|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Gấu' đang quay trở lại thị trường dầu mỏ

06:00 | 15/07/2022
Chia sẻ
Các thương nhân đang bán dầu trở lại do lo ngại ngày càng sâu sắc về hướng đi của nền kinh tế toàn cầu, thậm chí điều này còn chiếm thế thượng phong so với mối lo về nguồn cung.

 

Khu vực xử lý dầu thô tại mỏ Khurais, Arab Saudi. (Ảnh: Bloomberg).

Trong tháng qua, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã mất hơn 20 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tại Mỹ giảm gần 25 USD/thùng. Lo ngại về suy thoái kinh tế dường như là động lực lớn nhất khiến giá dầu tụt mất mốc 100 USD/thùng, dù nhu cầu vẫn mạnh mẽ bất chấp mức giá cao.

Theo đưa tin từ Reuters, các quỹ phòng hộ đang bán dầu ra thị trường. Trong tuần tính đến ngày 5/7, các quỹ này đã bán ra lượng dầu thô và nhiên liệu tương đương 110 triệu thùng. Số liệu của Reuters được tính dựa trên 6 hợp đồng giao dịch phổ biến nhất.

Reuters lưu ý, trong 4 tuần tính đến ngày 5/7, các quỹ phòng hộ đã bán ra tổng cộng 200 triệu thùng dầu. Tốc độ bán ra của tuần tính đến ngày 5/7 càng đáng chú ý hơn khi so với con số của cả 4 tuần.

Các dự báo về suy thoái - đặc biệt là ở Mỹ, đang gia tăng nhanh chóng. Tín hiệu mới nhất đến từ hãng tài chính TD Securities, khi các chuyên gia cảnh báo khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào đầu năm 2023 là hơn 50%.

Ông Richard Kelly - trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu của TD Securities, đã liệt kê ba yếu tố sẽ quyết định cú lao dốc của nền kinh tế Mỹ, gồm giá xăng tăng cao, chính sách tiền tệ diều hâu của Fed khi cơ quan này dốc sức khống chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế chung chững lại.

Mặt khác, Bloomberg cho rằng quan điểm của công chúng Mỹ về nền kinh tế có vẻ quá bi quan, dù thị trường lao động đang cực kỳ vững mạnh. Theo Bloomberg, chính kỳ vọng của người dân Mỹ có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới suy thoái, tức kỳ vọng trở thành sự thật.

Các dự báo nêu trên rõ ràng có tác động mạnh mẽ đến các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tài chính khác. Tốc độ mà những quỹ này bán ra các hợp đồng dầu thô chính là bằng chứng, dù các nguyên tắc cơ bản của thị trường năng lượng không thay đổi mấy trong vài tuần qua.

Ngược lại, nguồn cung dầu thô toàn cầu đang trở nên eo hẹp hơn. Tuần trước, Libya vừa tuyên bố thêm một tình huống bất khả kháng khác khiến nước này lỡ hẹn xuất khẩu dầu mỏ, oilprice.com cho hay.

Công suất dự phòng của Arab Saudi cũng trở thành chủ đề bàn tán, dù không phải tích cực gì. Nhiều người đang nghi ngờ khả năng nâng sản lượng một cách có ý nghĩa của Arab Saudi, một yếu tố có thể giúp hạ nhiệt giá dầu.

Nga vẫn tiếp tục vận chuyển các lô dầu đáng lẽ phải tới châu Âu sang cho các khách hàng ở châu Á. Cùng lúc, phương Tây đang nghiên cứu cách áp trần giá đối với dầu thô của Nga, nhằm giữ cho dầu của xứ sở Bạch Dương tiếp tục chảy vào thị trường quốc tế nhưng vẫn có thể cắt giảm doanh thu của nước này.

Tuy nhiên, những “con gấu” đã bắt được tín hiệu mới từ Trung Quốc. Tuần trước, đất nước tỷ dân báo cáo rằng họ đã phát hiện các ca nhiễm mang biến chủng phụ của Omicron. Đây là một biến chủng có khả năng lây lan rất cao.

Thị trường tin rằng chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ triển khai các cuộc xét nghiệm diện rộng và thậm chí có khả năng áp các hạn chế di chuyển để ngăn dịch bệnh lây lan, dựa trên chính sách Zero COVID của nước này.

Các nhà nghiên cứu của EBW Analytics đánh giá: “Thị trường dầu mỏ đang bị kéo căng theo hai hướng. Nguồn cung vật lý thì cực kỳ eo hẹp, nhưng lo ngại về nhu cầu trong tương lai [dưới kịch bản suy thoái] cũng xuất hiện”.

Kể từ giữa tuần, có vẻ như mối lo về nhu cầu, đặc biệt là nguy cơ phong toả COVID ở Trung Quốc, đã trở thành tâm điểm và thúc giục nhiều quỹ phòng hộ bán ra các hợp đồng dầu thô.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.