Giá xăng giảm liên tục, lạm phát ở Mỹ có hy vọng hạ nhiệt
Sau khi lập đỉnh lịch sử hồi giữa tháng 6, giá xăng tại Mỹ đã giảm liên tiếp trong 28 ngày gần đây. Theo New York Times, đây là chuỗi đi xuống dài nhất của giá xăng kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020.
Biểu đồ dưới đây cho thấy giá bán lẻ xăng tại Mỹ vào ngày 11/7 là khoảng 1,19 USD/lít, thấp hơn 7% so với đỉnh hồi trung tuần tháng 6. Chi phí xăng dầu đi xuống đã giúp người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là nhóm người nghèo, dễ thở hơn.
Theo Reuters, giá xăng nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm, ít nhất là trong vài tuần tới. Nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đang đi xuống vì giá quá cao, đồng USD mạnh lên khiến cho giá xăng ở các nước khác càng đắt hơn Tuy nhiên, nguồn cung nhiên liệu vẫn khá hạn chế nên sau vài tuần nữa, không ai biết giá xăng sẽ đi về đâu.
Tại sao giá xăng sụt giảm?
Giá bán lẻ xăng đi xuống theo giá hợp đồng tương lai dầu thô cũng như xăng trên thị trường quốc tế. Cả hai loại hợp đồng tương lai này đều giảm vì nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ nâng lãi suất quá đà, đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái để kiểm soát giá cả.
- TIN LIÊN QUAN
-
Canada trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên tăng lãi suất 100 điểm cơ bản 14/07/2022 - 17:09
Hôm 13/7, chính phủ Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong hơn 40 năm qua. Thị trường tài chính dự đoán Fed có thể tăng lãi suất tới 100 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp ngày 26-27/7, cao hơn mức 75 bps kỳ vọng trước đó.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), nhu cầu xăng, diesel và nhiên liệu bay tại Mỹ hiện thay thấp hơn 10% so với năm 2019 khi đại dịch chưa bùng phát. Các cửa hàng xăng dầu đã phản ứng bằng cách hạ giá bán.
Sức mạnh của USD cũng có những tác động nhất định. Dầu thô thường được định giá bằng đồng bạc xanh của Mỹ nên khi USD mạnh lên, giá của dầu tính theo USD sẽ giảm xuống. Ngược lại, những người nắm giữ các loại tiền tệ khác sẽ phải chi ra nhiều tiền hơn khi mua nhiên liệu.
Trong tuần này, chỉ số dollar (đo lường sức mạnh tương đối của USD so với 6 loại ngoại tệ mạnh khác) leo lên mức 108,56 điểm, cao nhất kể từ tháng 10/2002.
Liệu giá xăng có giảm tiếp không?
Theo Reuters, giá xăng có khả năng tiếp tục đi xuống, nhưng thị trường tương lai vẫn biến động rất thất thường.
Hoạt động kinh tế suy yếu và các đợt COVID-19 dai dẳng ở Trung Quốc có thể khiến cho nhu cầu nhiên liệu toàn cầu xuống thấp và làm giá cả hạ nhiệt.
Sáng 15/7, Bắc Kinh cho biết tăng trưởng GDP quý II của đất nước tỷ dân chỉ là 0,4%, thấp hơn mức 1% mà các nhà kinh tế dự báo trong khảo sát của Reuters. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc kể từ đầu đại dịch đến nay.
Cục Thống kê Trung Quốc gọi kết quả kinh tế mới nhất là “thành tích khó khăn lắm mới đạt được”, đồng thời cảnh báo về tác động “dai dẳng” của COVID-19 và “nhu cầu suy giảm” trong nước.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh “rủi ro suy thoái đi kèm lạm phát của nền kinh tế thế giới” và làn sóng thắt chặt tiền tệ ở các nước.
Mỹ quyết tâm chế ngự lạm phát
So với tháng liền trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 1,3%, cao nhất kể từ 2005 trở lại đây. Trong đó, chỉ số phụ của nhóm năng lượng tăng 7,5%, riêng chỉ số giá xăng vọt lên 11,2%. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết riêng giá nhiên liệu đã đóng góp một nửa mức tăng 1,3% của CPI.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lạm phát tại Mỹ: Con số 1,3% đáng lo hơn 9,1% 14/07/2022 - 17:33
Các quan chức Nhà Trắng quyết tâm hạ giá nhiên liệu để ghìm cương lạm phát. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần chỉ trích các tập đoàn dầu khí , đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá bán xăng.
Hôm 14/7, ông Biden đăng trên Facebook cá nhân: “Giá dầu thô WTI hiện nay đã giảm khoảng 20% kể từ giữa tháng 6, nhưng giá bán lẻ xăng mới chỉ giảm 8%”.
Một ngày trước đó, khi Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 cao vượt dự báo, ông Biden viết: “Báo cáo ngày hôm nay là lời nhắc nhở rằng lạm phát đang quá cao, chống lạm phát là ưu tiên kinh tế cao nhất của tôi”.
Ông Biden cũng tin rằng lạm phát sẽ đi xuống theo giá xăng. “Các con số lạm phát hôm nay không phải là không thể chấp nhận được, nhưng thực ra cũng đã lỗi thời. Trong 30 ngày qua, giá xăng trung bình đã giảm 40 cent/gallon”.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thì cho rằng lạm phát tại Mỹ đang “cao một cách không thể chấp nhận được” và tái khẳng định cam kết của Tổng thống Biden rằng kiềm chế lạm phát là “ưu tiên cao nhất”.
“Trước tiên, chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Fed, bất cứ việc gì mà Fed cho là cần làm để kiểm soát lạm phát”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ phát biểu tại Bali, Indonesia hôm 14/7.
Bà Yellen không quên nhắc tới vai trò của giá nhiên liệu trong cuộc chiến chống lạm phát: “Chúng tôi cũng đang thực hiện các hành động mà chúng tôi tin là có tác dụng giảm lạm phát trong ngắn hạn, đặc biệt là những việc liên quan tới giá năng lượng và Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược”.
Bà Yellen cho biết một trong những giải pháp mà Mỹ dự kiến áp dụng để hạ giá xăng và thông qua đó làm giảm lạm phát là áp mức trần lên giá dầu của Nga.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích không đồng tình với hành động áp giá trần này vì cho rằng nhiều khả năng sẽ không có hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng.
Giá là do người bán đưa ra, người mua hoặc là chấp nhận trả, hoặc là đi chỗ khác mua. Trong bối cảnh năng lực sản xuất dự phòng của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã gần như cạn kiệt, Nga sẽ không dễ gì nghe theo hiệu lệnh của Mỹ về giá trần.
Đầu tháng 7 này, nhóm chuyên gia của JPMorgan Chase ước tính, nếu Nga cắt giảm sản lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây, giá dầu có thể vọt lên 380 USD/thùng, lạm phát toàn cầu sẽ còn tồi tệ hơn.