biden, giá xăng đã giảm liên tục từ giữa tháng 6, nhưng hiện giá vẫn đắt hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 46%. Mặt khác, giá thực phẩm đã tăng hơn 10% trong một năm qua.

Và ngay cả các quan chức trong chính quyền cũng thừa nhận rằng mức giảm gần đây của giá xăng là không đủ để hãm đà tăng nhanh chóng của chi phí nhà ở - vốn đã đi lên 8,2% trong ba tháng qua.

 

Một cuộc khảo sát do Pew Research công bố giữa tuần này cho thấy, chỉ 13% người Mỹ trưởng thành tin rằng điều kiện kinh tế đang rất tốt hoặc tốt. 56% nói các chính sách của ông Biden đã khiến điều kiện kinh tế sa sút.

Theo nguồn thạo tin của Bloomberg, các quan chức Nhà Trắng không ngạc nhiên với báo cáo lạm phát tháng 6 và thực chất trước khi Cục Thống kê Lao động công bố dữ liệu, các cố vấn kinh tế đã dự đoán một con số cao hơn.

Song, do không có nhiều lựa chọn chính sách để giải quyết vấn nạn chi phí sinh hoạt gia tăng, chính quyền ông Biden vẫn tiếp tục coi Fed là người đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến.

Tổng thống Biden bỗng trở thành "người dưng ngược lối" với công chúng Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Vai trò của Fed

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Indonesia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cho hay: “Trên hết, chúng tôi luôn ủng hộ nỗ lực của Fed và những gì họ cho là cần thiết để kiểm soát lạm phát”.

Hôm 14/7, sau số liệu CPI mới, Thống đốc Waller đã ủng hộ đối với một đợt tăng lãi suất “khủng” 75 điểm cơ bản vào cuối tháng. Dù vậy, ông lưu ý phiếu bầu của mình sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu khác. Tuy nhiên, thị trường hiện kỳ vọng Fed có thể tăng tới 100 điểm.

 

Bất chấp quyết tâm của Fed, một số nhà phân tích cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ không thể làm gì nhiều, do cuộc chiến ở Ukraine mới là nguyên nhân làm tăng giá năng lượng trên toàn cầu.

Ông Derek Tang, chuyên gia kinh tế tại hãng tư vấn LH Meyer, nhận định: “Năng lượng hiện đã được vũ khí hoá cho mục đích chính trị”. Do đó, “việc hạ lạm phát xuống mức công chúng chấp nhận được có thể nằm ngoài tầm tay của Fed, bởi lĩnh vực năng lượng và thực phẩm đã chứng kiến một số thay đổi về cấu trúc”.

Về mặt tài khoá, chính quyền ông Biden có rất ít lựa chọn để cân nhắc. Các quan chức đã đổ lỗi lạm phát cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và cho các công ty - đặc biệt là trong ngành năng lượng, cho rằng họ cố tình trục lợi.

“Thách thức lớn nhất của chúng tôi ngày nay đến từ cuộc chiến bất hợp pháp và vô cớ của Nga tại Ukraine”, Bộ trưởng Yellen phát biểu từ Indonesia. “Điều đó đã được phản ánh qua dữ liệu CPI, gần một nửa mức tăng đến từ giá năng lượng”.

Bà Yellen nói việc Mỹ giải phóng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược đã giúp hạ nhiệt giá xăng. Tuy nhiên, chiến thắng thực sự là khi Mỹ có thể phối hợp với các đồng minh để áp trần giá đối với dầu thô của Nga, bà nhấn mạnh.

Vị bộ trưởng gọi đề xuất trên là “một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để xoa dịu thiệt hại mà người Mỹ và người dân thế giới đang gánh chịu tại các trạm xăng hay cửa hàng tạp hoá lúc này”.

Tuy nhiên, sáng kiến áp trần giá dầu Nga vẫn còn rất phức tạp. Để thành công, Mỹ cần phải đạt được thoả thuận với nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU). Bà Yellen cũng hy vọng rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tham gia, dù hai nước châu Á có vẻ không mặn mà.

Yên Khê