|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ai ‘ngư ông đắc lợi’ khi phương Tây cấm vận cùng lúc ba nhà sản xuất dầu mỏ lớn?

19:11 | 10/07/2022
Chia sẻ
Từ lâu, Trung Quốc đã mạnh tay gom dầu thô của hai quốc gia bị Mỹ cấm vận là Venezuela và Iran. Giờ đây, khi Nga nằm trên danh sách cấm vận mới của phương Tây, Trung Quốc lại càng hưởng lợi.

“Ngư ông đắc lợi”

Khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela và Iran, Trung Quốc đã trở thành khách hàng mua dầu thô lớn nhất của hai quốc gia này.

Thậm chí, bất chấp cảnh báo liên tục và cả hành động thực tế từ các quan chức Washington, các nhà máy lọc dầu tại đất nước tỷ dân vẫn mạnh tay gom hàng từ hai nước trên.

Giờ đây, Trung Quốc lại vừa trở thành nhà nhập khẩu lớn của dầu thô Nga. Đáng chú ý là Nga đang phải chịu lệnh trừng phạt không chỉ của Mỹ mà còn cả châu Âu, nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc chiến với Ukraine.

Các chuyên gia trong ngành lưu ý rằng kể từ tháng 3, Nga hầu như không thể tìm thấy khách mua mới cho các lô dầu đáng lẽ phải xuất sang châu Âu. Sau đó, chính Trung Quốc và Ấn Độ đã ra tay mua những lô dầu bị tẩy chay của Nga.

Một cơ sở lọc dầu của Trung Quốc. (Ảnh: China Daily).

Trong khi giá dầu tại hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều tăng, thì với Trung Quốc, giá lại đang đi xuống nhờ mức chiết khấu đáng kể mà ba quốc gia bị cấm vận dành cho thị trường này.

Bắc Kinh có thể đang âm thầm ăn mừng các lệnh trừng phạt mà phương Tây giáng xuống đầu Nga, vì chúng giúp các công ty Trung Quốc tiếp cận với nhiều dầu thô hơn, oilprice.com nhận định.

Công suất của Venezuela đang khá eo hẹp và kế hoạch tăng sản lượng của Iran thì đang phụ thuộc vào triển vọng tái ký kết thoả thuận hạt nhân mới với phương Tây, oilprice.com lý giải.

Theo đưa tin từ Bloomberg, trong tuần qua, Iran thậm chí đã phải tiếp tục hạ giá dầu thô để giành chỗ đứng tại Trung Quốc. Đối với Iran, Trung Quốc là một thị trường quan trọng, vì đây là một trong số ít nơi mua dầu của Iran trong bối cảnh các cấm vận của Washington vẫn còn hiệu lực.

Cụ thể, Iran đã giảm giá dầu thêm 10 USD/thùng so với dầu Brent chuẩn quốc tế để cạnh tranh với dầu Ural của Nga - sản phẩm vốn có đặc tính tương đương và đang được xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc.

 

Chia sẻ với Bloomberg, bà Vandana Hari, nhà sáng lập hãng tư vấn năng lượng Vanda Insights, bình luận: “Sự cạnh tranh giữa dầu thô của Iran và Nga…là hoàn toàn có lợi cho Bắc Kinh.

“Điều này cũng có thể khiến các nhà sản xuất khác ở vùng Vịnh bất an vì một trong các thị trường hàng đầu của họ đang bị xâm chiếm bởi các lô dầu được chiết khấu mạnh”, bà nói thêm.

Trong tương lai, việc các quốc gia bị cấm vận đổ xô bán dầu mỏ sang Trung Quốc có thể khơi ra mối bất hoà trong liên minh OPEC+, dù phải mất một thời gian nhất định để mối bất hoà đó tự bộc lộ ra.

Lợi thế kinh tế

Khách mua chính của cả dầu thô Iran, Venezuela và Nga là các nhà máy lọc dầu tư nhân ở Trung Quốc - hay các “ấm trà” theo cách gọi của truyền thông địa phương.

Các tập đoàn năng lượng nhà nước cần phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt cẩn thận và có hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu. Trái lại, các “ấm trà” chủ yếu phục vụ xăng dầu cho thị trường nội địa. Vì lẽ đó, họ có thể thoải mái gom hàng bị tẩy chay hơn.

Giữa lúc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô của ba quốc gia bị cấm vận, phương Tây lại đang chật vật với cú sốc giá năng lượng. Sắp tới, Tổng thống Joe Biden sẽ phải đến gặp các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông để kêu gọi họ cung ứng thêm dầu.

Điểm đáng lưu ý là khả năng cao chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng sẽ không tạo ra kết quả khả quan. Arab Saudi hay UAE có thể sẽ không bơm thêm dầu, vì công suất dự phòng của họ đang rất hạn hẹp.

Đầu tháng này, Reuters đưa tin rằng hai thành viên OPEC có thể không có nhiều công suất dự phòng như ước tính của các cơ quan như EIA và IEA. Thông tin của Reuters đã gây ra địa chấn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, vì nó làm tăng thêm lo ngại rằng nguồn cung dầu sẽ khó tăng một cách đáng kể trong tương lai gần.

Nhìn chung, giá dầu sẽ tiếp tục tăng lên, dù phần nào bị chế ngự bởi nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu. Người tiêu dùng ở Bắc Mỹ và châu Âu hẳn sẽ phải đổ xăng với mức giá cao hơn. Tuy nhiên, điều đó có thể sẽ không xảy ra ở Trung Quốc.

Giá nhiên liệu tại Trung Quốc đang trên đà giảm sau nhiều tháng đi lên. Và so với mức giá ở Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU), đà tăng giá ở Trung Quốc là không đáng kể. Lợi thế kinh tế này có thể liên quan đến những thùng dầu bị trừng phạt từ Venezuela, Iran và Nga, oilprice.com kết luận.