|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed có nguy cơ lặp lại sai lầm tai hại nếu hạ lãi suất quá sớm

11:09 | 14/07/2022
Chia sẻ
Nếu Fed run sợ trước nguy cơ suy thoái và vội vã nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều khả năng về sau Fed sẽ phải tăng lãi suất lên cao hơn nhiều ước tính hiện tại thì mới kiềm chế được bão giá cả.

 

 Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Axios). 

Bóng ma quá khứ 

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Jerome Powell, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980. Đến nay, quy trình này không gặp phải rắc rối gì vì lãi suất khởi điểm thấp và nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ.

Cửa ải cam go nhất vẫn còn ở phía trước. Năm ngoái, Fed gặp khó khăn trong việc xác định khi nào thì nên bắt đầu tăng lãi suất. Tương tự, lần này, Fed cũng không dễ dàng biết được lúc nào cần dừng lại. Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế bắt đầu giảm tốc đáng kể nhưng lạm phát vẫn còn quá cao?

Theo tờ Wall Street Journal, đây là lần đầu tiên Fed phải đối mặt với tình thế phức tạp như vậy trong hàng thập kỷ. Do đó, các nhà đầu tư – và ngay cả các nhà hoạch định chính sách của Fed - cũng không có nhiều niềm tin vào cách ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phản ứng.

 

Kể từ khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % vào đầu tháng 6, cách thị trường phản ứng cho thấy nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại về suy thoái.

Giá dầu và nhiều loại hàng hóa tụt dốc. Các thước đo dựa trên thị trường về lạm phát tương lai và lợi suất trái phiếu sụt giảm. Thị trường tương lai giờ dự đoán Fed sẽ kéo lãi suất chuẩn từ mức 1,5-1,75% hiện tại lên khoảng 3,5% vào tháng 3 năm tới, rồi sau đó lại hạ lãi suất.

Những phán đoán đó dựa trên giả định là lạm phát sẽ nhanh chóng hạ nhiệt. Giả như Fed nới tay vì lo sợ tăng trưởng giảm tốc trước khi lạm phát bị dập tắt, thì có nguy cơ họ sẽ lặp lại sai lầm chính sách “lùi rồi tiến" tai hại những năm 1970.

Để tránh sai lầm đó, “Fed có lẽ sẽ không thể chuyển hướng và cắt giảm lãi suất nhanh chóng, hoặc không hạ lãi suất chút nào”, theo nhận định của bà Krishna Guha, Phó Chủ tịch Evercore ISI.

“Lùi rồi tiến” chỉ việc Fed dao động giữa việc tăng lãi suất nhằm khuất phục lạm phát và lại nới tay để củng cố tăng trưởng – để rồi xôi hỏng bỏng không. Quá trình này bắt đầu từ thập niên 1960, khi Chủ tịch Fed William McChesney Martin Jr ngừng chu kỳ tăng lãi suất trong lúc mọi người hoảng sợ về viễn cảnh suy thoái.

Mọi chuyện còn tệ hơn nữa khi Chủ tịch Fed Arthur Burns tăng mạnh lãi suất trong giai đoạn 1972-1974 rồi lại cắt giảm vào năm kế tiếp giữa một cuộc suy thoái rõ rệt. Lạm phát đi xuống nhưng vẫn ở mức cao.

Ông Peter Hooper, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Deutsche Bank giải thích: “Rắc rối của những năm 1970 là Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed giáng đòn đau lên thị trường lao động. Rồi Fed lại nơi tay, và không bao giờ giải quyết rắc rối triệt để”.

Rốt cuộc phải đến năm 1981, Chủ tịch Paul Volcker mới thay đổi chiến lược của Fed, kéo lãi suất lên cao hơn hẳn để đảm bảo lạm phát không ngóc đầu lên được nữa.

Nguy cơ thắt chặt quá đà

Ông Hooper tin rằng Chủ tịch Powell sẽ không lặp lại sai lầm của những người tiền nhiệm vì ngân hàng trung ương Mỹ đã nghiên cứu chúng triệt để. Nhưng thay vào đó, ông dự đoán Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2023, kéo tỷ lệ thất nghiệp từ 3,6% trong tháng 6 lên ít nhất là 5,5%.

Ông cảnh báo: “Nếu Fed không nhanh chóng giải quyết vấn đề, thì Mỹ sẽ lặp lại thời kỳ 1980-1982, khi mà tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 10%”.

Các quan chức Fed đang mong đợi rằng áp lực giá cả sẽ sớm giảm sút. Như vậy, Fed sẽ không cần phải tăng lãi suất lên trên 4% hoặc 5%. Nhưng các quan chức cũng sử dụng những từ như “kiên quyết”, “quyết tâm” và “con đường trắc trở” để cho thấy họ cảnh giác với rủi ro của lạm phát như thế nào.

 

Giới chức Fed lo ngại rằng tâm lý lạm phát sẽ biến đổi theo hướng khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp tục chấp nhận giá cả cao hơn. Để ngăn chặn kỳ vọng tự biến thành sự thực, Fed đang dùng cả lời nói và hành động để khiến công chúng không tin rằng lạm phát sẽ mãi ở mức cao.

Fed sẵn lòng chấp nhận rủi ro suy thoái vì coi lạm phát lâu dài là mối nguy lớn hơn – vì nó làm sai lệch quá trình ra quyết định, dẫn đến nhiều chu kỳ bùng nổ và đổ vỡ hơn. Ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis diễn giải: “Lạm phát làm rối loạn tín hiệu giá cả trong nền kinh tế. Doanh nghiệp khó lựa chọn lĩnh vực đầu tư hơn. Người lao động khó chọn ngành nghề làm việc hơn”.

Giới chức Fed đã ra hiệu sẵn sàng thực hiện thêm một đợt tăng lãi suất 0,75 điểm % trong hai tuần tới và kéo lãi suất lên ít nhất là 3% trong năm nay, tờ Wall Street Journal cho biết. 

Tuy nhiên, việc quá chú tâm vào lạm phát cũng có rủi ro riêng. Dữ liệu lạm phát có độ trễ so với hoạt động của nền kinh tế. Khi tăng lãi suất theo những đợt lớn như vậy và sử dụng lạm phát làm "kim chỉ nam", Fed có thể làm suy yếu nền kinh tế nhiều hơn cần thiết.

Ông Donald Kohn, cựu Phó Chủ tịch Fed bắt đầu làm việc tại ngân hàng trung ương Mỹ năm 1970 nhận xét: “Fed đang làm đúng. Nhưng nếu tiếp tục phản ứng dựa trên lạm phát, thì chắc chắn Fed sẽ thắt chặt chính sách quá đà”.  

Trong bổi hội thảo trực tuyến lần trước với Thống đốc Christopher Waller của Fed, ông Kohn kêu gọi ngân hàng trung ương Mỹ nên cân nhắc về “thời khắc Volcker thứ hai”. Đó là khi Chủ tịch Volcker quyết định vào mùa hè năm 1982 rằng ông sẽ từ bỏ khung chính sách hiện hành.

Ông Kohn hồi tưởng: “Lúc đó, lạm phát đã rút về gần 5%, tức là vẫn khá cao. Nhưng Chủ tịch Volcker nói: ‘Đủ rồi. Chúng ta đã đạt được nhiều mục tiêu. Thiệt hại khi tiếp tục tăng lãi suất đang vượt quá lợi ích’”.

Đến khi đó, các đợt tăng lãi suất đã thổi bùng khủng hoảng nợ ở khu vực Mỹ Latinh, đe dọa tới vài ngân hàng lớn của Mỹ. Fed tăng lãi suất trở lại vào tháng 5/1983, và kể từ đó kinh tế Mỹ tăng trưởng đến cuối thập kỷ mà không chứng kiến lạm phát tăng tốc trở lại.

Ông Kohn không mấy lo ngại Fed sẽ lặp lại sai lầm chính sách “lùi rồi tiến” của những năm 1970. Thay vào đó, ông sợ rằng Fed sẽ mắc phải sai sót tương tự như năm ngoái, khi Fed hạ thấp nguy cơ lạm phát để tập trung cải thiện tình hình việc làm.

Ông Kohn bày tỏ: “Nếu kịch bản đảo ngược thì sao? Mọi người đang chú ý quá nhiều vào lạm phát mà không thấy rằng nền kinh tế đang yếu đi, dù tự thân sự suy yếu của nền kinh tế sẽ giúp kiềm chế lạm phát”.

Giang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.