|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC đối mặt với nhiệm vụ gần như bất khả thi vào năm 2023

10:09 | 15/07/2022
Chia sẻ
Nếu muốn cân bằng cung và cầu, các nước thành viên OPEC sẽ cần phải bơm dầu thô với tốc độ nhanh nhất trong 5 năm vào năm 2023. Nhưng những hạn chế về năng lực sản xuất cho thấy mục tiêu này sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Bloomberg, dự báo mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đều cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu tăng mạnh trở lại vào năm 2023, bất chấp lo ngại về lạm phát và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Việc thiếu đầu tư thêm vào năng lực khai thác dầu thô đồng nghĩa với việc OPEC sẽ cần phải bơm dầu với tốc độ cao hơn để đáp ứng nhu cầu của thế giới.

 

Cả ba nhà dự báo đều cho rằng nhu cầu dầu toàn thế giới sẽ tăng ít nhất 2 triệu thùng/ngày vào năm tới, trở lại trên mức 2019 lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID diễn ra.

Các nhà dự báo tại OPEC lạc quan hơn nhiều về nhu cầu dầu so với IEA và EIA. Kết hợp các ước tính cho năm 2022 và 2023, OPEC kỳ vọng mức tăng trong hai năm là hơn 6 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, IEA chỉ dự đoán mức tăng 3,9 triệu thùng/ngày, còn EIA thì là 4,3 triệu thùng/ngày. 

Báo cáo mới nhất của OPEC giả định rằng đại dịch COVID, xung đột Ukraine, cũng như làn sóng thắt chặt tài chính toàn cầu trong bối cảnh lạm phát không làm suy yếu tăng trưởng kinh tế ở một mức độ đáng kể. Đồng thời, các nền kinh tế lớn “quay trở lại với tiềm năng tăng trưởng”. Tuy nhiên, tổ chức này cũng lưu ý rằng dự báo vẫn còn nhiều điều không chắc chắn.

OPEC kỳ vọng sự tăng trưởng đưa nhu cầu dầu thế giới lên trung bình 103 triệu thùng/ngày vào năm 2023. IEA và EIA lần lượt đưa ra con số ở mức 101,3 triệu thùng và 101,6 triệu thùng/ngày. Nhu cầu này gây áp lực ngày càng lớn đối với các nước OPEC phải bơm nhiều hơn, ngay cả khi hầu hết đều đã sản xuất nhiều nhất có thể.

Công suất dự phòng của OPEC không còn nhiều

Theo số liệu của chính OPEC cũng như IEA, 13 thành viên OPEC sẽ cần cung cấp trung bình hơn 30 triệu thùng/ngày vào năm 2023. EIA dự kiến công suất cần thiết là là 29,4 triệu thùng/ngày.

Dù đây chưa phải sản lượng kỷ lục của tổ chức, nhưng sẽ là mức cao nhất kể từ năm 2018. Quan trọng hơn, công suất dự phòng của OPEC sẽ xuống mức thấp nhất trong nhiều năm là khoảng 2 triệu thùng/ngày, dựa trên đánh giá của Bloomberg về năng lực sản xuất bền vững ở các nước OPEC.

Trong lần cuối cùng khi các thành viên hiện tại của OPEC bơm hơn 30 triệu thùng/ngày, tổng sản lượng của 5 nước thành viên: Algeria, Iran, Libya, Nigeria và Venezuela, cao hơn gần 2,75 triệu thùng/ngày so với hồi tháng 6.

Chỉ có ba thành viên: Iraq, Arab Saudi và UAE đã bơm nhiều dầu hơn vào tháng trước so với mức trung bình của năm 2018.

OPEC luôn sản xuất dưới mục tiêu kể từ cuối năm 2020.

10 thành viên của OPEC bị ràng buộc bởi điều khoản trong thỏa thuận sản xuất đã ký vào năm 2020 với một nhóm các đồng minh năm ngoài tổ chức. Các thành viên OPEC đã không bơm vượt mức cho phép kể từ tháng 7/2020.

Ban đầu, thỏa thuận trên đã giúp cân bằng sản lượng quá mức của các đồng minh. Nhưng gần đây, thỏa thuận dường như đã phản ánh việc OPEC không có khả năng tăng sản lượng tương xứng với các mục tiêu. Hầu hết các thành viên đều đã bơm hết sức có thể.

Việc OPEC không có khả năng nâng năng lực sản xuất, cùng với giá dầu trên 100 USD/thùng và nhu cầu tăng cao không phải là điềm báo tốt cho tương lai. Tổ chức này sẽ cần bơm thêm trung bình khoảng 1,36 triệu thùng/ngày vào năm tới so với tháng 6/2022. 

Minh Quang