|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba tín hiệu cảnh báo và ba tia hy vọng từ báo cáo lạm phát nóng hổi của Mỹ

08:33 | 14/07/2022
Chia sẻ
Tháng 6 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến khi người dân tiếp tục vật lộn với giá xăng cao ngất ngưỡng và chi phí thuê nhà tăng vọt. Trong khi một số nhà kinh tế đề cập đến những tín hiệu đáng ngại từ số liệu lạm phát, thì số khác bày tỏ niềm hy vọng về một tương lai đỡ u ám hơn.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 11/1981.

Trước đó, Phố Wall dự đoán CPI tăng khoảng 8,8% so với một năm trước. Mặc dù một số ngân hàng tin lạm phát có thể đã đạt đỉnh, giá tiêu dùng tại Mỹ vẫn còn rất cao và sự hạ nhiệt gần đây của thị trường hàng hoá lẫn nhà ở vẫn chưa phản ánh vào CPI.

Chi phí sinh hoạt tăng nóng trong tháng 6 có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thực hiện một đợt tăng lãi suất lớn khác vào cuối tháng này. Từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất ba lần để khống chế lạm phát.

 

Chia sẻ với Fortune, bà Nancy Davis - nhà sáng lập của công ty quản lý tài sản Quadratic Capital Management, nhận xét: “Fed vẫn đang đuổi với theo lạm phát, dù họ đã tăng lãi suất vài lần trong năm nay và cũng đã bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán”.

Bà Quincy Krosby - chiến lược gia cổ phiếu tại hãng tư vấn LPL Financial, dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất đến 100 điểm cơ bản trong cuộc họp cuối tháng 7. Ông Bill Adams, kinh tế trưởng của Comerica Bank, cũng đồng tình.

Dữ liệu lạm phát mới khiến một số nhà kinh tế lo rằng lạm phát có thể trở thành một vấn đề dai dẳng hơn dự đoán của Fed, trong khi số khác nhận thấy những tín hiệu tích cực rằng giá tiêu dùng có thể giảm trong nửa cuối năm.

3 dấu hiệu cảnh báo

Lạm phát toàn phần và dịch vụ cao ngất

Trong tháng 6, lạm phát toàn phần - bao gồm cả giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng cao hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà kinh tế. Cuộc khủng hoảng ở châu Âu đã đẩy thị trường năng lượng toàn cầu rơi vào hỗn loạn trong vài tháng qua.

Kết quả là, giá năng lượng tại Mỹ tăng 41,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá xăng nhảy vọt 60% và giá điện cao hơn 13,7%. Vì lẽ đó, lạm phát toàn phần đã vượt ước tính của các chuyên gia.

Dữ liệu lạm phát toàn phần cũng cho thấy một xu hướng đáng lo ngại khác đối với giá dịch vụ. Trong nhiều tháng nay, các nhà kinh tế đã đề cập đến sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng, từ chi tiêu cho hàng hoá sang dịch vụ.

Vào tháng 6, Fortune đã nhận thấy sự đảo chiều mà giới chuyên gia đồn đoán bấy lâu nay. Đồng sáng lập Stephen Miran của Amberwave Partners bày tỏ: “Lạm phát dịch vụ đang cố bám đuổi lạm phát hàng hoá.

Giá dịch vụ thường có xu hướng kéo dài và cần phải có một cuộc suy thoái để kéo chi phí đi xuống. Chúng ta sẽ không thể thấy lạm phát dịch vụ hạ nhiệt xuống mức dễ chịu hơn cho đến năm 2024”.

Theo số liệu chính thức, lạm phát dịch vụ đã tăng từ mức 0,6% của tháng 5 lên 0,7% trong tháng 6 và hiện cao hơn cùng kỳ năm ngoái 5,5%. Giá vé máy bay đứng đầu, với mức tăng 34,6% so với 12 tháng trước.

Lạm phát trên diện rộng và chi phí thuê nhà tăng vọt

Lạm phát tháng 6 cũng diễn ra trên diện rộng, với chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà kinh tế Phố Wall dự kiến mức tăng 5,7%.

Động lực chính của lạm phát lõi là chi phí thuê nhà, chiếm khoảng một phần ba chỉ số CPI. Chi phí này đã tăng 5,6% so với 12 tháng trước, sau khi chỉ nhích khoảng 1,7% trong ba tháng trước đó cộng lại.

Bà Nancy Davis của Quadratic cảnh báo chi phí thuê nhà có thể tiếp tục đi lên trong vài tháng tới, do giá nhà đã nhảy vọt trong năm qua. “Chỉ số giá nhà toàn quốc S&P/Case-Shiller đã tăng khoảng 20% trong 12 tháng qua”, bà đề cập thêm.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đang đương đầu với một giai đoạn khó khăn. (Ảnh: Getty Images).

Lạm phát lương thực dai dẳng và rủi ro lớn cho giới đầu tư chứng khoán

Lạm phát lương thực cũng tiếp tục là một vấn đề đau đầu trong tháng 6, khi chỉ số lương thực tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí thực phẩm tại nhà đã tăng ít nhất 1% trong 6 tháng liên tiếp.

Ông Curt Covington - Giám đốc cấp cao tại công ty cho vay AgAmerica, cho rằng trừ khi giá năng lượng và hàng hoá giảm đáng kể, lạm phát lương thực sẽ tiếp tục là một thách thức.

“Không tính việc Fed tăng lãi suất, thì ảnh hưởng lớn nhất đến ngành nông nghiệp là giá năng lượng và chi phí đầu vào cao ngất ngưỡng. Chi phí tăng lên làm giảm biên lợi nhuận của nông dân và các chi phí bổ sung cuối cùng sẽ được sang tay cho người tiêu dùng”, ông Covington lý giải.

Ở chia sẻ khác với Fortune, ông David Russell - Phó Chủ tịch phụ trách mảng phân tích thị trường của công ty môi giới chứng khoán TradeStation Group, cho biết số liệu CPI mới nhất là một “rủi ro lớn đối với cổ phiếu”.

“Phố Wall đang kỳ vọng rằng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ chững lại, thậm chí là chậm nhất kể từ cuối năm 2020. Vì vậy, tâm trạng của nhà đầu tư trong những tuần tới có thể khá ảm đạm”, ông Russell nhấn mạnh.

Một vài mặt tích cực

Giá xăng đang hạ nhiệt

Dù số liệu lạm phát tháng 6 gây lo ngại cho công chúng, vẫn có một số điểm sáng đáng chú ý.

Thứ nhất, giá xăng là một yếu tố đóng góp chính vào CPI tháng trước. Song, giá xăng đã giảm từ mức đỉnh hơn 5 USD/gallon hồi tháng 6 xuống còn khoảng 4,63 USD/gallon vào ngày 13/7, theo AAA.

Trong một tuyên bố cùng ngày 13/7, Tổng thống Joe Biden cho biết mặc dù lạm phát vẫn ở mức “cao không thể chấp nhận được”, dữ liệu CPI mới nhất “không còn đúng” vì nó đang phản ánh đà tăng giá đã xảy ra.

“Chỉ riêng năng lượng đã chiếm gần một nửa mức tăng lạm phát mới đây. Dữ liệu của ngày hôm nay không thể hiện tác động đầy đủ của gần 30 ngày giá xăng đi xuống…”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Một hiện tượng toàn cầu

Thứ hai, lạm phát đang là một vấn đề toàn cầu. Các quốc gia trên khắp thế giới đều đang chứng kiến giá tiêu dùng tăng cao do cuộc chiến ở Ukraine, các cuộc phong toả COVID ở Trung Quốc và tình trạng phi toàn cầu hoá. Nói cách khác, lạm phát không phải bài toán của riêng Mỹ.

Theo cơ quan thống kê INDEC của Argentina, lạm phát ở nước này vừa lập đỉnh 60% vào tháng 5. Khảo sát của ngân hàng trung ương Argentina cho thấy, tỷ lệ lạm phát thường niên có thể đạt gần 73% vào cuối năm nay.

Hơn nữa, không chỉ các quốc gia thường xuyên đối phó với lạm phát cao mới thấy giá cả tiêu dùng nóng lên.

Lạm phát tại Anh cũng đạt mức đỉnh 40 năm vào tháng 5, với chỉ số CPI tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát của khu vực đồng euro dự kiến sẽ chạm mốc 8,6% trong tháng 6.

Ngay cả Nhật Bản - quốc gia gắn liền với tình trạng giảm phát, cũng đang ghi nhận giá tiêu dùng tăng cao.

Một số dự đoán tích cực của chuyên gia

Không phải mọi nhà kinh tế trên Phố Wall đều dự đoán tiêu cực về lạm phát.

Ông Stephen Mirran của Amberwave Partners hy vọng “lạm phát hàng hoá lõi sẽ ‘đi xuống mặt đất’” trong những tháng tới. Theo vị chuyên gia, hàng tồn kho bán lẻ tăng cao sẽ là chìa khoá để giảm bớt áp lực giá cả trong tương lai.

Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS Global Wealth Management cũng tin tưởng lạm phát sẽ bắt đầu đi xuống trong những tháng tới.

“Chúng tôi tiếp tục cho rằng lạm phát sẽ bắt đầu trở lại mức bình thường hơn, đảo ngược tiến trình diều hâu hoá của Fed. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra từ từ và lạm phát có thể nằm trên ngưỡng mục tiêu 2% của Fed một khoảng thời gian”, ông Haefele cho hay.

Cuối cùng, ông Jay Hatfield - CEO của nền tảng Infrastructure Capital Management, nói với Fortune rằng ông hy vọng đồng USD mạnh lên sẽ giúp đẩy giá hàng hoá đi xuống trong nửa cuối năm, qua đó giúp xoa dịu lạm phát.

Khả Nhân

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.