|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Canada trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên tăng lãi suất 100 điểm cơ bản

17:09 | 14/07/2022
Chia sẻ
Mới đây, ngân hàng trung ương Canada đã gây sốc cho công chúng khi tăng lãi suất mạnh hơn dự đoán để khống chế lạm phát.

Ông Tiff Macklem, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada. (Ảnh: Canadian Press).  

Canada đang trở thành tâm điểm của sự chú ý khi trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên tăng lãi suất 100 điểm cơ bản. Cụ thể, hôm 13/7, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã thực hiện đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản đầu tiên trong chu kỳ thắt chặt chính sách hiện nay của các nước tiên tiến.

Đây là cách các quan chức BoC phản ứng trước lạm phát “cao hơn và dai dẳng hơn trước”. Khi thực hiện động thái tăng lãi suất mạnh tay nhất kể từ năm 1998, các nhà hoạch định chính sách của BoC cũng lưu ý về rủi ro ngày càng lớn rằng áp lực giá cả sẽ bám rễ vào nền kinh tế.

Trước BoC, đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản hồi tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là động thái mạnh tay nhất của một ngân hàng trung ương thuộc nhóm các nền kinh tế tiên tiến trong cuộc chiến chống lạm phát.

Tờ Reuters cho biết BoC không phải là ngân hàng trung ương duy nhất trong khối G10 hành động vào ngày 13/7. Dưới đây là vị thế của các nhà hoạch định chính sách trong cuộc chiến chống lạm phát hiện tại:

1. Mỹ

Fed nhảy lên vị trí ngân hàng trung ương “diều hâu” nhất vào ngày 15/6 với việc nâng phạm vi lãi suất chuẩn thêm 0,75 điểm % lên 1,5-1,75%. Fed ra quyết định này chỉ vài ngày sau khi báo cáo chính thức cho thấy lạm phát tháng 5 của Mỹ đã leo lên mức 8,6%.

Số liệu lạm phát tháng 6 thậm chí còn nóng bỏng hơn - ở mức 9,1%. Điều này khiến thị trường suy đoán Fed sẽ phản ứng lại bằng mức tăng lãi suất 100 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách cuối tháng này. Fed cũng đang giảm quy mô bảng cân đối kế toán trị giá 9.000 tỷ USD.

2. New Zealand

Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) thực hiện đợt tăng lãi suất lần thứ 6 liên tiếp vào ngày 13/7. Hiện lãi suất chuẩn của RBNZ là 2,5%, mức chưa từng thấy kể từ tháng 3/2016. Ngân hàng trung ương này có vẻ vẫn dự định theo đuổi lộ trình thắt chặt chính sách quyết liệt đến cùng để khống chế lạm phát.

Barclays dự đoán sau đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 8, mức tăng trong mỗi lần tiếp theo sẽ chỉ là 25 điểm. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của New Zealand đang giảm sút.

3. Canada

Thị trường kỳ vọng lần này BoC sẽ theo chân Fed và tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, nhưng giới chức BoC đã khiến mọi người phải bất ngờ. Các nhà hoạch định chính sách còn nói thêm rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. 

Lãi suất chính sách của BoC đã được nâng từ 1,5% lên 2,5%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Đồng đôla Canada tăng giá sau khi BoC tăng lãi suất 100 điểm cơ bản. BoC cho biết chủ ý của họ là hành động mạnh tay từ sớm để tránh việc phải tăng lãi suất mạnh hơn lúc sau.

4. Anh

Sau 4 đợt điều chỉnh kể từ tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 16/6. Lãi suất hiện tại của Anh là 1,25% - mức cao nhất kể từ tháng 1/2009. Nhưng với dự báo lạm phát ở Anh sẽ sớm vượt mức 11%, BoE có lẽ sẽ cần thực hiện lời hứa hành động “mạnh mẽ” nếu cần.  

5. Na Uy

Na Uy là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới mở màn cho chu kỳ tăng lãi suất vào năm ngoái. Ngày 23/6, ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên mức 1,25%. Kể từ năm 2002, Na Uy chưa từng thực hiện đợt tăng lãi suất nào lớn đến vậy.

Thống đốc Ida Wolden Bache cho biết ngân hàng trung ương Na Uy dự định sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cả 4 cuộc họp chính sách còn lại của năm 2022. Tuy nhiên, ông Ida cũng không loại trừ khả năng tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến.

6. Australia

Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mau lẹ và lạm phát lập đỉnh 20 năm ở mức 5,1%, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã bất ngờ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 6/6.

Đây là động thái liên tiếp thứ hai của RBA sau khi khăng khăng suốt nhiều tháng rằng thắt chặt chính sách là việc xa vời. Thị trường tiền tệ đang phản ánh vào giá mức tăng 50 điểm cơ bản nữa trong tháng 7.

7. Thụy Điển

Cũng như Australia, Thụy Điển là đất nước mới gia nhập cuộc chiến chống lạm phát. Ngân hàng trung ương Thụy Điển vừa nâng lãi suất từ 0,25% lên 0,75% vào ngày 30/6. Đây là lần tăng lãi suất mạnh tay nhất của Thụy Điển trong hơn hai thập kỷ.

Mới tháng 2, ngân hàng trung ương Thụy Điển còn dự báo sẽ giữ nguyên chính sách cho đến năm 2024. Nhưng giờ Thống đốc Stefan Ingves dự kiến lãi suất sẽ chạm mốc 2% vào đầu năm 2023 và nói rằng các đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản là hoàn toàn khả thi.

8. Khu vực đồng euro

Lạm phát ở khu vực đồng euro đã leo lên 8,6% trong tháng 6. Để đối phó với tình hình, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 21/7, lần đầu tiên kể từ năm 2011. ECB dự kiến sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất tương tự vào tháng 9.

ECB cũng đang đẩy nhanh việc phát triển một công cụ để kiểm soát sự phân mảnh của thị trường trái phiếu trong khối. Kể từ ngày 1/7, ECB cũng sẽ sử dụng tiền thu được từ trái phiếu Đức, Pháp và Hà Lan đáo hạn để mua nợ từ các thị trường yếu hơn như Italy.

9. Thụy Sĩ

Ngày 16/6, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đột ngột tăng lãi suất từ mức thấp nhất trên thế giới là -0,75% lên -0,25%, khiến giá đồng franc Thụy Sĩ nhảy vọt.

Sự suy yếu gần đây của đồng franc đã góp phần đẩy lạm phát tại Thụy Sĩ lên mức cao nhất trong vòng 14 năm. Ông Thomas Jordan, Thống đốc SNB cho biết bản thân không còn xem franc là một đồng tiền được định giá cao.

Phát biểu này khiến các nhà đầu tư đặt cược rằng Thụy Sĩ sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Thị trường đang dự đoán rằng sẽ có một đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản trong tháng 9.

10. Nhật Bản

Nhật Bản là chú “bồ câu” duy nhất còn sót lại. Ngày 18/6, Nhật Bản duy trì lãi suất siêu thấp và cam kết sẽ bảo vệ trần của lợi suất trái phiếu với chương trình mua trái phiếu không giới hạn. Nhật Bản vẫn giữ vững lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong phạm vi 0-0,25%.

Ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nhấn mạnh quyết tâm duy trì kích thích kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc tỷ giá đồng yen nhanh chóng rớt xuống đáy 24 năm là “điều không mong muốn” vì nó làm tăng sự không chắc chắn.

Trong khi đó, các quỹ đầu cơ đang cược rằng BoJ sẽ không thể duy trì chương trình mua trái phiếu mãi. BoJ cũng có thể sẽ phải đối mặt với áp lực chính trị, với nguy cơ lạm phát vượt mức 2% trong hai tháng liên tiếp và các cuộc bầu cử sắp được tổ chức trong tháng 7.

Giang

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.