|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu đã giảm nhưng thời kỳ nhiên liệu đắt đỏ còn lâu mới kết thúc

10:36 | 14/07/2022
Chia sẻ
Việc giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng đang thắp lên hy vọng rằng thời kỳ giá nhiên liệu đắt đỏ sẽ sớm tàn lụi. Nhưng thực tế phũ phàng là thế giới vẫn đang gặp vô vàn khó khăn trong việc sản xuất đủ lượng dầu cần thiết.

Công nhân làm việc tại mỏ dầu ở Trung Quốc, năm 2016. (Ảnh: Getty Images).

Vô vọng

Ngày 6/7, giá dầu WTI lần đầu tiên giảm xuống dưới 100 USD/thùng kể từ tháng 4. Việc giá dầu đánh mất ngưỡng quan trọng nhóm lên trong lòng các chính trị gia, chủ doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới hy vọng rằng thời kỳ giá nhiên liệu đắt đỏ sắp khép lại. Nhưng niềm hy vọng này sẽ chỉ dẫn đến thất vọng.

Trên thực tế, động lực cơ bản của cung và cầu dầu thô cho thấy thời kỳ giá cả cao sẽ kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là vài năm, tờ Bloomberg nhận định.

Nhu cầu cho nhiên liệu vẫn đang tăng cao khi thế giới phục hồi từ COVID-19. Các nước không có đủ nhà máy lọc dầu để chuyển hóa dầu thô thành nhiên liệu. Và các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới thì đã chạm gần đến giới hạn khai thác tối đa. Trong lúc này, cuộc chiến Nga-Ukraine lại kìm hãm xuất khẩu từ Nga.

Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phát biểu tại một sự kiện ngày 12/7: “Đây là lần đầu tiên thế giới chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng sâu rộng và phức tạp như hiện nay. Có thể chúng ta còn chưa trải qua điều tồi tệ nhất”.

 

Khủng hoảng năng lượng có tác động sâu sắc đến chính trị và kinh tế toàn cầu. Mức tăng 42% của giá xăng trong năm nay đã kéo lạm phát tại Mỹ lên mức cao nhất trong hàng chục năm. Giá nhiên liệu đắt đỏ châm ngòi cho bất ổn từ Peru cho đến Sri Lanka. Cuộc chuyển đổi sang nhiên liệu sạch mà các nhà lãnh đạo thế giới bàn tính trong nhiều năm qua có nguy cơ bị gạt sang một bên.

Về bản chất, thế giới đang phải vật lộn để sản xuất đủ số dầu cần thiết. Trong khi đó, tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm tới sẽ còn tăng thêm 2% và vượt mức trước đại dịch, theo ước tính của IEA.

Cung sẽ khó mà bắt kịp với cầu. Trong tháng 6, JPMorgan vẽ ra kịch bản thảm họa nếu Nga cắt giảm sản lượng dầu thô 5 triệu thùng/ngày, khiến giá dầu leo vọt lên 380 USD/thùng. Tuy Nga đã tìm được những khách hàng mới ở Trung Quốc và Ấn Độ, sản lượng tổng thể của nước này đã giảm hơn 1 triệu thùng mỗi ngày.

Triển vọng tìm được thêm sản lượng bên ngoài nước Nga rất mờ nhạt. OPEC, tổ chức hùng mạnh sản xuất khoảng 40% lượng dầu mỏ toàn thế giới, đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng mục tiêu sản xuất.

Sự kết hợp giữa cơ sở hạ tầng già cỗi, đầu tư thấp kỷ lục trong suốt nhiều năm và biến động chính trị khiến sản lượng bị kìm hãm. Trong tháng 5, sản lượng thực tế của OPEC+ thua kém mục tiêu tổng thể 2,7 triệu thùng dầu/ngày.

Bi kịch của cung-cầu

Niềm hy vọng về nguồn cung dầu bổ sung hiện đang đặt lên hai thành viên OPEC vẫn còn công suất dự phòng: Arab Saudi và UAE. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc giục cả hai nước sản xuất thêm. Ông Biden còn tuyệt vọng đến mức lên kế hoạch đến thăm Arab Saudi trong tháng này dù trước đó ông còn không thèm nói chuyện với Thái tử Mohammed bin Salman.

Nhưng không rõ Arab Saudi hay UAE còn có thể bơm nhiêu bao nhiêu dầu. Aramco, công ty dầu mỏ khổng lồ của Arab Saudi, tuyên bố có thể bơm 12 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nhưng Aramco chỉ mới đạt được công suất này đúng một lần.

Còn về UAE, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vô tình để lộ rằng Tổng thống UAE cho biết nước này đã chạm đến ngưỡng sản lượng tối đa.

Không có dấu hiệu nào cho thấy ngành dầu đá phiến của Mỹ đã sẵn sàng – hay sẵn lòng – giải cứu thế giới.

Sản lượng tại bể dầu Permian Basin ở Texas và New Mexico đang tăng lên. Nhưng phần còn lại của ngành dầu mỏ Mỹ thì giậm chân tại chỗ. Sản lượng tổng thể của Mỹ vẫn thấp hơn 1 triệu thùng/ngày so với mức đỉnh trước đại dịch.

Các công ty dầu vẫn còn khả năng sản xuất thêm. Nhưng một số không muốn làm vậy. 5 công ty dầu lớn nhất thế giới dự định đầu tư 81,7 tỷ USD trong năm nay, chỉ bằng một nửa so với số tiền họ chi ra năm 2013.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ lại cố gắng kiểm soát chi tiêu sau nhiều năm đốt tiền mà không đem lại mấy lợi nhuận. Các đại gia dầu châu Âu thì chuyển vốn khỏi dầu mỏ và hướng đến các nguồn năng lượng sạch hơn.

Đó là chưa kể đến điểm nghẽn của hoạt động chế biến dầu. Đại dịch đã khiến một số nhà máy lọc dầu già cỗi, không hiệu quả đóng cửa hoàn toàn. Thế giới thiếu năng lực chế biến dầu đến mức giá dầu thô không còn là thước đo hiệu quả cho mức giá mà người tiêu dùng phải trả. Giá dầu tại Mỹ đã giảm 13% trong tháng qua, nhưng giá xăng mới chỉ sụt 6,5%.

Điều tréo ngoe là nguồn cung gặp rắc rối đúng lúc nhu cầu dành cho nhiên liệu nhảy vọt. Sau hai năm bị kìm kẹp bởi các biện pháp phòng COVID-19, hàng trăm triệu người đang đổ ra đường và lên máy bay. Đến nay, nhu cầu cho dầu đã gần bằng mức trước đại dịch, trong khi Trung Quốc còn chưa dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế chống dịch.

Việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và nguy cơ suy thoái toàn cầu đang khiến nhà đầu tư lo ngại rằng nhu cầu sắp cắm đầu giảm. Nhưng trong lịch sử, sự suy yếu của nền kinh tế hiếm khi khiến nhu cầu nhiên liệu lao dốc. Ngoại trừ thời COVID-19, ví dụ hiện đại duy nhất về sự suy giảm đáng kể của nhu cầu khi kinh tế trật bánh là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. 

Không phải ai cũng dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục lên cao. Gần đây, Citigroup dự báo giá dầu có thể quay đầu giảm còn 65 USD/thùng nếu suy thoái xảy ra. Ngân hàng viết trong lưu ý rằng nhu cầu dầu chỉ có thể giảm “trong những cuộc suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất. Nhưng giá dầu thì giảm trong mọi cuộc suy thoái”.

Nhưng ngày 7/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo điều ngược lại. Ông tuyên bố các nước phương Tây đã mắc sai lầm khi trừng phạt nguồn cung dầu mỏ của Nga. Nếu phương Tây tiếp tục, thị trường năng lượng toàn cầu sẽ đối mặt với “những hậu quả còn nghiêm trọng hơn, thậm chí là thảm họa”.

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.